Khi bị chó cắn, cần phải làm gì?

Chỉ trong vòng hơn một tháng, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã tiếp nhận tới 3 trường hợp bị chó cắn, nhập viện trong tình trạng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Chỉ 1-2 ngày sau, cả 3 bệnh nhân đều xin ra viện vì diễn tiến dại lên cơn quá nặng.

Ngay sau khi bị chó cắn cần đi tiêm phòng dại. Ảnh minh họa

Ngay sau khi bị chó cắn cần đi tiêm phòng dại. Ảnh minh họa

Mất mạng vì chữa muộn

Giữa tháng 1/2018, bệnh nhân D.T.V (60 tuổi, ở Nghi Lộc, Nghệ An) được chuyển từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tới Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng sợ nước, sợ gió, đau vùng cổ tay bên trái, kích thích nhiều.

Khai thác bệnh sử từ người nhà cho biết, cách thời điểm vào viện khoảng 40 ngày, bà V bị chó nhà cắn vào cổ tay bên trái, nhưng bà không đi tiêm phòng dại mà dùng thuốc bốc được từ lang vườn để chữa vết chó cắn. Hơn một tháng sau đó, bà có biểu hiện sốt, mệt mỏi, có nhiều cơn rét run trong ngày, sợ nước, sợ gió… Sau khi được các bác sĩ tiến hành xét nghiệm dựa vào lâm sàng, xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy, lấy da vùng chân tóc… bệnh nhân được xác định mắc virus dại. Chỉ 1-2 ngày sau vào viện, tình trạng kích thích, hoảng loạn tăng dần, gia đình đã xin cho bệnh nhân ra viện về nhà.

Một nữ bệnh nhân khác là bà T.T.H (44 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang). Bà H bị chó thả rông không rọ mõm trong khu dân cư (không rõ của gia đình nào) cắn vào tay phải. Cũng giống như bà V, sau khi bị chó cắn, bà H không tiêm phòng. Sau 2 tháng, bệnh nhân xuất hiện cơn dại, chuyển viện Nhiệt đới cấp cứu.

Bệnh nhân thứ 3 là chị L.T.H (32 tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang). Được biết, gia đình bệnh nhân làm nghề thịt chó. Khi chị H vào chuồng bắt chó thì bị chó khác trong chuồng cắn vào chân, ngày hôm sau, con chó cắn người bị thịt, chị H cũng không đi tiêm phòng. 40 ngày sau, chị xuất hiện cơn dại.

“Tất cả bệnh nhân bị khi vào viện đều trong trạng thái sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, kích thích, hoảng loạn lo sợ, diễn tiến dại tăng nhanh. 100% bệnh nhân đều không tiêm phòng dại. Chỉ 1-2 ngày sau khi vào viện, đến khi hấp hối, gia đình bệnh nhân đều xin ra viện về nhà và tử vong”, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết.

Chưa có bài thuốc Nam nào được công nhận hiệu quả phòng, chữa bệnh dại

Theo BS Trung Cấp, khi bị chó cắn, nếu bị cắn vào vùng nhiều dây thần kinh như gần đầu - mặt - cổ, bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, vết thương bị nát nhiều thì nên đi tiêm phòng dại ngay, cùng với đó phải theo dõi liên tục con chó. Ngoài ra, cần lưu ý đặc biệt với những trường hợp bị chó con cắn, cũng phải tiêm phòng ngay bởi thường chó con ít khi chủ động tấn công người và chó con cũng khó theo dõi. Với những bệnh nhân bị chó cắn vào vị trí khác thì có thể trì hoãn việc tiêm phòng nhưng phải theo dõi sát chó. Nếu không xác định được chó cắn hoặc không theo dõi được thì phải tiêm phòng luôn, hoặc theo dõi chó chết trong 10 ngày phải tiêm phòng luôn.

“Những người làm nghề có nguy cơ bị chó cắn như làm nghề thịt chó thì phải chủ động tiêm phòng dại vì khả năng tiếp xúc nhiều, nguy cơ bị cắn cao, khả năng theo dõi chó khó khăn”, BS Trung Cấp khuyến cáo. Ngoài ra, với người dân bình thường, nhất là khu vực có nhiều chó thả rông, không rọ mõm hay người có sở thích chơi chó thì nên đi tiêm phòng dại chủ động. BS Trung Cấp khẳng định: “Trong tất cả mọi trường hợp tiêm phòng dại đều không đáng lo ngại vì vaccine thế hệ mới rất an toàn, không xảy ra tai biến, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và tinh thần, thần kinh như người dân lo ngại”.

Người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại. Từ khi bị chó cắn đến khi phát bệnh dại trung bình 3-6 tháng, có ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh. Điều cần lưu ý là khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da. Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Khi đã phát bệnh dại nhìn chung sẽ tử vong nên tất cả những người bị chó dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Trên một số diễn đàn, không ít người chia sẻ những bài thuốc từ lá cây trị chó dại cắn với lời quảng cáo: “Không cần thử, uống vào nếu bình thường thì không bị dại, còn uống xong thấy gào rú như chó dại kêu sẽ khỏi luôn (?). Giá thuốc chỉ 100.000 đồng”. Về vấn đề này, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, có một số người bị chó cắn, lo sợ, quá ám ảnh nghĩ mình bị dại và ám ảnh rằng bị dại thì sẽ sủa như chó nên họ sẽ sủa “gâu gâu”. “Những trường hợp đó được gọi là biểu hiện giả dại, còn thực tế bệnh nhân không bị dại. Một số bệnh lý không phải dại khác như bệnh nhân viêm thanh quản cũng có thể ho, nói ông ổng giống tiếng chó sủa”, BS Trung Cấp nói. Ngoài chó, có thể có mèo, dơi (dơi quỷ hút máu), chồn, cáo... cũng có thể truyền bệnh dại.

BS Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh: “Các biện pháp thử bằng mẹo, điều trị bằng thuốc Nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. Trái lại, hàng năm ở nước ta vẫn có hàng chục bệnh nhân chết oan vì tin lời thầy lang thử bảo không phải dại, hoặc cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vaccine”.

Khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính, gồm:

- Thể viêm não: Người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước, khi thấy gió hoặc thậm chí chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ. Đồng tử giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.

- Thể liệt: Người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện liệt, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Lưu ý là các bệnh nhân dại sẽ tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết chứ không bị điên dại.

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/khi-bi-cho-can-can-phai-lam-gi-20180308082521209.htm