Chàng cử nhân dân tộc Tày quyết làm giàu trên chính quê hương

Nhờ áp dụng công nghệ vào chế biến, đến nay HTX Việt Lâm đã cho ra đời 12 dòng sản phẩm từ trà Shan Tuyết cung ứng cho thị trường trong nước và 4 dòng sản phẩm gia công xuất khẩu cho thị trường Đài Loan và Trung Quốc.

Hà Ngọc Châm tại chương trình "Bệ phóng khởi nghiệp năm 2020" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức

Hà Ngọc Châm tại chương trình "Bệ phóng khởi nghiệp năm 2020" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức

Khởi nghiệp và thất bại trên ghế giảng đường ĐH

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở một địa phương nghèo nhất cả nước, Hà Ngọc Châm luôn khao khát thoát nghèo, làm giàu cho quê hương. Năm 2013, bước chân vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chàng sinh viên dân tộc đã tham gia CLB khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Nội.

Một năm sau, Châm mạnh dạn mang dự án “HTX chế biến và phân phối trà shan tuyết Bó Đướt” tham dự kỳ thi khởi nghiệp quốc gia. Với kết quả giải nhì, Châm và các bạn đã được các thầy các cô trong trường giúp đỡ hoàn thiện dự án.

Song song với đó, Châm cũng chính thức triển khai dự án ra thực tế. “Chúng tôi tiến hành hướng dẫn bà con trên thôn Bó Đướt xã Thượng Sơn huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang sản xuất chế biến trà theo nhóm hộ và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Với tiếng của giải nhì khởi nghiệp quốc gia năm 2014 các sản phẩm chúng tôi đưa ra được khách hàng đón nhận và bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên. Năm 2015, sau 1 năm kinh doanh chúng tôi đã có những tập khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm, những đơn vị đầu tư đầu tiên ngỏ ý góp vốn mở rộng kinh doanh sản phẩm trà của chúng tôi”, Châm nhớ lại.

HTX Việt Lâm đã cho ra đời 12 dòng trà cung cấp trong nước với 4 dòng xuất khẩu

Thế nhưng vào cuối năm 2015, bắt đầu có những phản hồi không tốt như sản phẩm không đồng nhất, chất lượng không đồng đều.

“Ngay lập tức, chúng tôi đã điều chỉnh với đơn vị cung ứng sản phẩm, nhưng vẫn không thể cải thiện được chất lượng do vấn đề sản xuất nhỏ lẻ thủ công phụ thuộc quá nhiều yếu tố khách quan khó tạo được sự đồng nhất về sản phẩm. Thậm chí, đơn vị gia công sản phẩm cho chúng tôi còn vì lợi nhuận đã trộn lẫn nguyên liệu vùng trà shan trồng và vùng shan tự nhiên làm chất lượng sản phẩm bị giảm mạnh. Các đơn hàng lớn mất dần, khách quen cũng dời đi. Các đơn vị đầu tư cũng rút lui. Vốn của chúng tôi hầu như đã cạn không thể tiến hành nhập sản phẩm”, Châm ngậm ngùi.

Tất cả mọi thứ tưởng chừng màu hồng trước mắt bông nhiên sụp đổ. Thời điểm ấy Châm buộc phải bán thanh lý hết số sản phẩm chất lượng không đạt, vay thêm bạn bè trả nợ. Chàng thanh niên vẫn cố giữ lại những khách hàng ruột và kiên quyết chối từ những đơn hàng lớn.

“Tôi quyết định tập trung cho việc học theo đúng tiến độ. Ra trường sẽ về lại quê hương Hà Giang xây dựng lại. Bắt đầu là xây dựng quy trình sản phẩm truyền thống như các thầy cô vẫn thường khuyên”, Châm chia sẻ.

Từ bỏ nhiều cơ hội ở lại Thủ đô, chàng cử nhân nông nghiệp xách ba lô quay lại quê hương. Khi ấy là cuối năm 2016. Hà Ngọc Châm liên hệ với huyện đoàn Vị Xuyên nhờ kết nối các bạn đoàn viên đang hoạt động sản xuất trà trên địa bàn.

Song song với đó, Hà Văn Châm đã có buổi thuyết trình và đề xuất triển khai dự án xây dựng một HTX về trà Shan tuyết truyền thống chất lượng cao của người đồng bào tại 3 xã Quảng Ngần, Việt Lâm, Thượng Sơn (Vị Xuyên).

28 đại biểu có mặt hôm đó đều là những hộ kinh doanh sản xuất trà và những người trồng trà đại diện được chọn tại các xã. Buổi thuyết trình kết thúc tất cả mọi người bỏ ra về. “Có sự hụt hẫng”, Châm thú nhận, nhưng anh cho biết không hết hy vọng.

Vài hôm sau, có hai nhóm bà con ở xã Quảng Ngần và Thượng Sơn đã tìm gặp Châm hỏi kỹ hơn về phương án cách thức làm ra sao. Như chim sổ lồng, Châm say sưa giải thích tất cả những gì mà mình được học về cách thức sản xuất, lưu thông một sản phẩm. Sau lần đó, họ quyết định bắt tay nhau.

Đưa công nghệ vào dây truyền sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm

Tháng 3 năm 2017, HTX thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm ra đời do Hà Ngọc Châm làm chủ. Với phương án sản xuất kinh doanh dựa vào dự án chè Bó Đướt được các thầy cô hỗ trợ chỉnh sửa và những kinh nghiệm sau 2 năm kinh doanh thực tiễn.

Vốn không còn là bao, anh cùng cộng sự đi vay theo chương trình khuyến công của huyện. Máy móc, nhà xưởng đã xong. Khó khăn khác lại xuất hiện. Đó là bà con lâu nay vẫn làm theo truyền thống - thu hái lá chè không theo quy trình, không được hái đúng và chuẩn thời vụ. Lá chè chỉ hái như dạng tận thu nên chất lượng sản phẩm làm ra không cao.

Chàng cử nhân dân tộc Tày quyết làm giàu trên chính quê hương

“Chúng tôi lại mất cả năm trời để hướng dẫn bà con làm sao thu hái đúng quy cách đúng thời vụ để nâng cao giá trị sản phẩm. Vậy là cuối 2016 bắt đầu triển khai dự án nhưng đến cuối 2018, tức là 2 năm sau, sản phẩm trà xanh đầu tiên của chúng tôi mới được ra mắt”, Châm chia sẻ.

Anh thừa nhận bản thân là sinh viên kinh tế nông nghiệp nên được tiếp xúc về nhiều các cách quản lý nhiều hơn, nhưng với ngành sản xuất chế biến - công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định khá lớn cho việc thành bại của một sản phẩm.

Do đó, Châm đã “tranh thủ” sự giúp đỡ của các thầy cô Học viện NNVN kết nối với các giảng viên đầu ngành về công nghệ thực phẩm, nông học… nhằm áp dụng vào HTX.

“Khi gặp các vấn đề thực tiễn trong sản xuất chúng tôi đã xử lý khá nhanh và không bị bất ngờ giúp giảm thiểu rủi rõ trong thực tiễn. Nhất là công nghệ sấy và bảo quản trà.

Cụ thể, nếu như trước đây bà con vẫn quen cách bảo quản nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Khi ở thời tiết tốt trà được rải mỏng hong gió tạo hương vị riêng khi sản xuất, nhưng nếu gặp ngày nắng nóng trà dễ táp hỏng thì cả mẻ chè sẽ cho chất lưọng kém ngay.

Khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã sử dụng quạt công nghiệp công suất lớn tạo thông gió trong các lá trà. Cách làm này giúp lá trà thoát hơi nước, làm héo lá trà còn tươi sẽ hạn chế trao đổi chất, giữ nguyên hương vị ban đầu. Đặc biệt, với cách làm này, Châm cho biết đảm bảo chất lượng các mẻ trà như nhau mà không còn phải phụ thuộc vào thời tiết.

Giải quyết xong công đoạn bảo quản nguyên liệu, Châm tiếp tục bắt tay vào “cải tiến” công nghệ sấy trà. Phương pháp truyền thống trước đây phụ thuộc vào nắng mặt trời khiến thời gian sấy khô lâu. Nếu gặp trời mưa trà sẽ hỏng.

Áp dụng công nghệ trong quá trình sấy chè cho ra những sản phẩm chất lượng hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống

“Phương án được đưa ra là dùng hệ thống sấy đối lưu nhiệt giúp giảm thời gian sấy. Điều này cũng làm tăng chất lượng trà shan tuyết, giữ được nguyên cánh và tạo cánh đẹp hơn. Song song với đó, chúng tôi cũng áp dụng phương pháp sấy chè bằng nhiệt ga, với nhiệt phân tán đều, người sấy có thể dễ dàng điều chỉnh lượng nhiệt trong quá trình sấy chè. Với phương pháp này ưu điểm nổi bật so với nhiệt củi là nhiệt tản đều giúp chất lượng trà tốt hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống”, Hà Ngọc Châm bày tỏ.

Nhờ áp dụng công nghệ vào chế biến, hệ thống quản trị tốt, đến nay HTX do Châm làm chủ đã cho ra đời 12 dòng sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và 4 dòng sản phẩm gia công xuất khẩu cho thị trường Đài Loan và Trung Quốc.

Ông chủ 23 tuổi này cũng không giấu niềm tự hào cho biết, hiện HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 5 thôn vùng cao của xã Quảng Ngần (Vị Xuyên, Hà Giang) với diện tích 200ha. Đến giờ, người dân không còn khái niệm bỏ chè shan, bà con chăm chút cho cây chè hơn, rào chắn bảo vệ tránh trâu bò phá.

Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động, nhưng đến nay, HTX của Châm đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ; góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn.

Nói về những dự định trong tương lai, Hà Văn Châm chỉ một mong muốn “mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam dòng trà hoàn toàn thiên nhiên” để “giúp gìn giữ những phương pháp và các dòng trà truyền thống của đồng bào nơi đây không bị mai một”.

Thành công ở tuổi 23 là cả quá trình phấn đấu không ngừng với đam mê khởi nghiệp tại quê hương của Châm. Với những nỗ lực của mình, năm 2018, Hà Văn Chiến đạt danh hiệu thanh niên tiêu biểu của tỉnh Hà Giang. Năm 2019 sản phẩm trà xanh hộp thiếc của Chiến vinh dự đạt giải 3 sao trong Chương trình ocop của tỉnh Hà Giang.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/ong-chu-23-tuoi-va-nhung-lan-that-bai-258726.html