Chào mừng 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 Vui Tết Độc lập: Trân quý hơn những ngày mình đang sống…

73 năm đã trôi qua, 'luồng gió mùa thu' năm ấy vẫn như đang thổi suốt chiều dài lịch sử. Người Hà Nội hôm nay đón Tết Độc lập mà không quên những gian khổ mà cha ông đã trải qua và khí thế cách mạng năm xưa. Từ đó, mỗi người đều cảm thấy trân quý hơn cuộc sống mình đang có.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho biết, từ “Tết Độc lập” được dùng đầu tiên vào năm Bính Tuất (1946), là mùa xuân đầu tiên sau bao năm dưới xiềng xích phong kiến và thực dân, nhân dân ta thực sự được sống độc lập, tự do. Tên gọi đó xuất phát từ một bài báo của Bác Hồ đăng trên tờ “Cứu Quốc” (báo Đại đoàn kết ngày nay) có nhan đề “Tết”. Trong bài báo đó, Bác viết rằng đây là “Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập”.

Trong hoàn cảnh thực dân Pháp đang gây hấn ở Nam Bộ, Bác cũng viết thư chúc Tết gửi đồng bào với lời nhắn nhủ, mong ước: “Trong năm Bính Tuất mới / Muôn việc đều tiến tới / Kiến quốc chóng thành công / Kháng chiến mau thắng lợi”.

Giao thừa năm ấy, Bác cũng hòa vào dòng người đi hái lộc ở đền Ngọc Sơn rồi sau đó đi thăm những gia đình nghèo nhất ở phố Tạ Hiện và Khâm Thiên. Thấy họ còn vất vả, không được ăn Tết đầy đủ, Bác đã đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội chăm lo cho đồng bào nghèo được đón Tết vui vẻ hơn.

Sau đó, cụm từ “Tết Độc lập” còn được nhân dân cả nước sử dụng để chỉ ngày Quốc khánh 2/9. Bởi theo như quan niệm của dân gian xưa, Tết được biến thể từ “tiết”, đọc theo âm Hán - Việt, có nghĩa là đốt tre đốt trúc, mở rộng nghĩa là một phiến đoạn thời gian trong năm. Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hay các Tết cơm mới, Tết khai hạ… đã trở thành ngày hội, ngày lễ quan trọng với đời sống dân gian.

Gọi ngày Quốc khánh là “Tết Độc lập” nghĩa là nhân dân ta đã rất coi trọng ngày trọng đại này của lịch sử dân tộc. Từ hàng nghìn năm qua, những lễ, Tết đã ổn định, nay lại được bổ sung thêm một cái Tết mới, trong thời đại mới của độc lập tự do. Cái Tết ấy rõ ràng đã có ý nghĩa tâm linh rất lớn, không gì có thể thay thế được trong lòng nhân dân. Cái Tết này cũng có ý nghĩa mở ra một thời kì vô cùng tốt đẹp cho dân tộc và mỗi người.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Độc lập là cả Hà Nội tưng bừng rộn rã hẳn lên. Bởi đây chính là Thủ đô của cả nước. Tại đây, 73 năm về trước, Cách mạng tháng Tám long trời lở đất đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng của giai cấp nông dân, công nhân và nhân dân lao động, mang đến độc lập tự do cho dân tộc.

Cũng tại nơi đây, trong mùa thu lịch sử, ngày 2/9/1945, kết quả của cuộc cách mạng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại suốt ngàn năm trong lịch sử Việt Nam. Sau đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức Tổng tuyển cử năm 1946 trên phạm vi cả nước. Lần đầu tiên nhân dân ta được nô nức đi thực hiện quyền công dân, bầu lên những người lãnh đạo đất nước, quyết định cuộc sống của chính mình.

Bởi những ý nghĩa lớn lao đó, người Hà Nội vô cùng tự hào về mảnh đất của mình đang sống. Nhìn lại những bức ảnh từ 73 năm trước sẽ thấy cờ hoa rợp trời Hà Nội. Những ngày này, khắp Thủ đô như khoác lên màu áo mới. Khắp các tuyến phố, mặt đường cho đến ngõ ngách đều hoan hỉ treo cờ Tổ quốc.

Cùng với đó, những bông hoa cúc, hoa hồng, các vườn cây, tiểu cảnh trang trí tại các ngã tư, ngã năm đường phố, tại các giải phân cách cũng như tươi thắm, rực rỡ hơn để hòa với niềm hân hoan của mỗi người. Đây cũng là dịp nhiều gia đình Hà Nội không đi chơi xa mà ở lại đón Tết tại Thủ đô. Người nào cũng mặc những trang phục đẹp nhất để dạo phố, ngắm cảnh, tận hưởng những ngày nghỉ thư thả trong thanh bình, yên ấm.

Đó là những ngày mà tà áo dài truyền thống của Việt Nam phấp phới đủ màu tung bay trên khắp các phố. Đó là ngày mà các ông bà già dắt con cháu đi thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, tưởng nhớ công lao của những người đã ngã xuống vì hòa bình. Những địa danh gắn với Cách mạng tháng Tám lịch sử và ngày 2/9/1945 như quảng trường Cách mạng tháng Tám, nhà số 48 Hàng Ngang, quảng trường Ba Đình, cột cờ Hà Nội… cũng là nơi mà các bậc cao niên ở Hà Nội đưa con cháu đến để ôn lại truyền thống hào hùng.

Nơi đây, năm nào cũng đón rất nhiều đoàn khách quốc tế và cả nước đến thăm và cảm phục ý chí quyết tâm giành độc lập của nhân dân Việt Nam, của cha ông mình thuở trước. Trong khi đó, khắp đó đây, lời ca tiếng nhạc rộn rã những bài hát cách mạng vang lên càng khiến lòng người như được nhân thêm niềm vui, hòa cùng nhau trong ngày Tết đặc biệt của dân tộc.

Màu cờ đỏ rực với sao vàng năm cánh dịp Quốc khánh càng rực rỡ, lấp lánh hơn, tươi sáng hơn trong những ngày đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lập nên kì tích tại ASIAD 2018. Đây cũng là một niềm vui cho vị thế và sức mạnh của đất nước ta, mở ra những hy vọng mới, vận hội mới trên trường quốc tế.

Năm nào cũng vậy, cứ dịp này, hồ Gươm, trái tim thiêng liêng của Thủ đô cũng rộn rã tưng bừng với những bước chân reo vui và nụ cười phấn khởi của người Hà Nội, người dân các tỉnh về thăm Thủ đô. Quảng trường Ba Đình, nơi diễn ra lễ diễu binh diễu hành với những hình ảnh được truyền đi cả nước, thể hiện thông điệp tự hào và khí khách, sức mạnh Việt Nam.

Quảng trường Ba Đình 73 năm về trước sắc thu chắc cũng tươi thắm như bây giờ. Màu trời xanh thẳm, nắng vàng rực rỡ và những cơn gió heo may mát lành mang đến cho tâm hồn người những cảm xúc rất đỗi sâu lắng. Mùa thu cách đây 49 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị cha già của dân tộc, người suốt đời cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc đã đi xa.

“Ham muốn tột bậc” của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã trở thành hiện thực. Cuộc đời “Chỉ biết quên mình cho tất thảy” (Tố Hữu) của Bác là tấm gương vĩ đại nhưng sự giản dị của Bác cũng lại khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình với bản thân và đất nước.

Chính vì thế, dịp Quốc khánh năm nào trời cũng sẽ có những giọt mưa lất phất. Đó chính là nước mắt của trời, của lòng người. Bên lăng Bác Hồ những ngày này, ai nấy đều đến cúi đầu, lắng nghe trái tim mình bồi hồi và tự hỏi mình đã sống xứng đáng với công lao của Bác đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam...!

Chắc chắn mỗi người dân Hà Nội, dù là đã trải qua những thời khắc gian khó của chiến tranh, những năm tháng đói nghèo hay sinh ra và lớn lên sau hòa bình đều cảm nhận rõ sự đổi thay của đất nước qua từng ngày. Điều đó càng khiến họ tự hào hơn, trân trọng hơn những ngày mình đang được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, phát triển và hội nhập… Tất cả được khởi nguồn từ một mùa thu 73 năm về trước.

73 năm chưa phải là dài nhưng có ý nghĩa to lớn với một dân tộc “sớm chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”. Để đất nước phát triển hơn, để xứng đáng với công lao của cha ông đi trước thì mỗi chúng ta hôm nay phải ý thức hơn nữa về sự đóng góp của bản thân.

Chẳng cần phải thể hiện bằng điều gì lớn lao, mỗi người tùy theo tuổi tác, vị trí, sức lực của mình mà cố gắng nỗ lực học tập, làm việc, cống hiến dựng xây Hà Nội và đất nước mình. Bên cạnh đó, mỗi người hãy chú ý ứng xử văn minh, sống chan hòa, lương thiện để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thế cũng đủ để biểu lộ lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước.

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/vui-tet-doc-lap-tran-quy-hon-nhung-ngay-minh-dang-song-d2054594.html