Chánh án TAND Tối cao: Năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Ông Nguyễn Hòa Bình. Ảnh quochoi.vn

Ngày 30.10, trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, công tác xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Đối với các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh như vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

Vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đối với những vi phạm nhỏ về tố tụng mà không ảnh hưởng tới nội dung giải quyết vụ án thì không nên kháng nghị mà chỉ cần rút kinh nghiệm với Tòa án đã ban hành bản án, quyết định đó.

“Cân nhắc kỹ lưỡng việc kháng nghị đối với các trường hợp đã thi hành án xong và không có vướng mắc gì hoặc các trường hợp nếu có kháng nghị để xét xử giám đốc thẩm hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại, nhưng khả năng thực tế thì không thể làm gì được thêm”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, các Tòa án nhân dân cấp cao phải xem xét, giải quyết đề xuất kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị kháng nghị. Các Tòa án có liên quan phải thực hiện nghiêm túc quy định về việc chuyển hồ sơ vụ án phục vụ công tác xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo các Thông tư liên tịch số 02,03 ngày 31.8.2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

NGUYÊN - HÙNG - TRUNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/chanh-an-tand-toi-cao-nam-qua-chua-phat-hien-truong-hop-nao-ket-an-oan-638767.ldo