'Chàng Thạch Sanh' định danh bản sắc xiếc Việt ra thế giới

30 năm gắn bó với 'sân khấu tròn', hình ảnh 'người biểu diễn xiếc trăn đầu tiên tại Việt Nam' - NSND Tống Toàn Thắng vẫn được nhiều thế hệ khán giả dành lời khen ngợi bởi ý chí, nghị lực kiên cường.

Bên cạnh vai trò diễn viên, NSND Tống Toàn Thắng giữ vai trò quản lý khi đảm nhận chức danh PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam, anh còn là tác giả, đạo diễn của nhiều tiết mục xiếc tái hiện bản sắc văn hóa dân gian.

Đầu tiên phải kể tiết mục “Đu quan họ” (nghệ sĩ biểu diễn Bùi Hương – Thanh Tuấn). Tiết mục từng giành giải vàng duy nhất Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2014 tại Italya. Đó là tiết mục mà NSND Tống Toàn Thắng dành tâm huyết từ quá trình lên ý tưởng, kịch bản, và cũng lần đầu tiên giới thiệu gương mặt mới của làng xiếc Việt – Bùi Hương.

Cô học trò mới ra trường, còn chân ướt chân ráo làm quen với xiếc chuyên nghiệp. Năm 2009, Bùi Hương được NSND Tống Toàn Thắng (lúc đó là Trưởng đoàn nghệ thuật 3) nhận vào đoàn cùng hàng loạt những gương mặt “đơn độc” khác.

Sau này, nhiều nghệ sĩ trẻ như Bùi Hương, Thanh Tuấn, Chu Hồng Thúy,… đã khẳng định được tài năng của mình với “sân khấu tròn”. Sau tiết mục “Đu quan họ” trở thành thương hiệu, NSND Tống Toàn Thắng ra đời tiết mục “Đu sen” (nghệ sĩ biểu diễn: Bùi Thị Hương, Trịnh Trà My, Chu Hồng Thúy, Lê Cẩm Ly) giành huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế 2019; tiết mục “Đu son” (nghệ sĩ biểu diễn Bùi Hương, Chu Hồng Thúy) giành Huy chương Bạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2019,…

Đầu năm 2020, NSND Tống Toàn Thắng đăng ký cho học trò Bùi Hương tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Vương quốc Anh” với tiết mục “Đu quan họ” và đế ly lửa. Tiết mục nhận tràng pháo tay cổ vũ từ khán giả quốc tế.

Dù dừng chân sớm tại vòng sơ loại, đó là cơ hội để nghệ sĩ trẻ cọ xát kinh nghiệm tại sân chơi tài năng của nhiều loại hình nghệ thuật. Trước sức ảnh hưởng không nhỏ của đợt dịch Covid-19, Liên đoàn Xiếc phải tạm dừng biểu diễn trong 4 tháng.

NSND Tống Toàn Thắng trong trình diễn xiếc trăn. Ảnh FBNV

NSND Tống Toàn Thắng trong trình diễn xiếc trăn. Ảnh FBNV

Trở lại sau dịch với tinh thần cống hiến cho khán giả, chương trình “Gala xiếc 3 miền” tại TP Hạ Long, các tiết mục xiếc được dàn dựng mới như “Cướp biển” 3, “Đi cùng năm tháng” 3 đã thu hút sự quan tâm của khán giả trong nước. NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: “Ngay khi có quyết định mở cửa rạp, Liên đoàn Xiếc đã “tổng tiến công” các chương trình được chuẩn bị trong thời gian “giãn cách xã hội”. Chính việc chủ động lên kế hoạch, thích nghi từng giai đoạn phát triển là cách làm đổi mới của đơn vị nghệ thuật nhằm kéo khán giả trở lại với rạp, nhất là trong bối cảnh “kích cầu du lịch nội địa””.

Sau chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày 27-7, sắp tới, Liên đoàn tổ chức chương trình “Chào hè” vào tháng 8 – Tháng hành động vì trẻ em, ra mắt tiết mục “Lời nguyền của bà Tiên” dịp 2-9, chương trình đặc biệt chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10 “Những cánh hồng bay”, triển khai vở diễn “Sông Trăng” từng biểu diễn tại Đức, chủ yếu phục vụ khách quốc tế sẽ được đổi mới kịch bản để phục vụ khán giả trong nước,… Hiện, Liên đoàn Xiếc và Nhà hát Cải lương đang chuẩn bị xây dựng kịch bản cho dự án “Huyền sử Việt” về huyền thoại tứ bất tử, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Viêt Nam.

Đó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đồng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Lần đầu tiên, cải lương “kết duyên” với nghệ thuật xiếc với hình thức nhạc kịch xiếc quốc tế, hứa hẹn mang đến món ăn mới, hấp dẫn với công chúng hiện đại. Đúng với định hướng của Liên đoàn Xiếc là đưa sản phẩm nghệ thuật mới cho khán giả.

Hiện nay, hầu hết các tiết mục xiếc đều do nghệ sĩ Tống Toàn Thắng dàn dựng, xây dựng ý tưởng kịch bản. Nhiều khán giả bất ngờ trước vai trò mới của “người nghệ sĩ biểu diễn xiếc trăn đầu tiên tại Việt Nam”, riêng với anh thì chính niềm đam mê cống hiến, “suối nguồn” sáng tạo là chìa khóa tạo nên thành công. Hơn nữa, nhờ quá trình trải nghiệm thực tế, 30 năm biểu diễn sân khấu tròn cho anh những kiến thức mà không một sách vở có thể truyền tải hết được. Đến nay, dù đảm nhận nhiều cương vị khác nhau, bận rộn công việc quản lý song nghệ sĩ Tống Toàn Thắng vẫn nhiệt tình đăng ký biểu diễn trực tiếp.

Anh kể: “Tôi vẫn biểu diễn, vẫn quấn trăn, người toát mồ hồi,…Sau chương trình, có khán giả tặng đoàn 10 triệu vì tiết mục xiếc trăn độc đáo”. Và tiết mục xiếc trăn vẫn là tiết mục hút khách nhất. Trải qua 30 năm gắn bó với loài động vật máu lạnh, bí mật đằng sau sự thăng hoa, đó không là sự dũng cảm, là chặng đường tâm huyết, khối óc và tâm huyết, cùng nhau làm nên khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ.

Theo anh, nghệ sĩ biểu diễn không chỉ sống trong sự thăng hoa tiếng vỗ tay của khán giả, lý do đằng sau chính là “đo” lượng khán giả và để anh cảm nhận được tình yêu của khán giả hiện đại với “sân khấu tròn”.

NSND Tống Toàn Thắng (SN 1967, tại Hà Nội). Năm 1978, anh trúng tuyển vào trường Xiếc Việt Nam. Năm 1983, anh về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam và trở thành “nghệ sĩ biểu diễn xiếc trăn đầu tiên của Việt Nam”.

Năm 1992, anh đem trăn sang Trung Quốc biểu diễn tại Liên hoan Xiếc và giành 2 vị trí quan trọng là giải đặc biệt và giải khán giả yêu thích nhất. Tháng 10-1997, nghệ sĩ có chuyến giao lưu, biểu diễn hơn 2 năm tại Mỹ. Anh mang tiết mục trăn biểu diễn gần 100 TP, 41 tiểu bang với gần 1.000 buổi biểu diễn.

Từ kinh nghiệm diễn xuất nhiều năm, anh trở về Việt Nam với vai trò quản lý rồi trở thành đạo diễn, dàn dựng các tiết mục. Các tiết mục do anh dàn dựng được đánh giá lạ mắt, công phu từ chính những kinh nghiệm từ các đạo diễn nước ngoài. Ngôn ngữ xiếc dàn dựng của nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, thường có ý tưởng từ kho tàng truyện cổ tích của những giai thoại, cổ tích dân gian của Việt Nam như “Đu nhện”, “Đu quan họ”, “Đu sen”,…

Quan điểm làm nghề, NSND Tống Toàn Thắng cho biết: “Mình là người nghệ sĩ, “Hãy hết lòng vì nghề, nghề không phụ”, “Nghệ sĩ sống phải có khán giả” là 2 câu nói anh tâm đắc và luôn tận tình chỉ dạy các thế hệ học trò. Tôi đã có chặng dường dài trong cuộc đời nghệ sĩ xiếc. Cảm ơn nghề đã đem lại sự vinh quang trên sân khấu. Cái đích tôi hướng tới đây không phải là người Việt Nam làm xiếc mà là xiếc của Việt Nam. Sự khẳng định, định danh bản sắc Việt từ các tiết mục xiếc chính là thương hiệu xiếc Việt Nam”.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chang-thach-sanh-dinh-danh-ban-sac-xiec-viet-ra-the-gioi-205176.html