Chất lượng không khí ở Hà Nội đang dần ở mức nguy hại

Sáng 11/12, chỉ số AQI ở Hà Nội xuất hiện màu tím trên diện rộng, một số nơi mức ô nhiễm lên đến 260 đơn vị. Đây là đỉnh ô nhiễm từ khi Hà Nội vào mùa đông.

Theo trang quan trắc chính thức của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí ở hầu hết trạm quan trắc đã vượt xa mức rất xấu (AQI trên 200). Đặc biệt, một số trạm cho số liệu đáng lo ngại như Minh Khai - Bắc Từ Liêm 249, Đại sứ quán Pháp 249, Trung Hòa 234, Phạm Văn Đồng 236.

Tại các khu vực khác, chất lượng không khí tốt hơn không đáng kể. Trên toàn thành phố chỉ có 2 điểm chất lượng không khí ở mức đỏ là Kim Liên 197 và Tân Mai 200. Các khu vực thường có không khí tốt như Hoàn Kiếm cũng có chỉ số AQI cao lên đến 225.

Chất lượng không khí thủ đô Hà Nội thể hiện màu tím trên diện rộng. Ảnh: Moitruongthudo.vn.

Chất lượng không khí thủ đô Hà Nội thể hiện màu tím trên diện rộng. Ảnh: Moitruongthudo.vn.

Còn theo số liệu lúc 10h ngày 11/12 trên trang AirVisual, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất. Màu tím cũng là màu đại diện cho chất lượng không khí chung của thành phố với chỉ số 229.

Trong đó, 3 khu vực Tây Hồ 262, Thành Công 244 và Hoàn Kiếm 238 đang dẫn đầu trong danh sách các điểm cho chỉ số ô nhiễm cao nhất. Tiếp theo là Hàng Đậu, Trung Hòa, Tô Ngọc Vân duy trì AQI trên 200.

Cũng theo trang quan trắc này, chỉ số ô nhiễm dao động theo ngày của Hà Nội cũng cho thấy sáng 11/12 là đỉnh ô nhiễm trong nhiều tuần liền ở Hà Nội. Từ đầu mùa đông, đây là ngày Hà Nội có chỉ số ô nhiễm ở mức đáng lo ngại nhất, một số nơi tiến gần mức nguy hại (AQI lên đến 262).

Trao đổi với Zing.vn, GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Giảng viên Đại học KHTN (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng Hà Nội đang ở giai đoạn đầu mùa đông, cộng với các điều kiện thời tiết khí hậu bất lợi nên đây là giai đoạn không khí kém nhất năm.

Buổi sáng sớm là lúc chất lượng không khí thường kém nhất do nhiều nguồn phát thải hoạt động cùng lúc và trời chưa có nắng, lưu chuyển không khí thấp.

Ngày 11/12 là ngày có đỉnh ô nhiễm cao nhất trong nhiều tuần theo AirVisual. Ảnh chụp màn hình.

"Các nguồn phát thải của Hà Nội thường không ổn định, nhất là từ các hộ gia đình, các hoạt động như đun nấu bằng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác góp phần lớn vào suy giảm chất lượng không khí, nhưng tính toán được rất khó", ông cho hay.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, chất lượng không khí thủ đô vẫn sẽ xấu trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm và sẽ khá dần khi sang xuân, độ ẩm tăng và có mưa nhiều hơn.

Theo dự báo của trang quan trắc chất lượng không khí Đại sứ quán Mỹ, chất lượng không khí tại Hà Nội trong những ngày tới vẫn duy trì ở mức kém, xấu và có thể tiếp tục trầm trọng. Trong đó, ngày 13/12, chất lượng không khí trung bình có thể lên mức rất xấu (dao động 158-248 đơn vị).

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, trong trường bắt buộc, phải đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Đặc biệt, học sinh không tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Trong thời gian này, mọi người cần hạn chế, dừng các hoạt động đun nấu bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác...

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-dang-dan-o-muc-nguy-hai-post1024022.html