Chàng sinh viên làm máy hỗ trợ giao tiếp bằng mắt, giúp bệnh nhân có đời sống thực vật

Xuất phát từ sự cảm thông và mong muốn giúp các bệnh nhân có đời sống thực vật có thể giao tiếp với gia đình, Trần Đăng Khoa - sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã lên ý tưởng và thực hiện thành công máy hỗ trợ giao tiếp bằng 'mắt' cho các bệnh nhân.

Sinh viên Trần Đăng Khoa nhận được giải Ba tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 21

Sinh viên Trần Đăng Khoa nhận được giải Ba tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 21

Trước đây, khi tìm hiểu về các bệnh nhân sống thực vật, Đăng Khoa biết được người bệnh cảm giác rất khó chịu và bất lực vì phải nằm một chỗ, không nói chuyện được, không cử động được Mọi việc chỉ có thể nhận biết qua đôi mắt. Nếu không được giao tiếp, bệnh nhân sẽ có khả năng rất cao rơi vào tình trạng chết não.

Từ thực tế và hiểu biết này, chàng sinh viên năm 3 đã mày mò, nghiên cứu để tìm cách giúp bệnh nhân giao tiếp qua việc chuyển động của mắt.

Không phải là sinh viên chuyên ngành CNTT nên việc tiếp cận đến lập trình, các phần mềm tự động hóa là điều tương đối khó, học về công nghệ xử lí ảnh, thị giác máy tính lại càng khó hơn với Khoa. Em đã dành ra thời gian để tập trung mọi thứ vào việc tìm tài liệu tự học CNTT, các hướng dẫn về thị giác máy tính, gặp gỡ và được sự hỗ trợ, góp ý từ các anh chị đi trước, các thầy cô tại trường.

Việc làm một chiếc máy phục vụ ngành Y cần phải có cả kiến thức về CNTT và Y dược. Sau khi đã có kế hoạch thực hiện, hàng ngày em thường xuyên đến Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM để tham khảo vào xin đóng góp ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ, khảo sát mong muốn của các bệnh nhân tại đây, giúp chiếc máy hoàn thiện một cách an toàn nhất và hỗ trợ hiệu quả nhất cho các bệnh nhân.

Video giới thiệu về đề tài nghiên cứu của Đăng Khoa. Nguồn Khoa học trẻ TST

Thông qua sự di chuyển của nhãn cầu khi bệnh nhân được hỏi những câu hỏi như "ăn cơm chưa", "có khát nước không".... chiếc máy sẽ phát ra âm thanh trả lời dựa vào sự di chuyển của nhãn cầu. Người chăm sóc sẽ biết được bệnh nhân đang cần gì.

Trải qua hơn 6 tháng, từ khi nung nấu ý tưởng đến khi thực hiện thành công phiên bản thử nghiệm đầu tiên, hiện nay chiếc máy hỗ trợ giao tiếp bằng "mắt" của Khoa đã chạy thành công trên những người được thử nghiệm. Tuy nhiên, muốn áp dụng lên người bệnh, cần phải qua quá trình kiểm định chất lượng, em đang cố gắng hoàn thiện tất cả trong thời gian sớm nhất sản phẩm có thể đến được với tất cả bệnh nhân.

Khoa chia sẻ, máy hỗ trợ giao tiếp bằng mắt là một trong những món quà ý nghĩa em muốn gửi đến các bệnh nhân sống thực vật, giúp họ có thể cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình. Em hi vọng món quà này sẽ được gửi đến tất cả các bệnh nhân trong thời gian sớm nhất.

Mới đây, với chiếc máy hỗ trợ giao tiếp bằng mắt, Trần Đăng Khoa đã xuất xắc nhận được giải Ba tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 21, do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Ngoài ra, Khoa còn nhận được thêm sự hỗ trợ phát triển dự án từ Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, hỗ trợ về kinh phí, hướng dẫn phối hợp cùng các bệnh viện thực nghiệm máy trên các bệnh nhân. Đây là động lực rất lớn để Khoa tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm nhiều dự án ý nghĩa hơn, phục vụ cộng đồng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/chang-sinh-vien-lam-may-ho-tro-giao-tiep-bang-mat-giup-benh-nhan-co-doi-song-thuc-vat-4049697-v.html