Chắt chiu cơ hội tăng trưởng

Số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý I được công bố sáng qua cho thấy khó khăn của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét hơn, đe dọa làm suy yếu các động lực tăng trưởng. Bối cảnh như vậy đòi hỏi phải chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng mới có thể đạt mục tiêu năm nay.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% - thấp ngang với khi “chịu đòn Covid-19” vào quý I.2020.

Đáng chú ý, sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng - giảm 0,37%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%; khai khoáng giảm 5,6%.

Cũng trong quý I, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể (60,3 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (57 nghìn doanh nghiệp). Khó khăn có thể không dừng lại ở đây khi nhu cầu thị trường thế giới thu hẹp và tín dụng vẫn thắt chặt.

Đầu tư công - động lực tăng trưởng chính - dường như vẫn gặp thách thức lớn về vấn đề giải ngân chậm, không đồng đều đã diễn ra nhiều năm qua. Chi đầu tư phát triển cả quý I mới đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn khiến xuất khẩu sụt giảm 11,9%, chỉ đạt hơn 79,1 tỷ USD. So sánh với quý I năm ngoái - tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt tới 177,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước - mới thấy xuất nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng lớn thế nào!

Một động lực quan trọng khác là đầu tư nước ngoài cũng đang có những vấn đề nổi lên. Chúng ta vốn kỳ vọng vào một làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, nhưng thực tế chưa cho thấy điều đó. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta tính đến ngày 20.3 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.

Rõ ràng, cùng với những khó khăn từ tình hình bất định của kinh tế, địa chính trị thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, các động lực tăng trưởng trong nước đang gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh hiện tại, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% và cao hơn, chúng ta cần chắt chiu mọi cơ hội và động lực tăng trưởng. Đặc biệt là tận dụng sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực dịch vụ - tăng trưởng tới 6,79% trong quý I và đóng góp gần 96% vào mức tăng trưởng chung. Tổng kim ngạch bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng năm vừa qua vượt ngưỡng 230 tỷ USD với tốc độ tăng gần 20% và quý I năm nay đạt khoảng 64 tỷ USD, tăng 13,9% cho thấy thị trường trong nước đang dần trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng.

Mọi cơ hội đóng góp cho tăng trưởng dù lớn hay nhỏ đều cần được trân trọng và hỗ trợ trong lúc này. Nhưng cùng với việc tạo động lực trước mắt cho tăng trưởng, yêu cầu xử lý các vấn đề để tạo nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn cũng hết sức cấp thiết. Một chính sách visa cởi mở sẽ hỗ trợ tốt hơn cho ngành du lịch nhưng không thể thay đổi toàn bộ ngành này. Ngành du lịch muốn phát triển bền vững thì cần đầu tư bài bản vào cải thiện hạ tầng, xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, nâng cao chất lượng nhân lực… Hoặc về lâu dài, không thể nhờ cậy cả vào nguồn vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư công nếu quá nhiều có thể tạo hiệu ứng chèn lấn đầu tư tư nhân. Vì vậy, quyết tâm giải ngân đầu tư công cần đi kèm với các nỗ lực nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo cơ chế để tăng cường các hình thức đối tác công - tư.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/chat-chiu-co-hoi-tang-truong-i320794/