Chặn trục lợi từ văn hóa tâm linh

Thực hành tín ngưỡng của người dân là điều chính đáng. Tuy nhiên đã có không ít đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân để tìm đủ mọi cách trục lợi. Những hành vi mê tín dị đoan giờ đây còn lan truyền trên khắp mạng xã hội, tạo những ảnh hưởng xấu.

Đi lễ đầu năm.

Đi lễ đầu năm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh đúng đắn giúp cho người dân hướng đến những giá trị tốt đẹp chân - thiện - mỹ, từ đó giúp củng cố, bồi đắp những đức tính thiện lương của mỗi người.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, cũng phát sinh những tiêu cực, như tình trạng mê tín dị đoan của một bộ phận người dân, dẫn đến việc mê muội, làm theo lời của các thầy bói, đổ không ít tiền của vào cúng bái, dâng sao giải hạn...

Xã hội ngày càng phát triển, đi cùng với đó là những hệ lụy, mặt xấu tác động đến cuộc sống, khiến cho nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng… Song, thay vì tìm hướng giải quyết một cách thực tế và khoa học thì không ít người đã tìm đến với niềm tin tín ngưỡng như một sự an ủi. Thậm chí còn lựa chọn cách xem bói để mong muốn có được một hướng giải quyết tốt nhất. Chuyện này chẳng còn lạ trong xã hội hiện nay.

Tệ nạn mê tín dị đoan nở rộ vào thời điểm đầu năm mới. Đây cũng là lúc mà một số không gian và địa điểm lễ hội dễ dàng bị lạm dụng để thực hiện những hành vi mê tín dị đoan.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện nay, chúng ta đang chứng kiến khá nhiều hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi. Đáng chú ý, nhiều người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết sâu về khoa học vẫn tin vào những điều mê tín dị đoan.

Nếu như trước đây, thay vì phải đến nhà các “cô đồng, bà cốt” xem bói thì giờ đây đã không ít người lại xem bói online để tìm hiểu tiền vận, hậu vận thế nào. Hiện nay, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tài khoản facebook, tiktok đăng tải những nội dung về hoạt động xem bói, bắt vong, gọi hồn… không ít người tự xưng là cô đồng, cậu đồng, là thầy nhận xem bói online. Số người theo dõi các tài khoản này lên đến hàng trăm nghìn người.

Mới đây vụ việc cô đồng xem bói bằng hình thức bổ cau với câu nói “đúng nhận, sai cãi” Trương Thị H. đã bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Trước đó, trên mạng tiktok chia sẻ nhiều video “cô đồng” này vừa xem bói vừa phát trực tiếp, thu hút nhiều người quan tâm. Cụm từ “đúng nhận, sai cãi” xuất phát từ câu cửa miệng của cô đồng online H. thường xem bói bằng cách bổ cau. Sau mỗi lần “phán” gia cảnh hay chuyện quá khứ của người đến xem bói, cô đồng H. luôn có câu “đúng nhận, sai cãi”. Và đã gây “hot” trên mạng xã hội.

Nhiều người vẫn giữ thói quen xin xăm, gieo quẻ.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), những lời phán của “thầy”, của “cô đồng” khiến người đi xem bói chịu tác động tâm lý ít nhiều. Các trang web, tài khoản mạng xã hội chuyên về xem bói, tử vi hiện nay phát triển đã làm cho hoạt động này ngày càng được mở rộng và diễn ra với nhiều hình thức đa dạng hơn. Hiện nay pháp luật không có quy định nào cấm đối với hành vi xem bói nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

“Tuy nhiên, đối với trường hợp xem bói biến tướng thành mê tín dị đoan gây ra các hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, tác động xấu làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội thì chủ thể thực hiện hành vi không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015. Để không bị vướng vào pháp luật cũng như trở thành đối tượng mà người khác trục lợi chúng ta cần trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức xã hội cũng như pháp lý để nhận thức đầy đủ về hoạt động này” - luật sư Thanh nói.

Còn theo PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, cần phải làm cho nền kinh tế lành mạnh để mọi người hoạt động kinh tế đi vào bình thường, kết quả tốt như vậy, sẽ tạo ra sự yên tâm cho người dân, họ ít tin vào tâm linh, may rủi hơn. Bên cạnh đó, người dân phải được cảnh báo qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, tránh bị kẻ xấu lợi dụng để lừa bịp.

GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn học nghệ thuật Quốc gia Việt Nam:

Không thể lợi dụng văn hóa tâm linh để kinh doanh

Thời gian qua, trên mạng xã hội tiếp tục có một số hiện tượng bịa đặt sự tồn tại của các thần linh, tự tạo tính thiêng để mê muội lừa người khác cúng bái, nộp tiền thu lợi bất chính. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản về biện pháp phòng ngừa hiện tượng mê tín, dị đoan; nâng cao nhận thức của nhân dân; lên án, phê phán và xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan...

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp của Bộ, thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan không thể thiếu vai trò quản lý, giám sát tại địa phương. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương nói chung, đội ngũ quản lý văn hóa nói riêng cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên để ngăn chặn hiện tượng mê tín dị đoan; nếu không sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa văn hóa tâm linh, lợi dụng văn hóa tâm linh để kinh doanh.

Thành Nam(ghi)

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chan-truc-loi-tu-van-hoa-tam-linh-5710102.html