Chàng trai Khmer tiên phong trồng rau công nghệ mới

Chàng Khmer Dương Minh Trung sau khi tốt nghiệp đại học ở TPHCM đã quay về quê xây dựng mô hình sản xuất rau sạch phục vụ người dân.

Anh Dương Minh Trung bên vườn rau khí canh công nghệ cao của mình. Ảnh: Hòa Hội.

Sản xuất rau công nghệ cao

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng Nguyễn Thành Duy giới thiệu, trang trại rau khí canh bằng công nghệ Israel của anh Dương Minh Trung, 28 tuổi (dân tộc Khmer, quê ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được nhiều người quan tâm, tò mò khi ngang qua rồi họ ghé vào tham quan, mua về nhà.

Anh Dương Minh Trung, 28 tuổi là con út trong gia đình 3 chị em. Năm lên 4 tuổi, cha mất, đến khi 9 tuổi thì mẹ tiếp tục ra đi nên Trung mồ côi cả cha, lẫn mẹ từ bé. Năm 2011, anh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TPHCM ngành nuôi trồng thủy sản. Anh quyết định về quê nuôi tôm được dăm ba tháng. Nhưng thời điểm đó anh chứng kiến cảnh nuôi tôm thường bị chết, thua lỗ nên tiếp tục vác ba lô lên TPHCM lập nghiệp ròng rã 6 năm trời. Công việc của Trung là thiết kế, thi công sân vườn cho hộ gia đình, công trình, khu dân cư.

Trong thời gian này, Trung thấy được nhu cầu của người dân là muốn trồng rau sạch tại nhà và tận dụng tối đa khoảng trống để trồng rau phục vụ bếp ăn gia đình. Qua quá trình mày mò, học hỏi tài liệu trong và ngoài nước, đến đầu năm 2016 Trung khởi xướng và cùng với nhóm bạn mở trang trại trồng rau sạch theo mô hình khí canh, công nghệ tưới của Israel. Đến đầu năm 2017, anh quyết định về quê nói lên ý tưởng của mình cho nhóm bạn học cùng phổ thông nghe. Sau đó, cả nhóm 5 người nhất trí hùn vốn gần 1 tỷ đồng để thuê 3.000 m 2 đất ở bên trong khu văn hóa Hồ Nước Ngọt mở trang trại trồng rau theo công nghệ hiện đại này.

Hiện tại, anh đang gieo trồng trên diện tích 1.200 m 2 với 30 loại rau. Diện tích còn lại dự định xây 600 luống rau phục vụ cho trẻ em trải nghiệm làm nông nghiệp sạch miễn phí bằng cách liên kết với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Theo anh Trung, trung bình 1 tháng, trang trại của anh cung cấp khoảng 4 tấn rau, phương thức bán hàng qua điện thoại, online và trực tiếp. Khách hàng đặt mua 1 gói sản phẩm 15 kg với 30 loại rau, mỗi ngày lấy một ít, tự chọn làm sao trong vòng 1 tháng lấy đủ 15 kg thì thôi. “Khách hàng nhận được là sản phẩm sạch. Hơn nữa, họ đến tận trang trại thu hoạch, thấy tận mắt quy trình sản xuất của mình để yên tâm”, anh Trung nói.

Theo lời anh Trung, ưu điểm của mô hình này là tận dụng tối đa diện tích trồng. Ví dụ, với 100 m 2 thì trồng có thể tăng diện tích gấp 3 lần do tận dụng không gian phía trên; rễ rau tiếp xúc trực tiếp với không khí nên giảm chi phí làm giá đỡ cho bộ rễ. Chỉ cần cung cấp độ ẩm và dưỡng chất cho rau thông qua bộ cảm biến tự động, hệ thống sẽ phun nước có dưỡng chất đều lên bộ rễ để rau phát triển. Mô hình này hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, mà dưỡng chất cung cấp cho bộ rễ phát triển tốt là sử dụng hợp chất hữu cơ. Cụ thể, dùng cá phân hủy lấy đạm, xương, mật mía, rong biển… cung cấp cho rau. Còn nếu bị côn trùng hay thứ khác gây hại thì dùng chiết xuất từ cây sầu đâu (xoan) để xử lý.

“Hiện nay, ĐBSCL đang rơi vào tình trạng suy giảm chất lượng đất, trồng cây dần không còn phù hợp nữa. Mô hình này không cần nhiều đất mà vẫn phát huy hiệu quả, đó chính là xu hướng làm nông nghiệp sạch”.

Anh Nguyễn Thành Duy, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Sóc Trăng

Nói về ý tưởng, anh Trung kể: “Quyết tâm làm ra sản phẩm sạch phục vụ người dân bắt nguồn từ việc chứng kiến người dân ngày càng bào mòn sức khỏe của mình khi hằng ngày phải đối diện thực phẩm bẩn ngoài thị trường. Theo anh Trung, khó khăn nhất là vốn và liên kết với người dân. “Thời gian đầu kỹ thuật chưa hoàn thiện nên năng suất không như mong muốn. Để được như bây giờ cũng phải mạo hiểm, nhiều đêm liền không ngủ được, cứ trằn trọc lo đầu ra và cải thiện chất lượng... nhưng tôi quyết tâm làm cho bằng được”, anh Trung chia sẻ.

Lan tỏa trong thanh niên

Anh Nguyễn Thành Duy cho rằng, đây là mô hình mang tính sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất sạch. Ở đây các bạn thanh niên đầu tư mô hình cụ thể, có tính toán thị trường. Đồng thời, giúp người dân nhận diện rau an toàn. “Mô hình có triển vọng vì tâm lý người người dân muốn có thực phẩm sạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình nên đây là bước đi tiên phong. Hơn nữa, đây không phải là chuyện bạn trẻ tự nghĩ ra rồi tự phát làm mà có quá trình học hỏi, triển khai nhiều nơi. Sau đó, các bạn quay trở về mảnh đất quê hương của mình lập nghiệp để phục vụ người dân”, anh Duy nói.

Theo anh Duy, hiện nay trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và các huyện lân cận có nhiều vườn tạp. Tình hình hạn mặn mấy năm gần đây khiến nhiều thanh niên rời quê đi làm thuê xa. Vì thế, Trung muốn liên kết, chuyển giao công nghệ với thanh niên rồi bao tiêu đầu ra. Từ đó, sẽ giúp các bạn thanh niên nông thôn vươn lên trên chính mảnh đất của mình mà không phải bỏ xứ đi nơi khác. “Đoàn thanh niên đang tích cực trong việc vận động, tuyên truyền nhận thức và là cầu nối để hiện thực hóa vấn đề này”, anh Duy nói.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/chang-trai-khmer-tien-phong-trong-rau-cong-nghe-moi-1150830.tpo