'Chật chội' thị trường trái phiếu

Bộ phận nghiên cứu của Bank of America Merrill Lynch vừa công bố một bản báo cáo khảo sát giám đốc các quỹ đầu tư lớn và cho thấy một kết quả bất ngờ: các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang hướng tới thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ với mức độ cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

 Những tuần gần đây thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam giao dịch sôi động hơn. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Những tuần gần đây thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam giao dịch sôi động hơn. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Bản báo cáo mô tả việc giao dịch trên thị trường trái phiếu đang trở nên đông đúc, chật chội và phổ biến hơn cả việc đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ cao. 27% số giám đốc các quỹ đầu tư được hỏi đã trả lời họ ưa chuộng và chọn trái phiếu trong khi 26% chọn bỏ vốn vào các ông lớn như Amazon, Google, Apple, Facebook, Microsoft. Đây là lần đầu tiên đầu tư vào cổ phiếu công nghệ tụt xuống vị trí thứ hai.

Mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên đang đến gần và tỷ lệ kỳ vọng về lợi nhuận tốt của các công ty niêm yết đang sụt giảm. Bên cạnh đó, kỳ vọng về sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng giảm đi. Khoảng 50% người được hỏi đã cho rằng sự tăng trưởng kinh tế có thể yếu đi trong 12 tháng tới.

Không hẹn mà gặp, những tuần gần đây thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam giao dịch sôi động hơn. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu tuần trước, theo HNX, tăng 7% và lên hơn 38.000 tỉ đồng. Kho bạc Nhà nước chỉ gọi thầu các kỳ hạn dài từ 15-30 năm và lượng đặt mua cao gấp 5-6 lần lượng chào bán. Các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp bảo hiểm mua trái phiếu rất mạnh. Nước ngoài cũng liên tục mua ròng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 8.650 tỉ đồng trái phiếu chính phủ.

Cầu cao đã khiến lợi tức trái phiếu giảm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm hiện chỉ còn 3,14%/ năm; 3 năm là 3,58%/năm; 5 năm là 3,84%/năm và 15 năm cũng chỉ đạt 5,04%/năm.

Người ta thường nói không có sự “đánh hơi” nào nhanh nhạy như sự dịch chuyển của giới đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu đẩy cầu trái phiếu chính phủ chính là khả năng lên giá của tiền đồng. Đã hai tháng nay cơ quan quản lý nỗ lực giữ ổn định giá trị đồng nội tệ trước nguồn cung ngoại tệ đang rất dồi dào. Trong nửa đầu tháng 6-2019, tiền đồng đã lên giá chừng 0,35% so với đô la Mỹ khi tỷ giá chuyển khoản niêm yết bán ra của các ngân hàng thương mại giảm 80-90 đồng/đô la Mỹ. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ (riêng tập đoàn SK của Hàn Quốc đã rót 1 tỉ đô la Mỹ vào cổ phiếu VIC).

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm tháng đầu năm đạt 7,3 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ, song vốn FDI cam kết đăng ký đầu tư lại tăng tới 69% so với cùng kỳ, lên tới 16,7 tỉ đô la Mỹ. Bộ phận kinh doanh ngoại hối của một số ngân hàng cho biết từ đầu tháng 6-2019 họ buộc phải hạ giá bán ngoại tệ vì cung nhiều và trạng thái ngoại hối đã đầy, không thể nắm giữ thêm.

Như đã thành luật bất thành văn, mỗi khi trái phiếu chính phủ đắt hàng, thị trường cổ phiếu rơi vào tình trạng ảm đạm. VN-Index bước vào đợt điều chỉnh kéo dài đã 10 tuần và nguy cơ thủng ngưỡng 940-945 điểm đang hiện hữu. Tiền giải ngân vào cổ phiếu ngày càng trở nên eo hẹp. Các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn khi vay vốn ngân hàng và trào lưu phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao lan rộng. Trong vòng 12-18 tháng tới, khi các trái phiếu doanh nghiệp đến hạn mà công ty bất động sản không xoay sở được nguồn trả nợ, thì sự lao dốc của giá cổ phiếu sẽ không tránh khỏi.

Tuy nhiên cổ phiếu bất động sản chưa phải là nỗi lo tức thì của giới đầu tư. Nỗi bất an lớn của các tổ chức cũng như cá nhân nhà đầu tư chính là cổ phiếu ngân hàng. Trừ VCB, cổ phiếu những ngân hàng khác như MBB, CTG, STB, VIB, ACB, BID đang chịu tác động không nhỏ từ hiệu ứng của cổ phiếu TCB. Kể từ khi niêm yết với giá 42.666 đồng/cổ phiếu (giá sau khi chia tách cổ phiếu) đến nay, cổ phiếu TCB chỉ còn 20.300 đồng, tương đương giảm 52,4%.

Có những dự đoán sự sụt giảm này chưa dừng lại bởi giá cổ phiếu TCB trước ngày niêm yết và bán cho các đối tác nước ngoài đã tăng 12 lần chỉ trong chưa đầy 16 tháng. Có rất nhiều lý do đằng sau sự “thăng thiên” này, nhưng cổ phiếu nào cũng phải trở về giá trị thực của nó. Thị trường là như vậy. Không ít tổ chức đầu tư ngoại đang mất một nửa giá trị khoản đầu tư vào TCB!

Khi sự điều chỉnh của cổ phiếu TCB còn chưa kết thúc thì dòng tiền vào các cổ phiếu ngân hàng khác không việc gì phải vội vàng. Đáng nói hơn, với mức vốn hóa thị trường tương đối lớn (hơn 70.000 tỉ đồng hiện tại), biến động của TCB đang ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số sàn Hose. Không phải ngẫu nhiên mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo việc đầu tư của nước ngoài vào cổ phiếu (ngân hàng) thời gian qua.

Hải Lý

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290295/chat-choi-thi-truong-trai-phieu-.html