Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam xếp hạng thứ 11/12 quốc gia tại châu Á

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đật mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Như vậy, nhân lực nước ta còn yều về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong công nghiệp.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp 2019 diễn ra ngày 23/12, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững.

Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ 4 về tiến độ thực hiện SDG do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) và Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức vừa công bố tháng 7/2019, Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể thấy Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt về việc cải thiện thứ hạng Phát triển bền vững, từ vị trí 88 năm 2016 lên vị trí 54 năm 2019 và chỉ đứng sau Thái Lan (vị trí 40) ở ASEAN, trên các nước còn lại gồm: Singapore (thứ 66), Malaysia (thứ 68), Philippines (thứ 97), Indonesia (thứ 102), Myanmar (thứ 110), Lào (thứ 111) và Campuchia (thứ 112).

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp 2019

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp 2019

Trong khi đó, liên quan đến Năng lực cạnh tranh (theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới) Việt Nam dù đã cải thiện mạnh trong những năm gần đây, vươn lên xếp thứ 67/141 năm 2019, nhưng vẫn chỉ xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Bruneil (thứ 56), Philippines (thứ 64).

Tương tự, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 70/190 năm 2019, vẫn chỉ đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21), Bruneil (thứ 66).

“Như vậy có thể thấy, vị trí của Việt Nam trong cuộc đua xanh đã đạt được kết quả có vẻ tốt hơn so với các cuộc đua về năng lực cạnh tranh và đây sẽ là con đường để đi đến phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Có được những thành tựu này một phần quan trọng là Việt Nam đã ban hành chương trình quốc gia về phát triển bền vững, thành lập Hội đồng quốc về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Lộc cho hay.

Nhân lực Việt Nam còn yều về chất lượng

Thông tin tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 05 năm liên tiếp có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (trong đó 96% là doanh nghiệp khu vực tư nhân). Năm 2019 dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn, chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề.

Bằng chứng, theo một kết quả điều tra, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.

Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong khi đó nhân lực được coi là yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đật mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10) xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Như vậy, nhân lực nước ta còn yều về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong công nghiệp.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và độ mở của nền kinh tế, các nhà quản trị doanh nghiệp buộc phải thích ứng nhanh về mọi mặt, trong đó việc tuyển chọn, sắp xếp, đào tạo đội ngũ nhân sự mang đến hiệu quả kinh doanh tích cực và ngày càng đươc doanh nghiệp quan tâm.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu về nguồn nhân lực tại các DN hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút cần nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%; cao đẳng chiếm 17,04%; trung cấp chiếm 26,04%; sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201912/chat-luong-nguon-nhan-luc-viet-nam-xep-hang-thu-1112-quoc-gia-tai-chau-a-ec35837/