Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình…

Khi còn viết bút mực, ngồi trên ghế trường tiểu học những người thế hệ tôi đã được học, đọc rất nhiều bài viết về đất và người Quảng Bình. Những nhân vật kiệt xuất như: Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp… Sau này có dịp là đồng môn với rất nhiều anh, chị, em quê Quảng Bình, càng thêm yêu sự chịu thương chịu khó, mặn mòi đến chân thành… Trong kỷ niệm đó có một bài thơ mà đến giờ tôi còn thuộc lòng – Bài thơ 'Mẹ Suốt' của Tố Hữu.

Tượng đài Mẹ Suốt ở Quảng Bình.

“Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình…”

Tôi chắc, câu thơ ấy đã cho bao em thơ ngủ ngon và để giờ đây có dịp qua dải đất này, trong tôi bao nhiêu cảm xúc lại ùa về- Lắng đọng có, nghẹn ngào có, cảm phục và xen lẫn tự hào về một mảnh đất quật cường trong chiến tranh với những con người bình thường đã làm nên những điều phi thường. Giờ đây, nhắc đến Quảng Bình, bến đò Nhật Lệ, người ta nhắc tới người nữ anh hùng chèo đò đưa bộ đội qua sông mặc mưa bom bão đạn. Và hình ảnh đó đã đi vào huyền thoại, trở thành một tượng đài biểu trưng cho sức mạnh chiến thắng và tinh thần quật cường của cả dân tộc những năm tháng chống Mỹ oanh liệt- Tượng đài Mẹ Suốt.

Quảng Bình nằm ở Bắc Vĩ tuyến 17 giáp nơi chia đôi hai miền Nam – Bắc theo hiệp định Giơ ne vơ. Được coi là “yết hầu”, tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vì vậy Quảng Bình trở thành đất bom, đất đạn nơi hằng ngày máy bay, tàu chiến Mỹ, Ngụy từ ngoài khơi chọn Quảng Bình để oanh tạc. Thậm chí những giặc nhà trời vượt vĩ tuyến ra ném bom miền Bắc khi trở lại còn sót bao nhiêu bom đạn được quyền trút hết xuống đất Quảng Bình. Quảng Bình cũng là nơi điểm cuối của bộ đội miền Bắc hành quân để ngược phía Tây nhập vào đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Và tại Quảng Bình có một điểm vượt sông thuận tiện nhất là bến Nhật Lệ thuộc Bảo Ninh, ngay sát thị xã Đồng Hới. Bến Nhật Lệ là vùng cửa biển nên nước lặng, và đây là trọng điểm đánh phá của phi công Mỹ ngăn chặn đường tiếp tế của quân giải phóng, ngăn những người lính miền Bắc vào giải phóng miền Nam.

Nếu Quảng Bình được gọi là tuyến lửa của miền Bắc thì Nhật Lệ là tuyến lửa của Quảng Bình. Cho đến hôm nay ngay trên bến Nhật Lệ vẫn còn nguyên dấu tích của nhà thờ Tam Tòa nơi không quân Mỹ lấy mốc tọa độ để ném bom. 48 trận bom với hàng trăm tấn bom đạn đã đổ xuống mảnh đất vỏn vẹn vài trăm mét vuông.

Trong suốt những năm tháng ấy, Quảng Bình đã chịu hàng nghìn trận bom, hàng nghìn tấn bom đạn của kẻ thù. Thế nhưng trong gian khó quân và dân Quảng Bình vẫn hiên ngang bắn rơi 704 máy bay Mỹ. Những anh hùng Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Suốt (mẹ Suốt), Nguyễn Thị Huế, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy là những bài ca sẽ sống mãi cùng chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Anh lái xe điện có cái tên lạ lạ Trần Văn Né khá ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi đường về Bến đò mẹ Suốt, với chất giọng nặng trịch đặc trưng vùng biển Quảng Bình: “Các eng ở mô Bắc mà cũng biết mệ Suốt à? Đó đó tượng đài mệ tê, con mệ bán hàng trong chợ…”. Câu nói của anh như kích thích sự tò mò của chúng tôi. Với quyết tâm gặp bằng được người thân mẹ Suốt chúng tôi bỏ cái thú vui nhẩn nha trong chợ để đến bằng được, chứng kiến những con người mà mới chỉ được nghe trong thi ca.

Bà Hoàng Thị Tý là con dâu của mẹ Suốt. Theo lời bà Tý, mẹ Suốt có tất cả 4 người con. Ông Trần Văn Hùng con út của mẹ Suốt chính là chồng bà Tý. Khi bà về làm dâu thì mẹ Suốt đã mất nhưng bà thường xuyên được chồng kể cho nghe về mẹ. Vào những năm 1965 – 1968 mẹ Suốt đã 60 tuổi, là xã viên của Hợp Tác xã Bảo Ninh. Hợp tác xã phân công người nhận đò để chở bộ đội qua sông.

Đó là một công việc cực kỳ nguy hiểm bởi so với những việc khác chèo đò công điểm đã thấp lại phải thường xuyên đối mặt với mưa bom, bão đạn. Thế nhưng khi nói phục vụ bộ đội qua sông để giải phóng miền Nam, bà xung phong nhận ngay. Và từ đó con đò gắn với mẹ.

Trong suốt những năm tháng ấy mẹ đã chở hàng nghìn chuyến đò, đưa hàng chục nghìn bộ đội, cùng vũ khí khí tài qua sông, hình ảnh của mẹ đã trở thành tượng đài chiến thắng. Giờ đây mặc dù gia đình còn khó khăn nhưng bà Tý vẫn lạc quan, vẫn nhắc con phải sống sao cho xứng đáng với quê hương. Khi tôi hỏi: “Nhớ nhất kỷ niệm nào về mẹ Suốt?”, bà Tý đáp ngay: “Mẹ chồng tôi bảo, mình khổ nhưng cho con cháu sướng thì khổ mấy cũng chịu được”. Nói rồi bà hướng ra cửa sông nơi có tượng đài mẹ Suốt đang vững tay chèo”.

44 năm đã qua đi, Quảng Bình giờ đây đã đổi khác. Ngay dưới chân Tam Tòa, nơi được tỉnh đặt làm dấu tích tội ác chiến tranh đã mọc lên những Resort khang trang; tuy con hoang sơ nhưng biển Nhật Lệ đang dần được đánh thức. Nhiều khu du lịch được mở ra, tiềm năng Quảng Bình đang được đánh thức đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm. Động Phong Nha, Kẻ Bàng được tờ NewYork Times bình chọn xếp thứ 8 trong 52 điểm đến trên toàn thế giới; động Thiên Đường được ví là “Hoàng cung trong lòng đất”; Hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới được tờ NewYork Times bình chọn là một trong những điểm du lịch tuyệt vời nhất trên thế giới năm 2018.

Tôi không có cơ hội vào Sơn Đoòng nhưng đã được đặt chân đến Phong Nha, Ke Bàng và động Thiên Đường thì tôi nhận thấy quả thật thiên nhiên đã quá ưu ái với mảnh đất này khi trong lòng nó có biết bao điều kỳ thú đang dần được khám phá. Nó bị ẩn đi trong những năm tháng chiến tranh những cũng chính từ khói lửa chiến tranh đã mang lại cho con người nơi đây đức tính cần cù, chịu khó, bất khuất, kiên cường, vượt lên mọi khó khăn...để làm hồi sinh lại mảnh đất đầy tiềm năng này.

Nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài không thể tin chỉ chừng ấy năm những vùng bom đạn được hồi sinh một cách kỳ lạ, để giờ đây Quảng Bình đang vươn lên trở thành một địa phương năng động khu vực Bắc miền Trung, nơi có biển Nhật Lệ, Có Phong Nha, Kẻ Bàng, có Sơn Đoòng, có những người làm nên huyền thoại. Đi dọc biển Nhật Lệ vào một ngày trời nắng đẹp, điều tôi cảm nhận rõ nét từ miền đất quật cường này là: 44 năm qua đi Quảng Bình đang đổi mới từng ngày.

Bài, ảnh: Quỳnh Thu

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/chang-chang-con-cat-nang-trua-quang-binh-20190329085424898p0c1.htm