CHÀO MỪNG NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4: Đọc sách trong thời dịch

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, không tham gia các hoạt động ngoài trời, không phải đưa đón con đến trường, phần lớn chúng ta sẽ có thời gian rảnh rỗi hơn để thực hiện những đam mê đã tạm phải gác lại vì cuộc sống bận rộn trước kia. Đó có thể là việc xem bộ phim yêu thích, đánh cờ, nấu ăn, tập yoga… Với những người ham mê đọc sách, đây chính là thời gian hoàn hảo để trở lại thói quen bổ ích này.

HS đọc sách tại Thư viện TP. Vũng Tàu khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Ảnh: CẨM NHUNG

HS đọc sách tại Thư viện TP. Vũng Tàu khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Ảnh: CẨM NHUNG

Từ xưa tới nay, sách vẫn luôn là kho tàng kiến thức vô giá, là “chìa khóa vạn năng” mở cửa mọi vấn đề. Bình thường, việc đọc sách mang tới cho chúng ta nhiều lợi ích từ kích thích tinh thần đến trau dồi kiến thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo, cải thiện khả năng tập trung. Trong thời gian phòng chống dịch bệnh, việc đọc sách còn mang lại nhiều tác dụng hơn thế. Tác dụng đầu tiên là đọc sách giúp lấp đầy thời gian rảnh, làm vơi đi cảm giác tù túng khi luôn phải ở trong nhà.

Nếu “ở nhà là yêu nước” thì việc đọc sách tại gia cũng có thể hiểu là hành động yêu nước hữu hiệu nhất. Vấn đề còn lại là việc chọn sách. Thị trường sách hiện có nhiều thể loại, phong phú và đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và thỏa mãn nhu cầu kiến thức của mọi người. Nếu ưa nghiên cứu, tìm tòi, bạn có thể tìm đọc những cuốn sách khoa học, lịch sử, địa lý, kiến thức tổng hợp... Những cuốn sách phần lớn là khô khan này sẽ giúp bạn bổ sung kiến thức còn thiếu, yếu trong công việc hoặc ngành học của mình. Những cuốn sách văn học, tâm lý xã hội giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn, biết đoàn kết, tương thân tương ái với đồng nghiệp, đồng bào hơn. Những cuốn sách về y học, chăm sóc sức khỏe hướng dẫn chúng ta cách giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình và người thân. Những cuốn sách dạy kỹ năng mềm, nấu ăn, mẹo vặt cuộc sống cũng là sự lựa chọn của nhiều người khi hàng quán nghỉ bán vì dịch bệnh và đích thân chúng ta phải làm việc nhà, nấu ăn.

Đọc sách có lẽ là giải pháp tốt nhất với học sinh trong suốt thời gian dài phải giam mình ở nhà, không được đến trường gặp thầy cô, bè bạn. Đây là dịp tốt để phụ huynh khơi gợi và thúc đẩy niềm đam mê đọc sách của con trẻ. Dù sao thì đọc sách vẫn là một hình thức giải trí an toàn, rẻ tiền và hiệu quả nhất với học sinh.

Không phải chỉ đến khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội được đưa ra, phong trào mua và đọc sách online mới phát triển. Trước đó, độc giả cũng ưa chuộng hình thức mua sách online qua các hệ thống bán sách như Tiki, Fahasa... Các trang bán sách trực tuyến cũng thường xuyên cập nhật thông tin về sách hay, sách mới, sách thanh lý, sách bán chạy nhất trong năm để phục vụ nhu cầu được đọc ngay những cuốn sách hay và mới của khách hàng. Nếu không có điều kiện mua sách in, bạn cũng có thể lựa chọn cách đọc sách online nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp.

Do việc giao lưu hội nhập văn hóa cũng như việc xuất bản sách khá dễ dàng nên thị trường sách hiện nay khá phức tạp và người đọc không tinh tường rất dễ mất thời gian cho những cuốn sách kém chất lượng. Bạn có thể tham khảo ý kiến của những nhà văn, nhà báo, nhà phê bình có uy tín qua trang cá nhân của họ để chọn được những cuốn sách hay, phù hợp với nhu cầu của mình.

Các tác phẩm văn học nổi tiếng cũng là sự lựa chọn tốt. Bạn có thể tìm đọc những cuốn sách viết về dịch bệnh, chiến tranh, những thảm họa kinh hoàng khác mới nổi lên trong mùa dịch như: The eyes of darkness (Đôi mắt của bóng đêm, Dean Koontz, năm 1981), End of days (Những ngày tận thế, Sylvia Browne, năm 2018), A journal of the plague year (Nhật ký năm dịch hạch, Daniel Defoe, năm 1722), The last man (Người sống sót cuối cùng, Mary Shellye, năm 1826). Nếu không thích những cuốn sách trên, bạn có thể đọc những cuốn tiểu thuyết đã từng chinh phục con tim hàng triệu người ở mọi thời đại như: Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió, Margaret Mitchell, 1936), Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCullough, năm 1977) hay gần đây hơn là Wolf Hall (Lâu đài sói, Hilary Mantel, năm 2009).

Những cuốn sách này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về nguyên nhân, hậu quả của những thảm họa và nhất là cách mà con người đã đương đầu và vượt qua chúng để tồn tại. Tóm lại, sách tuy không phải là liều vắn xin chống lại bệnh dịch cũng không phải là thức ăn giúp chúng ta no bụng, nhưng sách sẽ luôn là liều thuốc tinh thần giúp chúng ta vượt qua thời kỳ khó khăn này.

AN AN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202004/chao-mung-ngay-sach-viet-nam-214-doc-sach-trong-thoi-dich-897342/