Chắp nối yêu thương qua trà thảo dược

Hy vọng với tất cả tâm huyết và nghị lực, nữ giám đốc trẻ Trần Thị Thuần sẽ phát triển Hợp tác xã Dịch vụ Tâm Ngọc ngày càng lớn mạnh, mang lại niềm vui sống, hạnh phúc cho những người khuyết tật

Trên vùng đất Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội có một người con gái dám nghĩ dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp từ những túi trà lọc thảo dược. Đó là chị Trần Thị Thuần, nữ Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Ngọc, ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn.

Tại sao không làm chủ trên chính quê hương mình?

Trên cánh đồng của các hộ dân đã bỏ hoang nhiều năm do không thể sản xuất tại huyện Sóc Sơn, chiều chiều người ta thấy bóng dáng một người phụ nữ bé nhỏ với "dáng đi nghiêng" bên tay cầm một chiếc gậy bước đi khắp cánh đồng, đó là chị Trần Thị Thuần.

Như một chữ duyên, chị Thuần sau bao đêm không ngủ trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình, đã bật lên ý nghĩ tại sao mình không làm chủ và làm giàu trên chính quê hương của mình. Hiện tại nhu cầu của thị trường và mọi người là tìm về những sản phẩm nguyên chất thiên nhiên có tác dụng bảo vệ sức khỏe, tại sao mình không làm trà thảo dược nhỉ?

Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm chị Trần Thị Thuần (giữa) và các thanh niên trong Chương trình đối thoại thanh niên tháng 3-2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm chị Trần Thị Thuần (giữa) và các thanh niên trong Chương trình đối thoại thanh niên tháng 3-2023

Từ những trăn trở đó, năm 2019, qua trao đổi cùng với những người bạn khuyết tật, chị đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời mình là thuê lại cánh đồng người dân bỏ hoang để trồng những cây dược liệu, từ đó cung cấp ra thị trường những túi trà thảo dược thơm ngát. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Ngọc ra đời từ tình yêu thương và đoàn kết của những người khuyết tật chung một chí hướng với slogan "Uống trà thảo dược để bảo vệ sức khỏe".

Ngày mới bắt đầu làm, người dân chưa tin chị và mấy người bạn khuyết tật tay yếu chân mềm sẽ làm được gì trên cánh đồng đã bỏ hoang nhiều năm. Vượt qua mọi khó khăn trên mảnh đất khô cằn, chị và những người bạn ngày ngày vẫn miệt mài với công việc nhổ cỏ, trồng cây và chăm sóc những cây dược liệu. Do cỏ hoang đã mọc nhiều năm ken dày nên chị phải thuê máy san ủi để phát quang. Khi công việc làm cỏ xong chị bắt đầu thuê máy cày bừa vì đất bao nhiêu năm đã chai cứng.

Sau đó chị bắt đầu trồng những cây thảo dược đầu tiên là hoa nhài, đinh lăng, thanh nhiệt, nhân trần, giảo cổ lam, hạ châu... Chị và các thành viên hợp tác xã dùng những loại phân hữu cơ vi sinh để tăng độ phì nhiêu tự nhiên cho đất. Dưới những gốc cây chị trải thêm ni-lông để hạn chế cỏ dại sinh sôi.

Đất không phụ công người

Thành viên ban đầu của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Ngọc chỉ có 7 người, đều là người khuyết tật. Công việc gặp rất nhiều khó khăn trong khi nhiều công đoạn của sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sức lao động. Những ngày đầu làm việc ai cũng không có lương, chị trăn trở phải làm cái gì để lấy ngắn nuôi dài thì các thành viên mới có thể tham gia được lâu dài. Họ dành một thửa đất để trồng rau sạch phục vụ nhu cầu của thị trường.

Đất không phụ công người, những luống rau muống, rau cải, rau mồng tơi, những trái bí xanh, bí ngô xanh mướt... đã được hợp tác xã xuất đi cho các chợ đầu mối trong huyện, nhờ đó mà các thành viên hợp tác xã có thêm nguồn thu nhập để kiếm sống.

Chị Trần Thị Thuần (hàng đầu, bên trái) tại lễ tuyên dương tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022

Thế rồi đất cũng nở hoa, đất như cảm ơn công sức những người chăm bón. Trên mảnh đất khô cằn sỏi đá ngày nào, những bông hoa nhài trắng tinh khiết trải dài cả cánh đồng, rồi màu xanh của cây và của lá nhân trần, lá đinh lăng xanh ngút ngàn báo hiệu những vụ mùa thu hoạch vui tươi đang đến trên mảnh đất này. Những khó khăn của hợp tác xã rồi cũng dần qua đi nhờ tình yêu thương và sự đoàn kết của mọi người.

Đến nay tiếng lành đồn xa, số lượng thành viên của hợp tác xã đã là 40 người. Mỗi người tùy vào dạng khuyết tật của mình đều tham gia vào những khâu sản xuất ra những túi trà thơm ngon. Từ công việc nhổ những cây cỏ dại bên cạnh những gốc cây hoa nhài đến công việc phơi khô và sấy lạnh những mẻ trà thơm ngát được hoàn thành một cách cẩn thận. Sản phẩm của hợp tác xã là các loại trà: Liên hoa trà, Đinh lăng trà, Trà cà gai leo, Như hoa trà…

Kế thừa và phát triển những loại trà xưa trong dân gian, chị Thuần còn nghiên cứu một loại trà dành cho giới trẻ, đặc biệt tốt cho nam giới mang tên Thanh xuân trà. Chị cho biết những áp lực của cuộc sống, công việc, học tập làm cho nhiều người trẻ bị trầm cảm, vì vậy hợp tác xã đưa ra thị trường loại trà thanh xuân này nhằm giúp người uống có sự tĩnh tâm, đầu óc thư thái hơn và giữ được sức thanh xuân, tuổi trẻ.

Sản phẩm OCOP đáng tự hào

Không chỉ trồng và sản xuất thảo dược, hợp tác xã cũng linh hoạt, năng động hòa nhập với nhịp đập thị trường. Mỗi dịp xuân về hợp tác xã đều đưa ra thị trường hàng vạn bông hoa ly, hoa rất to và thơm được mọi người ưa chuộng.

Với quy trình sản xuất hoàn toàn hữu cơ những sản phẩm trà thảo dược, rau củ quả của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Ngọc đưa đến tay người tiêu dùng rất sạch và an toàn. Trà thảo dược Tâm Ngọc của hợp tác xã đã được nhiều cơ quan trung ương dùng làm quà biếu, tặng cho người thân, quan khách. Sản phẩm đã được UBND TP Hà Nội cấp tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào đầu năm 2021.

Chị Trần Thị Thuần (thứ tư từ trái qua) nhận giải thưởng “Vươn lên mạnh mẽ”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vào giữa năm 2022, một đoàn khách từ Mỹ đã đến tham quan mô hình của hợp tác xã, từ trồng đến đóng gói loại trà thảo dược của Việt Nam để bàn tính việc xuất khẩu các loại trà này sang Mỹ. Với chị Thuần và các thành viên hợp tác xã, đưa được trà thảo dược Tâm Ngọc ra nước ngoài là niềm vui lớn, không chỉ tạo doanh thu, nuôi sống từng thành viên, mà còn tạo uy tín cho một thương hiệu của người khuyết tật. "Mỗi khi sử dụng sản phẩm trà thảo dược Tâm Ngọc, nhiều người sẽ nhớ đến những người khuyết tật Việt Nam" - chị nói.

Năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Ngọc cùng Ban Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội tổ chức chương trình thiện nguyện cho trẻ nhiễm HIV và trẻ em khuyết tật tại huyện Ba Vì. "2.000 sản phẩm trà của hợp tác xã sau khi bán ra được trích lại 50% phục vụ cho công tác thiện nguyện của Ban Thanh niên khuyết tật TP Hà Nội" - chị nói.

Anh Nguyễn Bảo Ngọc, một thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Ngọc, tâm sự: "Tôi rất khâm phục trước sự dám nghĩ dám làm của một người phụ nữ giàu tình yêu và nhiệt huyết với cộng đồng như chị Thuần. Đóng góp của chị đã giúp các thành viên hợp tác xã có cuộc sống hạnh phúc và ổn định. Tất cả mọi thành viên cảm ơn chị rất nhiều".

Bên tách trà nóng đượm hương, chị Thuần thổ lộ: "Chúng tôi có được thành công như hôm nay là sự hăng hái hết mình dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ cộng thêm sự hỗ trợ của các ban, ngành và sự đoàn kết một lòng của mọi người trong hợp tác xã".

Với những những đóng góp trong phong trào giúp người khuyết tật vượt lên khó khăn để xây dựng cuộc sống, hợp tác xã và cá nhân giám đốc Trần Thị Thuần cũng được nhận những giải thưởng của các bộ, ban ngành.

Năm 2022, nữ giám đốc trẻ Trần Thị Thuần là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt, ghi nhận những đóng góp của chị trong việc thúc đẩy phát triển và hòa nhập người khuyết tật với việc làm và cuộc sống. Chị cũng là đại biểu gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chương trình đối thoại thanh niên năm 2023.

Dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật

Hiện tại người phụ nữ bé nhỏ này đang phát triển chuỗi Spa An Phúc dưỡng sinh đông y, chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho mọi người bằng thảo dược. Điều đặc biệt là chị nhận dạy người khuyết tật và chuyển giao công nghệ làm đẹp cho những bạn khuyết tật có đam mê về chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe hoàn toàn miễn phí.

Với nhiều nỗ lực, chị Trần Thị Thuần và cộng sự đã mở 2 cửa hàng chăm sóc An Phúc dưỡng sinh đông y tại Sóc Sơn. Với tất cả tâm huyết và nghị lực, nữ giám đốc trẻ Trần Thị Thuần mong sẽ phát triển Hợp tác xã Dịch vụ Tâm Ngọc ngày càng lớn mạnh, mang lại niềm vui sống, hạnh phúc cho những người khuyết tật.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

NGUYỄN VĂN KHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chap-noi-yeu-thuong-qua-tra-thao-duoc-20230525211720771.htm