Chàng trai xứ Thanh và giấc mơ khởi nghiệp vươn ra thế giới từ túi xách thủ công

Với mong muốn xây dựng một thương hiệu túi xách thủ công 'made in Việt Nam' chất lượng, chinh phục người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới, chàng trai trẻ sinh ra từ làng Trần Văn Hùng bước đầu đạt được những thành công khi sản phẩm túi xách mang thương hiệu Cỏ May của anh sản xuất đã được bán trên các trang thương mại điện tử lớn của thế giới như Mamazon, Ebay, Etsy.

Các sản phẩm của Công ty Cỏ May.

Sinh ra và lớn lên tại quê cói Nga Sơn, Thanh Hóa, nhưng tuổi thơ của Trần Văn Hùng (sinh năm 1993) lại không có nhiều ấn tượng với nghề truyền thống của quê hương. Như nhiều bạn trẻ ở làng, học hết bậc phổ thông, Hùng ra Hà Nội theo học ngành điện công nghiệp và từng có nhiều năm học và làm tại Hà Nội, Nha Trang.

Đầu năm 2017 khi vẫn làm việc ở Nha Trang, Hùng được chị đồng nghiệp khoe chiếc túi xách thủ công từ những cây cỏ, vẽ và đan rất ấn tượng. Hùng chợt nhớ đến làng nghề đan cói ở quê: “Nga Sơn là vùng trồng cói nhưng chưa bao giờ tôi thấy có túi cói đẹp như vậy. Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mong muốn phát triển nghề cói theo một hướng hiện đại, mới mẻ hơn”.

Tất cả các khâu để cho ra đời 1 chiếc túi xách: Thiết kế, chọn vật liệu, cắt may, lắp ghép… đều được Trần Văn Hùng tỉ mẩn, tự tay thực hiện.

Với suy nghĩ như vậy, Hùng lên đường tìm tòi, học nghề làm túi xách thủ công ở nhiều nơi. Năm 2018, khi vừa tròn 25 tuổi, Hùng trở về quê, thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất túi xách thủ công mang tên Cỏ May. Các sản phẩm của Cỏ May chủ yếu sử dụng các vật liệu truyền thống như mây, tre, cói, gỗ cùng chất liệu da thật nhập khẩu từ Ý. Để tạo nên sự khác biệt, Hùng còn khéo léo kết hợp các vật liệu từ thiên nhiên như vỏ sò, ốc hến, sỏi, cát, hoa….trang trí, tạo điểm nhấn cho túi.

Tre trúc được uốn giữ tạo độ cong thành hình tròn, sau đó sẽ được khò tạo màu tự nhiên uốn nắn vẹo cánh tay mới đạt độ cong hợp lý để sử dụng làm quai túi.

Có lần cơ sở nhận được một đơn hàng gấp với hơn 200 cái túi. Hàng làm xong, gửi cho khách nhưng lại không đúng yêu cầu nên phải trả về để sửa. Hàng về đến xưởng đã là 7 giờ tối, trong khi hạn cuối để sửa xong là 8 giờ sáng ngày hôm sau. “Nhìn 200 cái túi la liệt đầy nhà, tôi cuống cuồng, không biết phải làm thế nào sửa cho kịp”. Thế rồi nhân viên của xưởng không ai bảo ai, người thì ngồi vào sửa luôn, người thì mang chục cái túi về nhà sửa tới tờ mờ sáng vội vàng giao qua xưởng. Đến hơn 5 giờ sáng thì mọi việc hoàn tất. “Thực sự nhìn những người thợ thủ công đang ngày đêm gồng mình để giữ nghề với tất cả tình yêu, đam mê và trách nhiệm khiến tôi càng quyết tâm hơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn khắc ghi: Đoàn kết, sẻ chia sẽ giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức” – Hùng nhớ lại.

Để hoàn thành một chiếc túi handmade thường mất khoảng từ 2 đến 3 ngày để chăm chút từng công đoạn.

Sau 2 năm thành lập, Cỏ May đang ngày càng được biết đến và yêu thích nhiều hơn. Không chỉ thu hút khách hàng trong nước, các sản phẩm của Cỏ May cũng đã được xuất khẩu theo dạng bán lẻ ở Mỹ và Singapore trên các trang thương mại điện tử Amazon, Ebay, Etsy.

Trung bình mỗi tháng, Trần Văn Hùng bán được khoảng 50 chiếc túi sang thị trường Mỹ, Singapore thông qua các trang thương mại điện tử.

“Mỗi khi nhận được những tấm hình là feedback (phản hồi) của khách hàng ghi lại khoảnh khắc túi xách của Cỏ May theo chân mọi người đi đến những vùng đất, những quốc gia khác nhau, tôi vừa xúc động vừa tự hào vì đã góp phần quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống của quê hương đến với bạn bè thế giới”. - Hùng chia sẻ.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của Trần Văn Hùng đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là các lao động trẻ. Ngoài dạy nghề, Hùng còn truyền đạt cho các bạn trẻ kiến thức và những kỹ năng sống cần thiết. Với niềm đam mê, nhiệt nhuyết, Hùng vẫn đang tiếp tục nỗ lực từng ngày để thực hiện ước mơ nâng tầm Cỏ May trở thành thương hiệu túi xách thời trang handmade hàng đầu, góp phần đưa sản phẩm thủ công truyền thống của quê hương Nga Sơn vươn ra thế giới.

Quỳnh Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/chang-trai-xu-thanh-va-giac-mo-khoi-nghiep-vuon-ra-the-gioi-tu-tui-xach-thu-cong/120204.htm