Chấp nhận mạo hiểm để thành công

Mấy anh em cùng đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Khi về nước, người anh cả học được nghề trồng nấm công nghệ cao.

Cả 4 anh em góp vốn, chung sức mua đất và mở xưởng trồng nấm “đùi gà” theo công nghệ Hàn Quốc.

 Kiểm tra sản phẩm mới.

Kiểm tra sản phẩm mới.

Từ mẻ nấm “đùi gà” đầu tiên vào cuối năm 2017, cơ sở nấm Phùng Gia đang ngày một phát triển, chiếm lĩnh được thị trường. Hiện nay mặt hàng nấm “đùi gà” đã tham gia chương trình OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc…

Quyết chí lập nghiệp

Cơ sở SX có tên đầy đủ là Công ty TNHH nấm Phùng Gia (gọi tắt là Công ty Phùng Gia), của 4 anh em họ Phùng. Người anh cả là Phùng Đức Định, quê ở xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Do ở quê đất chật, người đông, mấy anh em quyết định sang xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, cùng tỉnh, mua đất, xây nhà xưởng để SX nấm. Lúc đầu, có diện tích đất 3.000 m2, chủ yếu dùng để xây dựng nhà xưởng. Ngay từ đầu, xưởng đã được thiết kế hiện đại, có độ lạnh phù hợp với giống nấm “đùi gà” và có quy trình giữ đúng như ở Hàn Quốc. Đầu tháng 12/2017, mẻ nấm đầu tiên xuất xưởng.

Một khó khăn thường gặp của người đi tiên phong, là thị trường còn thăm dò, còn nghi ngại. Đã vậy, so với nấm sò ngoài thị trường, thì giá nấm “ đùi gà” cao hơn nhiều. Nấm làm ra phải để trong môi trường lạnh (khoảng dưới 12oC) chỉ bảo quản tối đa trong vòng nửa tháng. Như vậy nấm phải được tiêu thụ đều đặn, mới đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon cần thiết.

Đây chính là một thử thách lớn. Bởi vậy ban đầu anh em Phùng Gia vừa SX cầm chừng, vừa thăm dò thị trường. Cùng thời gian, cũng ở thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, các loại nấm trôi nổi của Trung Quốc tràn vào, với thời gian bảo quản lâu gấp rưỡi, gấp đôi nấm Việt Nam. Nếu người tiêu dùng theo kiểu “tặc lưỡi” thì ắt sẽ sử dụng nấm của Trung Quốc.

Anh em họ Phùng biết rõ điều đó, nhưng không nản chí. Tin vào kỹ thuật của mình, tin vào chất lượng sản phẩm, họ đã đưa nấm vào các siêu thị lớn, các siêu thị có uy tín. Người trong nghề dễ nhận ra một sản phẩm nấm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh, nên đã chấp nhận cho sản phẩm của công ty góp mặt. Có một lợi thế, là nấm của công ty có hình thức bắt mắt (trắng, mập mạp) đúng như tên gọi nấm “đùi gà”, nên nhanh chóng được thị trường chấp nhận.

Thành công bước đầu

Theo anh Phùng Đức Cường, Giám đốc Kinh doanh thì hiện nay sản phẩm của công ty cung cấp cho VinGoup, để đưa vào hệ thống rau quả sạch của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bây giờ, cái địa chỉ của công ty ở xóm Ngoại Trạch, xã Tam Hợp, đã quen thuộc với các siêu thị.

Ở phân xưởng SX nấm của công ty.

Cũng theo anh Cường, sắp tới công ty sẽ vươn ra thị trường các tỉnh phía Nam. Đây là một thị trường khó tính và phải có “lực” mới có thể cạnh tranh được. Cái khó nhất, là giá nấm ở phía Nam lại hạ hơn so với phía Bắc. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, thì giá phải hạ hơn nữa.

Tuy nhiên, nếu chiếm lĩnh được, thì đó là một thị trường có sức tiêu thụ lớn và có cách buôn bán, làm ăn thoáng đạt, rất hấp dẫn cho các cơ sở SX, chỉ cần ổn định về số lượng và chất lượng. Nhờ vậy, dù giá thấp hơn so với thị trường khác, nhưng có thể tiêu thụ khối lượng lớn.

Hiện nay, Công ty Phùng Gia đang SX một sản phẩm mới, có tên “Sò yến Phùng Gia” với công suất 1 tấn/ngày, cung cấp cho các siêu thị, có giá bán từ 130 đến 170.000 đ/kg. Đó là mức giá khá cao, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Công ty cũng khuyến cáo, mặc dù hạn sử dụng nấm trong thời gian 15 ngày nhưng sử dụng tốt nhất trong khoảng 5 đến 7 ngày, kể từ ngày đóng gói sản phẩm.

Mới chỉ có sản phẩm từ cuối năm 2017 đến nay, nhưng mặt hàng nấm “đùi gà” của công ty đã có uy tín, có thương hiệu. Trong danh sách tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019, huyện Bình Xuyên có 8 sản phẩm, thì 7 sản phẩm là từ mật ong. Chỉ duy nhất có sản phẩm nấm “đùi gà” của công ty Phùng Gia là mặt hàng mới, nhưng có uy tín.

Mở rộng SX để khẳng định mình

Theo Giám đốc Kinh doanh Phùng Đức Cường, công ty hiện nay có mặt bằng SX rộng gấp đôi ban đầu. Từ 3.000 m2 đất của năm 2017, nay công ty đã có hơn 6.000 m2 và hầu hết để mở rộng nhà xưởng, nơi SX. Dự kiến công ty sẽ nâng công suất lên gấp 3 – 4 lần. Cũng theo anh Cường, vốn liếng ban đầu của công ty trên 16 tỷ đồng. Hiện nay mở rộng mặt bằng để nâng công suất, công ty đã đầu tư khoảng hơn 30 tỷ đồng, tức là tăng gấp đôi so với ban đầu.

ĐỖ BẢO CHÂU

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chap-nhan-mao-hiem-de-thanh-cong-post254604.html