Chàng thanh niên với khát vọng làm giàu trên quê hương

Cần cù, chịu khó cùng khát khao vươn lên thay đổi cuộc sống, Nguyễn Văn Trọng - Chàng thanh niên sinh năm 1989 ở miền quê nghèo xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho bản lĩnh và tinh thần xung kích của thế hệ trẻ trong phát triển kinh tế và góp phần xây dựng mảnh đất quê hương.

Mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Trọng hằng năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, quanh năm lam lũ với ruộng đồng, Nguyễn Văn Trọng ngay từ bé đã hiểu được thế nào là vất vả và thiếu thốn. Quyết tâm phải kiếm được cho mình cái nghề để thoát ra khỏi cái đói nghèo, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trọng chọn cho mình ngành y học cổ truyền hệ cao đẳng tại trường Đại học Kĩ thuật Y tế Hải Dương. Mong muốn vừa có thể dùng những kiến thức đã học để giúp đỡ bà con dân làng nơi mình sinh sống, vừa có cái nghề để lo toan cho cuộc sống gia đình, Trọng ngày ngày đi kiếm lá thuốc trên núi rồi về phơi, sao tẩm và chế ra các bài thuốc hay, chữa được nhiều bệnh cho người dân địa phương. Miệt mài vừa làm vừa nghiên cứu, tìm tòi, chàng thanh niên trẻ đã có thể tự trang trải và sống một cuộc sống bình dị với nghề ở miền quê nghèo xa xôi.

Tuy nhiên, không bằng lòng với thực tại, Trọng đã trăn trở tìm thêm một công việc khác giúp mình thực hiện khát vọng làm giàu và cây nấm được Trọng lựa chọn sau những tính toán kĩ lưỡng.

Bắt đầu từ năm 2007, vượt qua nhiều khó khăn và không ít lần thất bại, Trọng đã tìm ra cách làm nấm hiệu quả. Anh dùng rơm trộn lẫn với mùn cưa từ gỗ cao su, một loại cây có mủ sẵn có tại địa phương tạo thành nguyên liệu cho môi trường sống lý tưởng, giúp cây nấm kí sinh phát triển. Tiếp đó, để từng bước “gỡ nút thắt” tìm đầu ra cho sản phẩm, Trọng lặn lội đi nhiều nơi để trực tiếp giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác thu mua ổn định. Nguyên liệu nhiều và rẻ, lại giảm bớt được công lao động, thời gian thu hoạch kéo dài cho năng suất, chất lượng cao nên sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ nhanh gọn đến đó. Kết quả ngoài mong đợi, anh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Từ 300 m2 ban đầu, đến nay, anh đã mở rộng qui mô ra 3.000 m2, mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 nhân công là người dân địa phương với thu nhập từ 4.500.000 – 5.000.000 đồng.

Trả lời cho câu hỏi của chúng tôi về việc dành hết thời gian cho cây nấm, liệu anh có còn tâm huyết với nghề thuốc của mình không, nét rạng rỡ chợt hiện lên trên khuôn mặt rám nắng, Trọng cười nói: “Nghề làm nấm mang lại giá trị kinh tế cao nên tôi phải dành nhiều công sức phát triển nó nhưng nghề y lại là tâm huyết để tôi làm việc giúp đỡ và cứu người. Bởi vậy, mặc dù rất bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian làm thuốc và sẵn sàng lên đường khi có bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của mình”.

Nói thêm về dự định trong tương lai, không một chút ngần ngại, anh Trọng cho biết: Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh mở rộng, phát triển nghề trồng nấm, anh sẽ đầu tư cải tạo thêm một diện tích đất cằn tại địa phương và xây dựng mô hình trồng hoa, rau sạch vừa để cung ứng sản phẩm ra thị trường vừa làm dịch vụ thu hút các bạn trẻ, các em học sinh đến tham quan, vui chơi và trải nghiệm thực tế.

Ý tưởng không quá mới lạ nhưng ở một miền quê nghèo xa xôi thì đó lại không phải là điều đơn giản. Với nghị lực và bản lĩnh của người thanh niên dám đương đầu với những thử thách khó khăn phía trước cùng những minh chứng về thành quả đã đạt được khi tuổi đời còn khá trẻ, chúng tôi tin, chàng trai Nguyễn Văn Trọng chắc chắn sẽ làm tốt những dự định đã ấp ủ vào một ngày không xa.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chang-thanh-nien-voi-khat-vong-lam-giau-tren-que-huong/105981.htm