Chẳng lẽ chịu thua nạn phá rừng?

Những ngày vừa qua, liên tiếp các vụ phá rừng ở nơi này nơi nọ lại làm nóng ran mặt báo. Nơi thì lén lút đốn hạ cây rừng lấy gỗ, nơi thì xâm chiếm đất rừng và biến thành đất ở trái phép..., những câu chuyện không mới nhưng vẫn gây bức xúc dư luận bởi thực trạng dai dẳng của nó như một sự thách thức quyền lực quản lý nhà nước; đồng thời, đối với người dân, nó gợi lên những ám ảnh về môi trường thiên nhiên ngày càng bị hủy hoại.

Công trình xây dựng trên khu vực hồ Đồng Đò thuộc thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Vietnamplus

Nổi cộm lên trong dòng thông tin về chuyện phá rừng nói trên là vụ lấn chiếm rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội). Hàng loạt công trình bao gồm biệt thự, khu nghỉ dưỡng đã và đang tiếp tục mọc lên trên đất rừng phòng hộ này, trong đó nhiều công trình được cho là sai phạm. Vụ việc gây nóng dư luận ở chỗ không chỉ những sai phạm bị phát hiện mới đây mà có những sai phạm đã diễn ra nhiều năm trước và đến bây giờ vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Từ năm 2006 và liên tiếp sau đó, nhiều đoàn thanh tra bao gồm cả Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc để xác minh và kết luận về những sai phạm, nhưng như báo chí phản ánh, hiện tại nhiều khu vực quy hoạch của rừng phòng hộ này vẫn ngổn ngang những công trình đang thi công.

Cũng trong dòng thời sự mới đây và cũng lại là rừng phòng hộ, báo Tuổi Trẻ có bài viết với tiêu đề “Cạo trọc” rừng phòng hộ bằng xe ủi, ghi nhận “hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ở thượng nguồn sông Bến Hải, phía Tây Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị phá để chiếm đất vì nguồn lợi tiền tỉ”. Còn trước đó chỉ vài tuần, những vụ phá rừng khai thác gỗ trái phép ở Bình Phước, ở Lâm Đồng... cũng được báo chí nhắc đến. Ở Bình Phước, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú phát hiện nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ trái phép. Ở Lâm Đồng, trong chín tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã lập biên bản 660 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; diện tích thiệt hại hơn 45 héc ta, lâm sản thiệt hại 2.552 mét khối... (Tuổi Trẻ, 9-10-2018).

Liệt kê dài dòng như vậy để cảm nhận rằng chúng ta dường như đang bất lực trong việc bảo vệ rừng, chấp nhận sự tồn tại hiển nhiên của nạn phá rừng - một trong những nguyên nhân góp phần hủy diệt môi trường sống. Nói “chịu thua” là bởi tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất rừng đã xảy ra bao lâu nay và đến giờ vẫn tiếp diễn, bất chấp việc chúng ta có đầy đủ chính sách và công cụ pháp luật để bảo vệ rừng.

Có lẽ phần đông đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng. Ví như những người chủ các công trình to lớn trên đất rừng Sóc Sơn kia, với địa vị và mức độ giàu có, chắc họ không thể không biết đến vai trò của các loại rừng phòng hộ-rất nhiều, nhưng có thể nói gọn lại là để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát, chắn sóng... Tiếc rằng, hiểu vai trò của rừng phòng hộ nhưng bằng việc xâm chiếm đất, thu hẹp diện tích rừng, họ đã tham gia làm suy giảm những vai trò này. Đâu chỉ rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, bao nhiêu cánh rừng tự nhiên trên đất nước vẫn chực chờ bị tàn phá bởi cả những nhận thức hời hợt lẫn những mục tiêu hám lợi. Mất rừng, mưa bão, lũ lụt càng thêm hung hãn; đất đai xói mòn, sạt lở, môi trường ô nhiễm nặng nề...

Ở khía cạnh pháp luật và vai trò quản lý nhà nước, một thiết chế để bảo vệ và phát triển rừng đã được thiết lập từ lâu. Đó là luật và các văn bản dưới luật, con người thực thi bao gồm lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương... Thế nhưng, bao nhiêu công cụ và con người đó vẫn không đủ sức để ngăn chặn các vụ xâm phạm tài nguyên rừng. Tình trạng đến mức, tháng 6-2016, Chính phủ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm việc phá rừng lấy đất. Tháng 10-2017, lệnh này được nhắc lại, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử nghiêm bất cứ ai vi phạm.

Lê Triết

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280609/chang-le-chiu-thua-nan-pha-rung-.html