Chao đảo khối tiền nghìn tỷ USD: Tình huống hiếm có, Mỹ - Trung lo sợ

Tài chính thế giới chao đảo trong bối cảnh các nước gặp một tình huống hiếm có: khó dự báo hậu quả của các chính sách lần đầu tiên được sử dụng để vực dậy nền kinh tế.

Thế giới chao đảo

Chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua những phiên suy giảm nghiêm trọng, sụt giảm xuống vực sâu mới trong bối cảnh tình trạng margin call diễn ra trên diện rộng. Nhiều cổ phiếu tụt giảm trong một khoảng thời gian ngắn, đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trong vài tháng trước đó.

Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh giới chức Bắc Kinh lo ngại một kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra giống như hồi năm 2015, thậm chí còn bi đát hơn nếu không kĩm hãm được quả bong bóng tài chính đang có dấu hiệu hình thành.

Quyết định hút tiền về trên thị trường tiền tệ đã tạo ra một vòng xoáy không lối thoát, khiến thị trường chứng khoán sụt giảm. Tình trạng thiếu hụt tiền, lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu tăng vọt... ảnh hưởng tới hoạt động vay của các doanh nghiệp.

Cùng với đó hoạt động bán mạnh của khối ngoại đã tạo ra tình trạng margin call và kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán CSI 300 liên tục sụt giảm, bốc hơi gần 15% so với đỉnh ghi nhận hôm 10/2 và thủng mức trung bình động 100 ngày. Chỉ số theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ ChiNext thậm chí còn giảm mạnh hơn, có phiên giảm tới 5%.

Chứng khoán thế giới biến động mạnh trong những phiên gần đây.

Chứng khoán thế giới biến động mạnh trong những phiên gần đây.

Tình trạng biến động mạnh diễn ra tại hầu hết các thị trường chứng khoán và đang là một xu hướng mới trên phạm vi toàn cầu, với nhiều cổ phiếu.

Tại Mỹ, cổ phiếu Tesla đã mất gần gần 60 tỷ USD trong vài tuần qua và khiến tỷ phú Elon Musk trở thành người mất tiền nhanh nhất thế giới. Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ kéo dài nhiều ngày qua đã khiến tài sản của Elon Musk chỉ còn dưới 150 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mốc hơn 200 tỷ USD mà vị tỷ phú này đạt được trước đó.

Chỉ số công nghệ Nasdaq của Mỹ trơi vào vào tình cảnh tương tự. Tính từ 12/2, chỉ số Nasdaq đã mất hơn 10% giá trị. Diễn biến này khiến nhiều người hoang mang trong bối cảnh lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh.

Trên CNBC, các chuyên gia cho biết, nhiều quỹ đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng nổi tiếng đang tìm cách thoát ra. Giới đầu tư thận trọng và chưa có dấu hiệu bắt đáy cổ phiếu khi mà thị trường sụt giảm mạnh và trước ranh giới khó xác định xu hướng tiếp tục giảm hay quay đầu tăng trở lại.

Một số người lo ngại, sự hồi phục nếu có diễn ra cũng chỉ là một dấu hiệu cho thấy đà sụt giảm sẽ tiếp diễn.

Trong phiên giao dịch 9/3, các quỹ đầu tư được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã buộc phải can thiệp vào thị trường nhằm chặn đứng đà giảm của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, trái với mong đợi, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc.

Động thái của chính quyền Bắc Kinh cho thấy, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thực sư lo ngại về đợt sụt giảm lần này. Đà lao dốc lần này nhiều khả năng đã đi quá xa so với tính toán.

Lo sợ về một tương lai bất định

Hiện tượng bán tháo trong thời gian gần đây trên các thị trường chứng khoán toàn cầu đã khiến nhiều quỹ tương hỗ hàng đầu trên thế giới gặp khó khăn. Trong khoảng một năm qua, các quỹ này đã đổ nhiều tiền vào thị trường cổ phiếu để đảm bảo tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, những biến động gần đây cho thấy, thị trường đang ở một bước ngoặt khó xác định xu hướng.

Tại Mỹ, sở dĩ hiện tượng bán mạnh đối với cổ phiếu công nghệ xảy ra trong bối cảnh thị trường lo lắng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất, siết lại các chính sách nới lỏng tiền tệ đã áp dụng trong nhiều năm qua. Trong tuần trước, chủ tịch Fed ông Jerome Powell đã không có phản ứng mạnh mẽ với hiện tượng lợi tức trái phiếu tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Ông Jerome Powell cho biết "áp lực tăng giá" và "lạm phát tạm thời" có thể ảnh hưởng đến Mỹ khi nền kinh tế này mở cửa trở lại sau một năm bị hạn chế bởi những tác động mà Covid-19 gây ra.

Nhiều dự báo trái chiều về chứng khoán thế giới hậu Covid-19.

Động thái của ông Powell đã vùi dập kỳ vọng của thị trường về các cổ phiếu lớn (trong đó có các cổ phiếu công nghệ) sẽ được hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng mạnh của dòng tiền trong tương lai. Sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu công nghệ trong thời gian qua vốn được định giá dựa trên giả định về sự tăng trưởng của dòng tiền trong những tháng tới.

Trong tuần qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ kinh tế và dự luật kích thích trị giá 1,9 ngàn tỷ USD, mở đường cho việc gia hạn trợ cấp thất nghiệp. Đây là một đợt cung cấp các khoản thanh toán trực tiếp khác và viện trợ cho chính quyền các bang và địa phương.

Dự kiến, Hạ viện Mỹ được dự kiến sẽ thông qua dự luật này vào cuối tuần. Và sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký thành luật trước khi chương trình viện trợ thất nghiệp hết hạn vào ngày 14/3.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại Fed có thể sẽ nhanh chóng có những động thái ngược lại, thắt chặt dòng tiền ra thị trường, sau khi đó nhận những tín hiệu tích cực về kinh tế và khả năng lạm phát gia tăng.

Tại Trung Quốc, tín hiệu đã rõ ràng. Các nhà tạo lập chính sách đã siết lại dòng tiền để tránh một quả bong bóng nổ tung trên thị trường tài chính.

Có thể thấy, các nhà chức trách các nước đang đứng trước một tình huống chưa từng có: khó dự báo hậu quả của các chính sách lần đầu tiên được sử dụng để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Đó chính là xu thế lạm phát.

Nhiều dự báo cho rằng, lạm phát sẽ tăng vọt như là hậu quả của những gói giải cứu khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, lạm phát chỉ tăng trong ngắn hạn, còn về trung và dài hạn, một số nước thậm chí còn rơi vào tình trạng giảm phát do sức cầu cạn kiệt. Những tranh cãi trở nên gay gắt và bùng nổ ở nhiều nơi, nhất là châu Âu đã khiến cho các nhà tạo lập chính sách bối rối.

M. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tinh-huong-hiem-co-thi-truong-tai-chinh-the-gioi-chao-dao-718417.html