Chặng đường 90 năm vẻ vang của Ðảng bộ TP Hà Nội

Sau 90 năm xây dựng và phát triển, Ðảng bộ TP Hà Nội hiện là Ðảng bộ lớn nhất cả nước. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Ðảng bộ đã có những chuyển biến đồng bộ, vững chắc về công tác xây dựng Ðảng; nhiều chủ trương mới, sáng tạo được ban hành, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn.

Diện mạo khang trang, hiện đại của Thủ đô Hà Nội.

Diện mạo khang trang, hiện đại của Thủ đô Hà Nội.

Sau 90 năm xây dựng và phát triển, Ðảng bộ TP Hà Nội hiện là Ðảng bộ lớn nhất cả nước. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Ðảng bộ đã có những chuyển biến đồng bộ, vững chắc về công tác xây dựng Ðảng; nhiều chủ trương mới, sáng tạo được ban hành, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn.

Phong cách công tác, lề lối làm việc được đổi mới mạnh mẽ theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, đề cao trách nhiệm cá nhân, bám sát thực tiễn. Nhờ vậy, tạo sự đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đóng góp to lớn cho cả nước.

Bước ngoặt lịch sử

Cách đây 90 năm, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Ðảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm ba đồng chí: Ðỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Việc thành lập Ðảng bộ TP Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng và đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội. Ngày 17-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội, quần chúng đã biến diễn đàn của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít-tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Khởi nghĩa quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 19-8-1945, cả Hà Nội vùng lên. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch. Tối cùng ngày, các cơ quan quan trọng của chế độ cũ đã về tay cách mạng, lực lượng Việt Minh làm chủ thành phố. Tiếp đó, cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh Hà Ðông, Sơn Tây cũng giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, Hà Ðông, Sơn Tây đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Ðông - Nam Á.

Theo Ðại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, những bài học thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội về tư tưởng cách mạng tiến công, đoàn kết, trí tuệ, không rập khuôn, máy móc để đạt được mục tiêu; về xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng dân; về công tác địch vận, cảm hóa kẻ thù và về bản lĩnh trong lựa chọn phương thức đấu tranh phù hợp hoàn cảnh cụ thể, vẫn là bài học đầy ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hà Nội, sáng kiến của các tổ chức đoàn thể, nỗ lực của tất cả các giai cấp, tầng lớp, các phong trào thi đua yêu nước ở Thủ đô thời kỳ 1954 - 1975 đã đạt hiệu quả thiết thực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh phá hoại (1964 - 1968 và 1972), chi viện sức người, sức của cho miền nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ những phong trào thi đua yêu nước thêm một lần khẳng định tính tiên phong, cách mạng, trí tuệ, sáng tạo, sự đoàn kết thống nhất của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh và vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

Luôn tiên phong, đổi mới

Từ năm 1986 đến nay, cùng với cả nước, Hà Nội tiến hành sự nghiệp đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo. Trong những hoàn cảnh khó khăn, Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống vẻ vang, sáng tạo, khẳng định vị thế: "Hà Nội - trái tim của cả nước". Năm 2008, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Ðảng bộ Hà Nội đã không ngừng đổi mới tư duy và hành động, tập trung khai thác các nguồn lực, đưa kinh tế Thủ đô phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức bình quân của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội năm 2019 đạt 7,46%; vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành phố luôn quan tâm phát triển hài hòa, không để mất cân đối giữa các vùng, khu vực; nhất là khu vực nông thôn. Nhờ vậy, Hà Nội hiện là địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng nông thôn mới, với sáu huyện và 356 xã (chiếm 92,2% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước hai năm so với chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 16. Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.

Hà Nội vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng"; ba lần đón nhận Huân chương Sao Vàng. Uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới ngày càng nâng cao, được tổ chức UNESCO vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo".

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, để đạt được những kết quả đó, bên cạnh bài học quan trọng về thống nhất tư tưởng để hành động, Ðảng bộ thành phố đã có nhiều bước đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ðịnh kỳ, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) và chương trình, kế hoạch của Thành ủy, các cấp ủy về xây dựng chỉnh đốn Ðảng, gương mẫu trong thực hiện hai quy tắc ứng xử do thành phố ban hành.

Việc tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục đã trở thành nền nếp trong Ðảng bộ thành phố Hà Nội. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số tập thể cấp ủy, tổ chức đảng. Ðến nay, Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 58 tập thể trực thuộc, tập trung chủ yếu vào những hạn chế, khuyết điểm chính, những vấn đề nổi cộm thuộc phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo về việc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm và xây dựng kế hoạch khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã nêu.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Ðảng của Hà Nội còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Ðó là vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng còn yếu; chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình của một số chi bộ, đảng bộ và đảng viên còn hạn chế. Công tác phòng ngừa đảng viên và tổ chức đảng sai phạm có lúc, có nơi làm chưa tốt. Việc kiểm tra giám sát, định hướng và giải quyết những vấn đề dư luận bức xúc, những vấn đề trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả chưa cao.

Nhận diện rõ những hạn chế, khuyết điểm đó, thời gian tới, Ðảng bộ Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao, cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16 đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Quốc Toản

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43583402-chang-duong-90-nam-ve-vang-cua-%C3%B0ang-bo-tp-ha-noi.html