Chánh án TAND TC nói gì về quyết định không công khai bản án của bà chủ tọa phiên xử Phan Văn Vĩnh

Chiều nay (13/11), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc bà chủ tọa tọa phiên xử Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo đã đồng ý không công khai bản án trên mạng.

Chủ tọa phiên tọa, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương,

Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND TC: "Việc bị cáo nói là quyền của bị cáo, còn trách nhiệm của tòa án là tuân thủ pháp luật, không có ngoại lệ."

Còn theo ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TPHCM: Sau khi có hiệu lực pháp luật, bản án mới được xem xét công bố trên cổng thông tin điện tử theo quy định. "Nếu liên quan đến bí mật đời tư cá nhân thì mới không công bố, còn những nội dung về đường hướng xét xử, quan hệ tranh chấp thì vẫn công bố”-bà Thúy nói.

Về vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng đang được xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Phú Thọ, bà Thúy nói rõ thêm: Khi nào bản án có hiệu lực pháp luật thì mới xem xét tới việc có đưa lên Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh Phú Thọ hay không. Bởi thực tế có những bản án chưa có hiệu lực có thể bị tuyên hủy, người liên quan chưa có tội thì không thể công khai.

Còn trên PLO, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, khẳng định việc HĐXX không cho công khai bản án theo yêu cầu của bị cáo Phan Văn Vĩnh là trái luật.

Ông cho rằng bị cáo có quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS, còn công khai bản án là để toàn dân giám sát việc xét xử của tòa án. Ngay cả trong trường hợp vụ án được xét xử kín thì bản án vẫn phải được tuyên công khai.

Nguyên chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao nhấn mạnh đòi hỏi của bị cáo Phan Văn Vĩnh là phi lý. Bởi trong các vụ án (trừ những trường hợp được phép từ chối - PV) đều công khai bản án; công khai bản án là việc của tòa, không liên quan gì đến quyền con người.

Ông Quế cũng đặt vấn đề không biết chủ tọa phiên tòa căn cứ vào quy định nào của pháp luật mà chấp nhận yêu cầu của bị cáo Vĩnh. Bản án là công khai, ai cũng có quyền được biết. Việc không đăng tải bản án công khai phải chăng có sự ảnh hưởng từ người phạm tội có chức, có quyền?

Trước đó, sáng 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ đưa 92 bị cáo trong vụ án “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm dụng tài sản” xảy ra tại Phú Thọ và các tỉnh, thành khác ra xét xử theo cấp sơ thẩm.

Tại phần thông tin về quyền của các bị cáo, Chủ tọa phiên tọa, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết theo quy định của TAND Tối cao, đối với những bản án có hiệu lực pháp luật thì được công bố lên cổng thông tin điện tử. “Tuy nhiên, các bị cáo có quyền được đề nghị từ chối việc công bố đó vì lý do cá nhân” - chủ tọa nói, đồng thời hỏi có bị cáo nào đề nghị từ chối công bố bản án lên cổng thông tin điện tử không.

Ngay sau đó ông Vĩnh đề nghị: xin được từ chối quyền công bố bản án lên cổng thông tin.

Sau khi ông Vĩnh đề nghị, chủ tọa kết luận: “Chỉ cần một người từ chối thì chúng tôi không công bố rồi nên khỏi hỏi các bị cáo khác để đỡ mất thời gian”./.

Nhật Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-nong/chanh-an-tand-tc-noi-gi-ve-quyet-dinh-khong-cong-khai-ban-an-cua-ba-chu-toa-phien-xu-phan-van-vinh-423319.html