Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên

Sáng 14-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Sáng 14-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Ý kiến của các đại biểu tập trung vào những vấn đề: tình hình phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19; vấn đề tố cáo tội phạm; kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; việc thực hiện Nghị định 100 đối với phòng, chống tác hại của rượu, bia... Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị. Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với các cơ quan chức năng. Đã xuất hiện một số tội phạm, vi phạm pháp luật mới như: Xâm phạm sở hữu; xuất, nhập cảnh; tín dụng đen; buôn bán hàng đa cấp; buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy... đòi hỏi giải pháp quyết liệt hơn trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời. Về tình hình xử lý, giải quyết các vụ tham nhũng, đã có chuyển biến tích cực, được tiến hành nghiêm minh, tuy nhiên tình trạng tham nhũng có nhiều chuyển biến sang hướng tinh vi, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần đấu tranh quyết liệt hơn nữa. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết QH.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết đa số các Ủy viên Ủy ban TVQH nhất trí với các báo cáo. Phó Chủ tịch QH lưu ý các cơ quan chức năng cần bổ sung, nhận định lại số liệu, xem xét lại các ý kiến góp ý để hoàn thiện lại các báo cáo để trình QH trong kỳ họp tới.

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH nghe các báo cáo công tác năm 2020 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%; số đoàn đông người giảm 17,7%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%. Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế. Chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo nhưng chưa được hoàn thiện kịp thời. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân của người đứng đầu. Chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; công tác xử lý đơn thư còn chậm và có sai sót. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa đạt mục tiêu đề ra...

Các đại biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa làm nổi bật lên được những hạn chế, bất cập. Báo cáo cũng chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời chưa chỉ ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020, đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người, làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới.

Lý giải về việc số lượng công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại giảm nhưng số đơn thư lại tăng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, nguyên nhân khách quan là do người dân tuân thủ chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong đợt giãn cách, khiến số lượng người dân đến khiếu nại, tố cáo giảm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực giải quyết khiếu kiện, tố cáo. Đáng chú ý, thời gian qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng chủ trì làm việc với các địa phương giải quyết. Kết quả, trong năm 2020, tổ công tác đã làm việc với 10 địa phương, xử lý 24 vụ việc lớn đã góp phần làm giảm số người, số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc công dân tập trung khiếu kiện ở T.Ư.

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao các báo cáo, đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật báo cáo từ các địa phương, phân tích sâu hơn các nguyên nhân gây chậm trễ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt, đột phá cần thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tế trong giai đoạn tới.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chat-luong-cong-tac-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-tiep-tuc-duoc-nang-len--616777/