Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay thấp

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại biểu Trần Thị Hằng – Bắc Ninh, đề nghị Bộ trưởng nêu những giải pháp cần ưu tiên trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nguồn nhân lực đóng góp một vai trò rất quan trọng. Chúng ta đánh giá chất lượng nguồn nhân lực thấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân để năng suất lao động như trong thảo luận về kinh tế - xã hội đã khẳng định.

Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%, công nghiệp 33,34%, trong khi đó chuyển dịch lao động của chúng ta rất chậm. Hết năm 2017 là 40% lao động nông nghiệp, đến hết tháng 4/2018 là 38,6%, với một lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng đóng góp thực chất có 15,34%, đây cũng là vấn đề chúng ta phải bàn.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hằng – Bắc Ninh (ảnh: Quochoi.vn)

Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo của chúng ta bất hợp lý, hiện nay theo cơ cấu là 1; 0,35; 0,63 và 0,38, tức là đại học sau đó cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Quan trọng hơn là chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng với kỹ năng và các điều kiện để đảm bảo cho người lao động và người làm việc về thu nhập như độ an toàn và mạng lưới an sinh. Vì vậy, có thể thấy rằng thời gian tới việc ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là việc tất nhiên và đặc biệt quan trọng. Vấn đề ở đây là giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần rất quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.

Cũng theo đại biểu Trần Thị Hằng, năm 2018 được chọn là năm mở đầu cho đột phá vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, vậy Bộ trưởng có kỳ vọng kết quả sẽ đạt được như mong muốn không?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn (ảnh: Quochoi.vn)

Theo Bộ trưởng, việc đột phá giáo dục nghề nghiệp là một chủ trương cực kỳ quan trọng, nó sẽ góp phần làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta thời gian qua. Giáo dục nghề nghiệp có 3 việc phải quan tâm.

Thứ nhất, phải tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới của chúng ta.

Thứ hai, chuyển mạnh sang tự chủ, sẽ là một động lực để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và đặc biệt là tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 vừa qua đã bàn. Đây cũng là một yêu cầu trong đề án đổi mới và tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã phê chuẩn.

Thứ ba, trong giáo dục nghề nghiệp phải chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối doanh nghiệp. Doanh nghiệp và nhà trường đồng hành, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng đây là một chủ trương nhiều quốc gia thành công từ chỗ này, đặc biệt là những nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức đã có hàng ngàn năm, Singapo, Nhật Bản gần đây cũng như thế. Đây cũng là một vấn đề tại sao năm 2012-2018 chúng tôi chọn đây là một khâu đột phá và bắt đầu làm thí điểm 10 trường liên kết, ký kết với 15 tập đoàn và khởi đầu bằng đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ là 150.000. Đây cũng là một hướng chuyển sang đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, vấn đề yếu của chúng ta thời gian vừa qua. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tin rằng đây mới chỉ là sự mở đầu, nhưng sự mở đầu này rất quan trọng để tạo cho chúng ta một hướng đi mới.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chat-luong-nguon-nhan-luc-cua-viet-nam-hien-nay-thap-74617.html