Chấp nhận chứng thư số quốc tế vấn đề cấp bách

Nhiều thông tin, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ... đã được các đơn vị triển khai và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đưa ra trao đổi, tại hội thảo "Tương tác chữ ký số và chấp nhận chứng thư số nước ngoài” vừa diễn ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhiều thông tin, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ... đã được các đơn vị triển khai và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đưa ra trao đổi, tại hội thảo "Tương tác chữ ký số và chấp nhận chứng thư số nước ngoài” vừa diễn ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

CôngThương - Theo đó, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các tổ chức, DN Việt Nam phải tiến hành các hoạt động trao đổi thông tin thương mại điện tử (TMĐT) với nhiều đối tác trên thế giới. Các DN nước ngoài cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, thông qua việc cho phép sử dụng chứng thư số đã được dùng trong các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu tương tác giữa chứng thực chữ ký số (CA) và chấp nhận chứng thư số nước ngoài ngày càng trở nên cấp bách, nhằm hỗ trợ các hoạt động TMĐT, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, xác thực điện tử trở thành một nội dung không thể thiếu trong các chương trình hợp tác kinh tế đa phương, ví dụ như: WTO, APEC, ASEAN single window, hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương,... mà Việt Nam đang tích cực tham gia.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện DN và cơ quan nhà nước đều khẳng định, cần phải thiết lập cơ chế tương tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CA. Trong đó, đặc biệt quan trọng là xây dựng phương án chấp nhận chứng thư số của các nhà cung cấp CA nước ngoài, nếu như muốn thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, cũng như tạo điều kiện để DN, tổ chức Việt Nam đàm phán, giao thương với quốc tế.

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có 8 nhà cung cấp CA được cấp phép và 5 trong số đó đang hoạt động, bao gồm: VNPT-CA, Viettel-CA, BKAV-CA, FPT-CA và Nacencom. Tuy nhiên, Phó giám đốc VNPT-CA Mai Xuân Thành - cho biết: Về giá trị quốc tế của CA Việt Nam, vướng mắc là khi cung cấp gói chứng thực website SSL, các trình duyệt chưa chấp nhận CA Việt Nam. Do đó, khách hàng không mua gói dịch vụ SSL của nhà cung cấp trong nước mà mua của các nhà cung cấp dịch vụ CA nước ngoài.

Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) -hiện, 4/6 nhóm dịch vụ chứng thư số người dùng phổ biến tại Việt Nam phải dùng chứng thư số quốc tế. Nguyên nhân là do các CA công cộng tại Việt Nam chưa có khả năng cung cấp, đồng thời chưa có văn bản pháp lý quy định việc chấp nhận CA giữa Việt Nam với các nước. Trong khi đó, chứng thư số của nước ngoài được cấp phát trực tuyến với phương thức đăng ký rất đơn giản, thuận tiện. Vì lý do này, ở Việt Nam, chỉ tính riêng trong khối ngân hàng và chứng khoán đã có rất nhiều trang web TMĐT mua chứng thư số của các nhà cung cấp nước ngoài. Thực tế này buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải tính đến nhu cầu của người sử dụng Việt Nam đối với chứng thư số, CA nước ngoài; cần tính đến việc kết nối – công nhận với các nhà cung cấp chữ ký số quốc tế để hỗ trợ cho các hoạt động giao dịch TMĐT. Dự kiến quý IV/2012, Bộ Công Thương sẽ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định TMĐT và một trong những nội dung rất quan trọng trong Nghị định chính là ứng dụng CA.

Đại diện Tổng cục Hải quan, sau khi phân tích các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong quá trình ứng dụng CA để doanh nghiệp khai thuế qua mạng, đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có kế hoạch triển khai Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Thủ tướng về chấp nhận CA nước ngoài. Đó là một nhu cầu có thật, đảm bảo môi trường thông thoáng cho thương mại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam sẽ sớm phải triển khai cơ chế một cửa ASEAN (ASEAN single-window) vào năm 2014.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c257n14833/chap-nhan-chung-thu-so-quoc-te-van-de-cap-bach.htm