Chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trường học

Một trong những nhiệm vụ, cũng là mục tiêu trọng tâm của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học 2020-2021 này là bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh, coi đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng với nhiều đơn vị khác trên địa bàn thành phố, quận Hà Đông đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trường, quyết tâm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Học sinh Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) trong giờ ăn trưa tại trường.

Coi trọng kiểm tra

Năm học 2020-2021, quận Hà Đông là một trong số các đơn vị có quy mô giáo dục lớn của thành phố Hà Nội với 134 trường học, 103.000 học sinh. Trong số này, có 127 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú, tập trung ở khối các trường mầm non và tiểu học. Tổng số suất ăn hằng ngày cung cấp cho học sinh ở trường học là hơn 78.000 suất.

Xác định vai trò quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, UBND quận Hà Đông đã ban hành nhiều kế hoạch liên quan đến nội dung này. Ngay khi năm học mới bắt đầu, ngày 12-9-2020, UBND quận Hà Đông đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Hà Đông năm 2020.

Cùng với việc tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các trường học thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, việc kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai công tác này ở các nhà trường được coi là giải pháp quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi sai phạm (nếu có), đưa công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh vào nền nếp.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Hà Đông, cho biết: Bên cạnh việc hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức bếp ăn bán trú trong trường học, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Hà Đông còn coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các thành viên có liên quan về an toàn thực phẩm.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức 7 buổi tập huấn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm với sự tham gia của gần 1.400 người là cán bộ quản lý, nhân viên nuôi dưỡng của các trường học. Đáng chú ý, đối tượng tập huấn không chỉ là cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường công lập mà còn dành cho cả các trường ngoài công lập, chủ các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm nước sinh hoạt tại tất cả các trường học.

Kiểm soát chặt “đầu vào”

Từ kết quả kiểm tra, giám sát công tác tổ chức bếp ăn bán trú ở các trường học, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Hà Đông đã “nhặt” ra những lỗi thường gặp để tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh với quyết tâm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học. Một trong những giải pháp được coi trọng là tập trung kiểm soát chặt chẽ toàn bộ thực phẩm nhập vào trường hằng ngày để chặn ngay từ “đầu vào”, không để lọt các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm quá hạn sử dụng vào các khâu sau.

Là đơn vị có hơn 900 học sinh ăn bán trú hằng ngày, Trường Tiểu học Văn Yên xác định công tác bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và duy trì thường xuyên. Bà Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên, cho biết: Nhà trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn một chiều, có khu vực sơ chế, nấu nướng, bảo quản... với các điều kiện bảo đảm an toàn. Nhà trường đã thành lập tổ giám sát theo dõi chặt chẽ từng khâu, trong đó đặc biệt quan tâm đến khâu nhập nguyên vật liệu hằng ngày để kịp thời phát hiện các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe học sinh. Các khâu như sơ chế, chia khẩu phần ăn, lưu mẫu, dọn rửa... đều được ghi lại bằng camera, đồng thời có biên bản giám sát. Ngoài ra, nhà trường còn duy trì việc kiểm tra đột xuất bếp ăn ít nhất một lần trong một tuần.

Cùng với các trường mầm non trên địa bàn quận Hà Đông, Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm cũng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 550 trẻ được gửi tại trường. Theo bà Nguyễn Thị Thu An, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm, 9 nhân viên nuôi dưỡng của trường đều được khám sức khỏe định kỳ, có chuyên môn, kỹ năng tốt và được tập huấn thường xuyên. Việc chặn thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc được thực hiện hằng ngày. Nhà trường đã thành lập tổ giám sát công tác tổ chức bếp ăn bán trú với sự tham gia của đại diện ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên y tế... và phụ huynh học sinh. Để bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc, minh bạch, ngoài việc công khai thực đơn, đơn giá thực phẩm hằng ngày, phụ huynh học sinh có thể tham gia vào bất cứ khâu nào của quá trình tổ chức bữa ăn bán trú. Nhà trường còn phối hợp với phụ huynh học sinh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tận gốc nguồn cung ứng thực phẩm.

Liên quan đến công tác tổ chức bếp ăn bán trú trong trường học, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết: Năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chỉ đạo các nhà trường tiếp tục chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quyết tâm không để xảy ra ngộ độc trong trường học, đồng thời với việc thực hiện tốt công tác y tế học đường, chăm sóc tốt sức khỏe học sinh. Phòng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các nhà trường trong việc duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường vệ sinh môi trường; tăng cường sự phối hợp của cả nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh.

Minh Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/984649/chan-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-vao-truong-hoc