Chất độc da cam có màu gì, vì sao Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam?

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam, gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với con người và môi trường Việt Nam. Nhiều hệ sinh thái bị phá hủy bởi CĐDC chưa thể phục hồi, nhiều thế hệ người Việt Nam phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thần do bị nhiễm CĐDC.

Trong thời gian từ tháng 8/1961 đến tháng 10/1971, quân đội Mỹ đã thử nghiệm và sử dụng vài chục loại chất độc hóa học khác nhau với khối lượng trên 100.000 tấn, nhưng chủ yếu là các chất: CS, da cam (Agent Orange-AO), chất trắng (Agent White), chất xanh (Agent Blue) và một lượng đáng kể các chất: tím (Agent Purple), hồng (Agent Pink) và xanh mạ (Agent Green). Các chất da cam, tím, hồng và xanh mạ là những chất chứa tạp chất dioxin.

Chất độc da cam có màu gì?

Chất độc da cam có màu gì?.

Chất độc da cam có màu gì?.

Chất độc da cam là một chất lỏng màu nâu đỏ hay màu nâu, không tan trong nước, tan trong dầu diezen và các dung môi hữu cơ, có tỷ trong riêng ở 25°C là 1,28 kg/lít. Thành phần gồm 50% chất diệt cỏ 2,4 - D và 50% chất diệt cỏ 2,4,5 - T.

Để dễ nhận biết và phân biệt các loại chất độc, quân đội Mỹ dùng sơn với màu sắc khác nhau sơn thành những vạch sơn trên các phương tiện chứa các chất độc này. Thùng phi chứa hỗn hợp 2,4 – D và 2,4,5 – T được sơn vạch màu da cam, từ đây có tên gọi là chất da cam.

Tương tự như vậy là tên gọi các chất xanh, chất trắng.

Cụm từ "chất độc da cam" được Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đề xuất và sử dụng lần đầu tiên vào năm 1999 khi xây dựng chương trình cấp Quốc gia về nghiên cứu khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Cụm từ được dùng để chỉ đích danh nguồn gốc dioxin ở Nam Việt Nam là chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã phun rải trên lãnh thổ Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Chất da cam mà quân đội Mỹ sử dụng ở Nam Việt Nam chứa một lượng tạp chất dioxin rất cao, trung bình là 10 miligram (mg) trong 1 kg chất da cam (được gọi tắt là 10ppm).

Vì sao Mỹ sử dụng loại chất này trong chiến tranh Việt Nam?

Mỹ dùng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam nhằm phá rừng, tìm và diệt căn cứ cách mạng, ngăn chặn các cuộc hành quân của bộ đội và hủy hoại hoa màu.

Chất độc da cam là loại chất độc dùng để diệt cây cỏ, phá rừng. Tại Việt Nam, rừng là căn cứ địa của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã dùng chất độc da cam/dioxin nhằm phá rừng, tìm và diệt căn cứ cách mạng, ngăn chặn các cuộc hành quân của bộ đội và hủy hoại hoa màu.

Từ năm 1961 đến 1971 rừng nội địa và rừng ngập mặn là đối tượng chính bị tác động nặng nề nhất. Trên 80% tổng số phi vụ rải chất độc da cam/dioxin của các chiến dịch được tiến hành trên lãnh thổ có rừng với tổng diện tích bị rải chất độc là 3,06 triệu ha.

Chất độc da cam/dioxin đã để lại hậu quả tức thời và lâu dài đối với các hệ sinh thái rừng. Trên 3,060 triệu ha rừng bị tàn phá ở các mức độ khác nhau, làm mất đi 112 triệu m3 gỗ. Ngoài ra nhiều nguồn tài nguyên lâm sản khác như: cây thuốc, song mây, dầu nhựa, thú rừng bị tiêu diệt.

Về lâu dài, hệ sinh thái rừng bị thay đổi, đất rừng bị xói mòn. Cỏ tranh, tre nứa, cây bụi xâm lấn và thay thế cây rừng. Môi trường rừng xấu đi, gây trở ngại khó khăn cho rừng tái sinh phục hồi. Đặc biệt rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 hệ sông bị tàn phá đã gây ra nhiều lũ lụt cho vùng hạ lưu.

Hầu hết các tỉnh thành từ Quảng Trị tới Cà Mau bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin với các mức độ khác nhau.

An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang bị rải dưới 10% diện tích.

Đắc Lắk, Lâm Đồng, Hậu Giang, Long An, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thuận Hải, Minh Hải, Cửu Long bị rải từ 10% - 20% diện tích.

Quảng Ngãi, Bến Tre, Phú Yên, Quảng Trị, Bình Định bị rải từ 20% - 30% diện tích.

Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh bị rải từ 40% - 50% diện tích.

Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai bị rải trên 50% diện tích.

Rừng bị hủy hoại nhiều nhất thuộc các vùng vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị; dọc biên giới Việt - Lào có đường mòn Hồ chí Minh từ Quảng Trị tới Kon Tum (Hương Hóa, A Lưới, Sa Thầy, DakLây,...); vùng Đông Nam bộ (Chiến khu C, chiến khu D, Bời Lời, Tam giác Sắt...); Năm Căn (tỉnh Cà Mau); Cần Giờ (TP.HCM).

Bà Trần Tố Nga, 79 tuổi, mang hai quốc tịch Pháp - Việt, chịu nhiều căn bệnh do hậu quả chất độc da cam/dioxin. Hàng chục năm qua, vượt lên nỗi đau số phận, khó khăn trong cuộc sống và muôn vàn trở ngại từ nhiều phía, bà kiên trì đòi hỏi công lý cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga đã trải qua hơn 10 năm gian khổ. Tình yêu thương, sự hy sinh và quyết tâm của bà đã làm xúc động, lôi cuốn hàng triệu người trên thế giới đồng tình, ủng hộ để vụ kiện đi tới ngày hôm nay.

Tuy nhiên, đến ngày 10/5/2021 vừa qua, Tòa án Evry bác bỏ vụ kiện da cam của bà Trần Tố Nga. Lý do đưa ra vì tòa không đủ thẩm quyền để phán quyết một vụ kiện liên quan đến các hành động chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Ngay sau đó, bà đã kháng cáo.

Bà Trần Tố Nga cho biết vẫn sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này bằng việc dẫn đầu một cuộc tuần hành giữa Paris (Pháp), đại diện cho các NNCĐDC chống lại các tập đoàn hóa chất toàn cầu vào ngày 15/5/2021.

Sự việc của bà nói lên rằng, Luật pháp không phải lý do để bao biện cho trách nhiệm của các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin.

Thanh Thư

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/chat-doc-da-cam-co-mau-gi-vi-sao-my-su-dung-trong-chien-tranh-viet-nam-139646.html