Chấp thuận lùi tiến độ Cát Linh-Hà Đông: Lại bị động...

Hết lần này đến lần khác Việt Nam phải chấp thuận cho Tổng thầu Trung Quốc lùi tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Phía Tổng thầu EPC (Trung Quốc) vừa tiếp tục xin lùi tiến độ đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến cuối năm 2018 vì thiếu vốn và đã được phía Việt Nam chấp thuận.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu và đề nghị lãnh đạo cao nhất của Tổng thầu cam kết tuân thủ kế hoạch tiến độ điều chỉnh lần này với Bộ GTVT để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, việc hết lần này đến lần khác phía Trung Quốc xin lùi tiến độ đường sắt Cát Linh-Hà Đông và Việt Nam chấp thuận cho thấy sự bị động và phụ thuộc của phía chúng ta.

Vào năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ sang thăm Trung Quốc đã tiếp lãnh đạo Công ty Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tổng thầu EPC của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Sau khi phê bình về việc chậm tiến độ, mất an toàn lao động trong quá trình thi công, Thủ tướng yêu cầu Công ty khẩn trương khắc phục các bất cập, tồn tại, chọn nhà thầu đủ năng lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án bảo đảm chất lượng, an toàn lao động. Phía Trung Quốc đã cam kết phấn đấu đưa dự án chính thức vào hoạt động, khai thác vào tháng 9/2017, tuy nhiên từ đó đến nay họ vẫn không thực hiện đúng cam kết của mình, lời nói không đi đôi với việc làm, gây khó khăn cho Việt Nam.

"Có thể có những khó khăn khách quan, nhưng khó khăn khách quan đó kéo dài quá lâu khiến cho người ta thấy rằng số tiền 250 triệu USD mà chính phủ Trung Quốc không giải quyết được thì vô lý. Việt Nam có hợp đồng, rồi nhiều công hàm, điện... nhưng họ không làm.

Một dự án kéo dài quá lâu, gây bức xúc dư luận, gây phản cảm nhưng bản thân Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT... thiếu quyết đoán trong giải quyết vấn đề này thì có lẽ chúng ta cũng bất khả kháng, không biết làm thế nào.

Ngay từ đầu, Việt Nam đã ký kết với phía Trung Quốc một hợp đồng sơ hở, không chặt chẽ, không có sự ràng buộc trách nhiệm. Chính sự sơ hở đó khiến cả hai bên đều có thể lợi dụng được: phía Việt Nam lợi dụng để đổ trách nhiệm cho Tổng thầu Trung Quốc, còn Tổng thầu Trung Quốc có điều kiện để kéo dài dự án, gây khó khăn cho Việt Nam.

Điều rất buồn là những việc như vậy thể hiện sự yếu kém, cung cách làm việc thiếu khoa học, không có kỷ luật mạnh mẽ trong việc thực hiện hợp đồng", TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.

Việt Nam mất rất nhiều khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông tiếp tục chậm tiến độ. Ảnh: Zing

Vị chuyên gia chỉ rõ, sự tùy tiện, xem thường dư luận ấy đã và đang thể hiện trong nhiều dự án của Việt Nam, mà BOT Cai Lậy hay việc Hà Nội tăng phí thuê vỉa hè gấp 3 lần là ví dụ điển hình.

"Chẳng hạn như việc Hà Nội tăng phí thuê vỉa hè gấp 3 lần. Đó là một chủ trương sai lầm nhưng họ vẫn im lặng làm.

Mục tiêu chủ yếu để Hà Nội tăng phí thuê vỉa hè gấp 3 lần là chống ùn tắc, thu tiền về cho Nhà nước. Vậy trong 6 tháng, nếu ùn tắc vẫn tiếp tục thì cần quy trách nhiệm ngay, lúc đó giám đốc một số sở của Hà Nội, chủ dự án phải chịu trách nhiệm. Còn như lâu nay, chẳng ai mất gì thì tình trạng trên vẫn cứ tiếp tục.

Rồi chuyện Hà Nội bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để mua các ý tưởng chống ùn tắc vốn đều đã có trong đồ án, đề án và quy hoạch, Thế nào là ý tưởng, sáng kiến? 4 tỷ đồng của nhân dân vẫn chui vào túi họ mà không ai quy trách nhiệm, không ai chịu trách nhiệm. Đó là điều rất đáng buồn", nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông chia sẻ.

Trở lại với việc Tổng thầu Trung Quốc tiếp tục lùi tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Việt Nam phải dùng những biện pháp mạnh mẽ nhất về kinh tế để giải quyết, trong đó phải có công hàm và đặt điều kiện đối với nhà thầu Trung Quốc.

"Nếu nhà thầu Trung Quốc không giải quyết trong thời gian mà hai bên đã thỏa thuận thì Việt Nam buộc phải dùng vốn của mình để làm và đặt ra những điều kiện ràng buộc, chẳng hạn: Việt Nam không phải trả lãi nữa, hay phía Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cụ thể ra sao về những vấn đề gì trong hợp đồng... Điều quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền phải thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của mình với nhân dân.

Việc Việt Nam lấy vốn ở đâu để làm tiếp không có gì đáng lo. Chính phủ luôn có quỹ dự trữ, giống như một gia đình có khoản tiền dự trữ để phòng khi bất trắc, rủi ro. Bỏ ra 250 triệu USD để giải quyết dứt điểm dự án này, hơn hết là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Và tôi xin nhấn mạnh, nếu làm như vậy, phía Việt Nam phải có ràng buộc với Trung Quốc:, TS Thủy đề xuất.

Ông nhấn mạnh, năm lần bảy lượt Tổng thầu Trung Quốc lùi tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh và lần này là lùi đến cuối năm 2018, đó là sự chậm trễ quá dài.

"Việc kéo dài tiến độ dự án là tuyến giao thông đô thị huyết mạch của Hà Nội, sự thiếu trách nhiệm, yếu kém trong hợp đồng, quản lý dự án gây ra hệ lụy rất lớn, Việt Nam mất rất nhiều", TS Nguyễn Xuân Thủy cảnh báo.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chap-thuan-lui-tien-do-cat-linh-ha-dong-lai-bi-dong-3349688/