Chảo lửa Trung Đông tạm thời hạ nhiệt

Đang có những dấu hiệu giảm leo thang sau 10 ngày căng thẳng ở mức cao giữa Iran với Mỹ. Tuy nhiên, ẩn sau những lời lẽ mềm mỏng để giấu đi những lợi ích thật sự, nguy cơ cuộc chiến vẫn còn nguyên khi ngòi nổ thực sự chưa được tháo gỡ.

Chỉ là tạm ngưng

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani với Quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani đang ở thăm Tehran, hai bên đã nhất trí rằng giảm leo thang là "giải pháp duy nhất" cho cuộc khủng hoảng khu vực. Tổng thống Rouhani cho hay “đã nhất trí tiến hành thêm các cuộc tham vấn và hợp tác vì an ninh toàn khu vực". Cũng tại buổi tiếp Quốc vương Al-Thani, Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei lên tiếng kêu gọi hợp tác khu vực nhằm giải quyết các vấn đề hiện nay.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cho biết ông "không quan tâm" việc Iran đồng ý đối thoại với Mỹ hay không, sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien gợi ý rằng Iran sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý đối thoại. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn sẵn sàng "ngồi xuống và thảo luận vô điều kiện một lối thoát mới" với Iran.

Như vậy là đã rõ chiến thuật của Mỹ đối với Iran. Sử dụng biện pháp trừng phạt mới thay vì giáng đòn đáp trả bằng hành động quân sự. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng tình thế đối đầu hiện nay, vốn kích động hai nước tiến tới bờ vực chiến tranh toàn diện, có thể hạ nhiệt.

Trong đánh giá về những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Iran, nổi lên 2 luồng ý kiến đáng chú ý. Hàng loạt chuyên gia tầm cỡ thế giới nhận định rằng Mỹ sẽ kiềm chế tránh hành động quân sự, còn Iran cũng sẽ không lao vào đối đầu vũ trang với Mỹ. Tuy nhiên, cũng có người e ngại khả năng xảy ra đụng độ quân sự giữa hai nước này trong bối cảnh Iran lên tiếng cảnh báo “nếu Mỹ phạm sai lầm khác, Mỹ sẽ nhận những đáp trả rất nguy hiểm”.

Người dân Iran xuống đường biểu thị sự ủng hộ với chính sách của các nhà lãnh đạo nước này. Ảnh: stripes.

Người dân Iran xuống đường biểu thị sự ủng hộ với chính sách của các nhà lãnh đạo nước này. Ảnh: stripes.

Nhìn bề ngoài, có vẻ Iran chưa sẵn sàng xung trận trong cuộc chiến với Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia chính trị học Alexandr Baunov, Tổng Biên tập Trung tâm Carnegie Nga, nhận xét: “Bộ phận cực đoan trong ban lãnh đạo Iran có thể đưa ra kết luận riêng của họ: một khi Mỹ sợ bắt đầu cuộc chiến trực tiếp với Iran, có nghĩa là Tehran có thể tiếp tục cuộc đấu gián tiếp với Mỹ.

Về phần Tổng thống Mỹ, những tuyên bố tương đối hòa hoãn của ông Trump cho thấy ông hiểu những rủi ro trong diễn tiến sự kiện tương lai: Nếu không đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran vào các căn cứ Mỹ ở Iraq, ông có thể bị chỉ trích vì bạc nhược và thiển cận nhưng ông lại là nhân vật đã nhờn với mọi lời đả kích. Mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn nếu như ông Trump phát động chiến tranh chống Iran mà không kịp giành chiến thắng trước khi bước vào cuộc chạy đua giữ ghế Tổng thống Mỹ (tháng 11-2020). Từ hướng tư duy đó, ông Trump đã chọn cách trừng phạt và gây áp lực với Iran”.

Dấn sâu hơn vào cuộc đối đầu là chuyện không cần thiết đối với cả Mỹ và Iran - đó là nhận định của giáo sư Yury Pochta từ Bộ môn Chính trị học tại Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga. Chuyên gia nói: “Ông Trump đang tiến hành chiến dịch thận trọng và có chọn lọc. Thêm vào đó, cả đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông là Israel cũng kiên quyết phản bác khả năng thực hiện hành động quân sự như vậy”.

Ở một khu vực nơi tích tụ những vấn đề cũ và mới về chính trị-kinh tế như vậy, cuộc đấu giành quyền lực, quan hệ giữa các nước và sự chồng chéo các trào lưu tôn giáo, tất cả dồn đọng thành khối mâu thuẫn lớn, vì vậy, khó dự đoán chính xác là sự kiện sẽ phát triển như thế nào”.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã tuyên bố rằng bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông có thể dẫn đến không chỉ một cuộc chiến trong khu vực mà còn là viễn cảnh xung đột toàn cầu. Vậy liệu có thể xem tình trạng “không quá nóng” hiện nay chỉ là quy chế “tạm ngưng chiến” do bế tắc trong mâu thuẫn Mỹ-Iran hay không?

Tổng thống Donald Trump sẽ phải dành nhiều thời gian để đối phó với những rắc rối từ các đối thủ chính trị trong nước. Ảnh: latime.

Có thế thấy rõ, cả Mỹ và Iran đã lùi bước khi đứng bên miệng hố chiến tranh. Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ý ông sẽ không đáp trả bằng quân sự sau khi không có ai thương vong trong vụ tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào 2 căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump dường như muốn xuống thang cuộc khủng hoảng này, vốn đã bị đẩy lên một tầm cao mới. Ông nói rằng hệ thống cảnh báo sớm đã "hoạt động rất hiệu quả" vì thực tế là không có người Mỹ hay người Iraq nào bị thiệt mạng. Ông nói thêm rằng người Mỹ nên "rất biết ơn và vui mừng" vì kết quả này.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp kín bàn về an ninh Trung Đông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc sử dụng thêm bạo lực "sẽ dẫn tới một vòng bất ổn mới và thậm chí sẽ làm tổn hại tới lợi ích của tất cả mọi người".

Nhiều nhà bình luận cho rằng, ông Trump sở dĩ nhanh chóng xuống nước với Iran còn do sức ép từ chính bên trong nước Mỹ khi ngày 12-1 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà tin rằng các cuộc điều trần luận tội Tổng thống Trump đã đưa ra "đủ bằng chứng để loại ông Trump khỏi nhiệm sở" khi vụ việc đã được chuyển đến Thượng viện.

Chưa thể tới hồi kết

Điều duy nhất người ta có thể chắc chắn về chính sách của Mỹ tại Trung Đông là bản chất cực kỳ khó đoán định. Cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran đã âm ỉ suốt hàng thập kỷ qua song đã nhanh chóng nóng lên trong vài ngày đầu năm 2020. Trung Đông bị đẩy vào một thời kỳ đầy bất ổn khi đối đầu Mỹ-Iran gia tăng. Bạo lực chắc chắn sẽ leo thang khi Iran hủy hoại sự hiện diện và những lợi ích của Mỹ ở khu vực thông qua các lực lượng ủy nhiệm, còn Mỹ thì có thể trả đũa hơn nữa bằng năng lực không quân bất đối xứng, thông tin tình báo và sự hỗ trợ của các đồng minh hùng mạnh trong khu vực như Saudi Arabia và Israel.

Quyết định thực hiện vụ tấn công không chỉ chưa được giới chức Mỹ thông qua mà còn bị coi là “liều lĩnh”, “một sự leo thang nguy hiểm” và “sự trả thù nguy hiểm”. Sự thiếu tính hợp pháp ngay trong hành động ban đầu này đã cản trở chính quyền Tổng thống Trump làm leo thang xung đột bằng cách đáp trả sự phản ứng của Iran. Tuy nhiên, chỉ cần xung đột leo thang thêm một cấp độ mới và một tính toán sai lầm về phía Iran hoặc Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực, vốn lôi kéo cả đồng minh và các lực lượng ủy nhiệm.

Chiếc máy bay chở khách của Ukraine bốc cháy khi bị tên lửa phòng không Iran bắn nhầm. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, hiện đòn trả đũa của Iran được xem là khá “nhẹ nhàng”. Tehran đã có thể nhằm vào những căn cứ lớn hơn và đông hơn của Mỹ tại Vịnh Persia, những mục tiêu đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa Iran. Hơn thế, trước cuộc tấn công, Iran còn cảnh báo Thủ tướng Adel Abdul Mahdi, điều mà họ biết chắc sẽ được thông báo cho quân đội Mỹ. Để kiểm soát kết quả của cuộc tấn công, Iran đã tự mình thực hiện nhiệm vụ, thay vì dựa vào các lực lượng ủy nhiệm khác với nguy cơ làm thiệt mạng nhân sự Mỹ.

Theo nhà bình luận Jennifer Griffin của Fox News, Lầu Năm Góc “cho rằng Tehran đã ra một quyết định mang tính chính trị là không giết hại người Mỹ... Ngay cả việc nhắm mục tiêu cũng được hướng đến các khu vực không có người... để tránh làm leo thang căng thẳng quân sự”.

Theo Washington Post, mục tiêu của các đòn trả đũa này là về chính trị, chứ không phải quân sự. Nhà báo Peter Jennings bình luận trên trang mạng aspistrategist.org.au rằng trong đối đầu Mỹ-Iran, chưa thể nói ai mới là bên chiến thắng. Iran hiểu rõ họ có thể làm những gì họ muốn tại Syria, Liban và Iraq chừng nào họ chưa vượt qua lằn ranh đỏ là gây thiệt hại về con người cho Mỹ. Những diễn biến gần đây rất có thể chỉ là một khoảng ngừng, chứ không phải là kết cục cho sự thù địch giữa Mỹ và Iran. Khu vực vẫn đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và xung đột có thể bùng lên bất kỳ lúc nào.

Vụ tiêu diệt Tướng Soleimani cần được nhìn nhận trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Iran suy giảm nghiêm trọng nhưng đó chỉ là cái vỏ, nguy hiểm to lớn hơn xuất phát từ cuộc cạnh tranh quyền lực ở khu vực Tây Á. Saudi Arabia lâu nay tự coi mình là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo. Cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 được cho là một thách thức đối với vị thế của Saudi Arabia một phần vì Iran trước đó đã lật đổ cấu trúc nhà nước theo chế độ quân chủ và chống lại vai trò chủ đạo của Mỹ ở khu vực.

Người dân cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trong vụ máy bay chở khách rơi tại Iran. Ảnh: latimes.

Mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa Iran và Saudi Arabia bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, điều rốt cục dẫn đến sự gia tăng số dân Hồi giáo theo dòng Shiite ở khắp khu vực. Tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran cũng chọc giận Israel. Kể từ sau Cách mạng 1979 khi ban lãnh đạo Iran tuyên bố ủng hộ sự tự do của người dân Palestine, Israel đã phản đối Iran. Israel đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ để hủy hoại Iran trong nhiều lĩnh vực.

Chính sự thù địch chung của Israel và Saudi Arabia đối với Iran đã giúp củng cố mối quan hệ mật thiết giữa giới tinh hoa của hai nước này. Chính sự cạnh tranh quyền lực, một bên là giới tinh hoa của Saudi Arabia và Israel và một bên là Iran và một số đồng minh của Tehran, đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột to lớn trong khu vực. Rõ ràng, vai trò của Mỹ trong cuộc đấu tranh quyền lực này, cũng như thế lực bảo vệ của Israel và Saudi Arabia chống lại Iran, đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hơn bao giờ hết.

Căng thẳng Mỹ-Iran nguy hiểm hơn khi nó làm rạn nứt liên minh quốc tế chống IS. Tờ Les Échos chỉ trích thái độ “mù mờ” của Mỹ làm liên quân quốc tế chống IS ở Iraq hoang mang. Những hành động nói trên là một vố đau mới đối với liên minh quốc tế chống IS ở Iraq, vào lúc mà các chuyên gia liên tục cảnh báo về nguy cơ phe thánh chiến Hồi giáo trỗi dậy trở lại.

Dấu hiệu kích động từ thế giới phương Tây

Trong khi căng thẳng Mỹ-Iran đang có dấu hiệu giảm nhiệt thì trên mặt trận "thầm lặng" đồng minh thân cận của Mỹ là Anh lại mở mặt trận mới khi kích động người dân nước này biểu tình nhân sự kiện Iran thừa nhận đã bắn nhầm máy bay chở khách.

Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Anh tại Tehran, Rob Macaire để phản đối việc ông này tham dự một cuộc tuần hành “trái phép” ở thủ đô Tehran. Theo cơ quan trên, Đại sứ Anh Macaire bị nhắc nhở rằng: “việc các đại sứ nước ngoài tham gia những cuộc tụ tập trái phép không phù hợp với trách nhiệm của họ là đại diện chính trị của những nước tương ứng”. Ngay lập tức, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã chỉ trích việc Iran bắt giữ Đại sứ Anh tại Tehran.

Trong tuyên bố tại Brussels (Bỉ), ông Borrell bày tỏ quan ngại về việc Iran bắt giữ nhà ngoại giao đứng đầu của Anh tại Tehran. Bộ Ngoại giao Anh đã xác nhận việc ông Macaire bị bắt giam trong thời gian ngắn ở thủ đô Tehran, cho rằng đây là vi phạm luật pháp quốc tế.

Còn liên quan tới vụ máy bay chở khách của Ukraine rơi tại Iran, hãng thông tấn nhà nước IRNA (Iran) đưa tin Tổng thống nước này Hassan Rouhani bày tỏ hoan nghênh bất kỳ hợp tác quốc tế nào liên quan đến vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA), mà Tehran vừa thừa nhận bị lực lượng phòng không nước này bắn nhầm hôm 8-1 khiến toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tổng thống Rouhani khẳng định "tất cả những người liên quan đến thảm họa hàng không này sẽ bị đưa ra xét xử".

Ông cũng cho biết điều tra chung giữa chuyên gia Iran và Ukraine về vụ tai nạn sẽ tiếp tục và các biện pháp xét xử sẽ sớm được bắt đầu. Tư lệnh Không gian của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Amirali Hajizadeh nêu rõ chiếc máy bay bị lính phòng không Iran nhầm là tên lửa hành trình nên đã bắn hạ bởi một tên lửa tầm ngắn. Tên lửa đã phát nổ ngay bên cạnh máy bay và đó là nguyên nhân tại sao máy bay tiếp tục bay thêm một lúc nữa và phát nổ khi rơi xuống đất.

Hoa Huyền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chao-lua-trung-dong-tam-thoi-ha-nhiet-578458/