Chạnh lòng phim sử Việt

Khi theo dõi bộ phim Đại hải chiến Noryang: Biển chết đang chiếu tại rạp, không ít khán giả thầm ước, đến bao giờ những đại chiến như: trận Bạch Đằng (năm 938), trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1784)… của Việt Nam cũng sẽ kiêu hãnh bước lên màn ảnh rộng như thế.

Đại hải chiến Noryang: Biển chết là tác phẩm thứ 3 đồng thời khép lại trilogy (bộ ba phim) về vị danh tướng huyền thoại Lý Thuấn Thần sau 2 tác phẩm Đại thủy chiến (2014) và Thủy chiến đảo Hansan (2022). Bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả bởi những đại cảnh chiến đấu trên biển vô cùng khốc liệt và mãn nhãn. Mặc dù trong tuần đầu ra mắt tại Việt Nam, phim không đạt doanh thu cao (hơn 300 triệu đồng) nhưng tổng doanh thu phim trên toàn cầu hiện đạt hơn 32 triệu USD.

Những so sánh, mong ước và cả chạnh lòng mỗi khi có một bộ phim lịch sử nước ngoài ra rạp tại Việt Nam thiết nghĩ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi trong chiều dài ngàn năm lịch sử với những trận đại chiến vang dội của dân tộc, số lượng được dựng thành phim trên màn ảnh rộng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một vài tác phẩm gần đây được nhắc nhớ có: Những người viết huyền thoại (2013), Tây Sơn hào kiệt (2010), Đừng đốt (2009)…

Trong khi đó, những tác phẩm được xem là kinh điển về chiến tranh Việt Nam: Hà Nội mùa đông năm 46, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Biệt động Sài Gòn... đều được sản xuất từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.

Trận chiến Bạch Đằng (938) từng được thực hiện thành một bộ phim hoạt hình cách đây vài năm và gây nhiều ấn tượng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cuối năm 2022 cũng công bố kế hoạch thực hiện bộ ba phim điện ảnh về trận đại chiến Bạch Đằng Giang. Trước đó, năm 2019, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng công bố thực hiện bộ phim Trưng Vương về Hai Bà Trưng, nhưng cho đến nay các dự án này vẫn chưa biết khi nào sẽ hoàn thành.

Ai cũng hiểu những khó khăn trăm bề khi thực hiện một bộ phim về lịch sử, nhất là vấn đề kinh phí. Làm thế nào để huy động số tiền hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng thực sự là bài toán nan giải. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ khác còn đến từ chính khán giả, công chúng. Khi sự mong đợi là quá lớn, các bộ phim lịch sử sẽ luôn nhận được những sự “soi xét” khắt khe hơn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà làm phim cũng nhận được sự ủng hộ, góp ý để hoàn thiện tác phẩm mà trái lại, rất nhiều ý kiến theo kiểu “bới bèo ra bọ”, thậm chí là công kích, ném đá hội đồng ngay từ khi phim còn trên dự án cũng khiến các nhà làm phim rụt rè. Thay vì khiến nhà làm phim nản chí, sự cởi mở, ủng hộ… sẽ khiến các nhà làm phim được tiếp thêm động lực. Và từ đó ngày càng có nhiều những bộ phim mang đề tài lịch sử, thậm chí có thể trở thành dòng phim chủ lưu của điện ảnh Việt. Đó cũng sẽ là cơ sở để xuất hiện nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển mới về đề tài lịch sử, góp phần tôn vinh truyền thống hào hùng của dân tộc.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chanh-long-phim-su-viet-post724242.html