Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu: Hy sinh giữ gìn quốc thể

Lịch sử bang giao Đại Việt và nhà Minh từng ghi nhận Chánh sứ Giang Văn Minh bị sát hại khi kiên quyết giữ gìn quốc thể. Tuy nhiên, với đạo sắc phong năm 1640 của triều đình nhà Lê còn để lại, cho thấy trong chuyến đi sứ năm 1638 - 1639, ngoài Chánh sứ Giang Văn Minh, còn có Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu bị sát hại.

Tương truyền Phó sứ Thân Khuê cũng bị sát hại trong chuyến đi này. Câu chuyện về chuyến đi sứ định mệnh đẫm máu này được tác giả bài viết thể hiện trong tập truyện ngắn “Đạo sắc màu máu” sắp được NXB Thanh niên xuất bản.

Dòng tộc Nguyễn Duy

Xem lịch sử khoa bảng, ta thấy có những gia đình cha con kế thế đăng khoa, làm quan đồng triều. Tại quê hương Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) thời Lê Trung hưng nổi lên dòng họ Nguyễn Duy. Đó là Thái tể Nguyễn Duy Thì (1572-1651) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Mậu Tuất (1598) khi 27 tuổi. Đến năm Mậu Thìn (1628), con trai trưởng của ngài là Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639) cũng đỗ Hoàng giáp khi 27 tuổi. Hai cha con cùng làm quan đồng triều phò giúp vua Lê, chúa Trịnh. Trong cuộc đời làm quan, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì từng làm Phó sứ trong chuyến đi sứ năm Bính Ngọ (1606) (Chánh sứ là Nguyễn Thực). Lần hai được giao làm sứ giả vào chiêu dụ chúa Nguyễn ở phương Nam vào năm Đinh Mão (1627).

Trên huyện Bình Xuyên, cách Thanh Lãng khoảng 2 km là thôn Lý Hải xã Phú Xuân cũng có họ Nguyễn Duy nổi tiếng. Tương truyền hai họ Nguyễn Duy này chung một gốc nhưng gia phả khuyết thiếu chưa chắp nối rõ. Sau hàng trăm năm không qua lại. Vào ngày 25/2/2017, hai bên mới nhận họ. Và may mắn thay, người viết bài này đã được dự lễ nhận họ này.

Thái tể Nguyễn Duy Thì là cháu họ của Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường (1485 - 1525) bên Lý Hải. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tiến sĩ Nguyễn Duy Thì và Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường là hàng ông chú - cháu hay ông bác - cháu thì chưa rõ.

Ứng chế đệ nhất

Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu sinh ra giữa thời nhà Lê mới trung hưng, thế lực nhà Mạc còn mạnh. Đó là khoảng thời gian cha vừa đỗ Hoàng giáp, được cử giữ chức Hàn lâm viện Hiệu lý thì kinh đô Thăng Long xảy ra cơn địa chấn kinh động. Đó là cuộc biến loạn của các viên tướng Phạn Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê. Vua Mạc Kính Cung nhân đó lại về chiếm Thăng Long. Bình An vương Trịnh Tùng phải đưa vua Lê Kính Tông (Duy Tân) về Tây Đô (Thanh Hóa). Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì hộ giá Nhà vua từ Thanh Hóa về kinh đô Thăng Long. Trở lại kinh đô, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì kết duyên cùng bà Dương Thị Vinh. Năm sau, sinh ra Nguyễn Duy Hiểu.

Nguyễn Duy Hiểu nổi tiếng thần đồng, là kỳ vọng của cha và dòng họ. Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” do các nhà khoa bảng, các vị đại thần triều Lê là Nguyễn Hoàn, Võ Miên, Phan Trọng Phiên, Uông Sĩ Lãng biên soạn ghi: Ở kỳ thi đình năm 1628, Nguyễn Duy Hiểu là “Ứng chế đệ nhất” (Ứng chế đứng đầu) còn Giang Văn Minh chỉ là “Ứng chế hợp cách” (Ứng chế đủ điểm). Có lẽ vì trọng tuổi tác nên đã lấy Giang Văn Minh (khi đó 56 tuổi) đỗ trên và Nguyễn Duy Hiểu (khi đó 27 tuổi) đỗ sau. Tuy Giang Văn Minh được cho đỗ cao nhất nhưng không được xếp danh vị Trạng nguyên hay Bảng nhãn mà chỉ cho đỗ Thám hoa.

Sau khi thi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Duy Hiểu được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, tước Tu thận doãn. Chỉ mấy tháng sau, xét ông là con của Thiếu phó Tuyền quận công - người có công lao phò tá cho Thống quốc chính Thanh Đô vương (tức chúa Trịnh Tráng) triều đình thăng cho Nguyễn Duy Hiểu tước Nghĩa Phú tử. Tháng 10 năm 1629, Nguyễn Duy Hiểu được thăng chức Lại khoa cấp sự trung. Chưa đầy 2 năm sau, Nguyễn Duy Hiểu được thăng chức Lại khoa Đô cấp sự trung. Lại hơn nửa năm sau, ông được thăng lên một chức quan trọng: Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử. Với chức vụ này, Nguyễn Duy Hiểu được tham dự chính sự cùng thân phụ khi ấy đang làm Thượng thư bộ Công kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp.

Đi sứ bất nhục quân mệnh

Năm 1638, triều đình Lê Trịnh cử hai đoàn sứ giả sang nhà Minh để triều cống và xin phong vương. Một đoàn do Giang Văn Minh làm Chánh sứ, đoàn kia do Nguyễn Duy Hiểu làm Chánh sứ. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú viết đây là tiền lệ từ cuối đời Mạc Mậu Hợp. Việc tuế cống nhà Minh có hai đoàn đi do vẫn giữ lệ 3 năm một lần, nhưng để giảm đi lại, quy định 6 năm một lần, nhưng tính là 2 lễ.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Đinh Sửu, Dương Hòa năm thứ 3 (1637), (Minh, Sùng Trinh năm thứ 10). Tháng 12, ngày 30, có nhật thực. Sai Chánh sứ là Nguyễn Duy Hiểu, Giang Văn Minh, Phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình, Thân Khuê, hai sứ bộ sang nước Minh cống hàng năm”.

Điều đặc biệt là nhiều vị trong hai đoàn sứ giả đều cùng đăng khoa năm Mậu Thìn 1628. Đó là: Giang Văn Minh, Nguyễn Duy Hiểu, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Bình, Thân Khuê. Và tấm bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn 1628 này ngày nay là một trong 82 tấm bia đã được Unesco vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Sử sách nước ta không ghi rõ nội dung về hai sứ bộ trên đất nhà Minh. Nhưng qua Minh sử và Minh thực lục thì có thể thấy cuộc đàm phán ngoại giao rất căng thẳng. Nhà Minh tuy nhận lễ vật nhưng kiến quyết từ chối không phong Vương cho vua Lê. Nhà Minh chỉ muốn phong cho vua Lê chức An Nam Đô Thống sứ như đã phong cho vua Mạc. Mặc dù, thời gian ở lại Yên Kinh mấy tháng trời nhưng nhà Minh quyết không thay đổi. Quả là, đường lối ngoại giao “bắt cá hai tay”.

uối cùng, trong cuộc triều kiến, hai đoàn sứ giả lâm vào tình thế phải hy sinh để bảo vệ, giữ gìn quốc thể. Đó là khi quan lại nhà Minh ra vế đối đầy kiêu mạn:

-Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.

Nghĩa là: Đồng trụ đến nay rêu đã mọc. Ý chỉ việc cột đồng Mã Viện dựng lên năm xưa với câu “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ diệt vong).

Hai sứ đoàn chụm đầu bàn bạc. Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu nhường lời cho Chánh sứ Giang Văn Minh cao tuổi hơn đối đáp. Và vế đối bất hủ, hào sảng ấy, ngày nay còn chảy mạnh mẽ trong lòng người dân nước Việt:

-Đằng giang tự cổ huyết do hồng.

Nghĩa: Sông Bạch Đằng tự xưa, máu làm cho đỏ đấy. Ý của vế đối nhắc lại ba lần quân dân Đại Việt đánh tan giặc phương Bắc trên sông Bạch Đằng vào thời vua Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và vua Trần Nhân Tông.

Ô nhục vì vế đối lại, nhà Minh đã giết hại hai vị Chánh sứ. Và có thể cả Phó sứ Thân Khuê cũng bị sát hại thời điểm này. Vì Đại Việt lịch triều Đăng khoa lục đều ghi các vị chánh phó sứ này với câu “phụng sứ, đạo tốt” nghĩa là: phụng mệnh đi sứ, mất trên đường…

Trong khi ở nhà thờ Giang Văn Minh ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và đình làng Phương Đậu (xã Song Mai, TP. Bắc Giang) thờ tiến sĩ Thân Khuê không còn lưu giữ được kỷ vật của danh nhân xưa thì định mệnh thay, nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy ở Thanh Lãng còn lưu giữ được 34 đạo sắc phong thời Lê. Trong đó có đạo sắc năm 1640. Dưới đây là phiên âm đạo sắc:

“Sắc: Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nghĩa Phú tử Tá trị Thượng khanh trung giai Nguyễn Duy Hiểu vị phụng vãng Bắc sứ thông cống khoản, tế quốc sự, hữu công, tại chức thệ một. Hữu triều thần thiêm nghị ưng gia tặng Hình bộ Tả thị lang chức, hầu tước, tịnh tứ thụy. Khả tặng Hình bộ Tả thị lang Nghĩa Phú hầu thụy Văn Định. Cố sắc.

Dương Hòa lục niên nhuận Chính nguyệt nhị thập tam nhật”.

Bản dịch của PGS Ngô Đức Thọ:

Sắc cho: Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nghĩa Phú tử Tá trị Thượng khanh trung giai Nguyễn Duy Hiểu vì việc đi sứ Bắc quốc (nhà Minh) nạp cống, hoàn thành việc nước, có công, mất khi đang tại chức. Các triều thần bàn định nên gia tặng chức Hình bộ Tả thị lang, tước hầu và ban tên thụy. Nay xét gia tặng chức Hình bộ Tả thị lang, tước Nghĩa Phú hầu, thụy Văn Định. Vậy ban sắc này.

Niên hiệu Dương Hòa thứ 6, tháng Giêng nhuận, ngày 23 (tức ngày 15/3/1640 dương lịch).

Bản sắc còn nguyên màu và quốc ấn “Hoàng đế chi bảo” cho thấy vua Lê Thần Tông và triều đình thời chúa Trịnh Tráng đánh giá rất cao công lao đi sứ của Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu… Theo Đại Nam nhất thống chí ghi thì sau khi đón thi hài các vị sứ giả về nước, vua Lê Thần Tông thân hành đến viếng và bày tỏ rằng: “Đi sứ không làm nhục mệnh vua, thực là anh hùng thiên cổ”…

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/chanh-su-nguyen-duy-hieu-hy-sinh-giu-gin-quoc-the-tintuc410045