Chất lượng nước sông Sài Gòn- Đồng Nai ngày càng xấu

(VOH) - Nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, một trong những nguồn cung cấp nước chính cho gần 17 triệu dân và 12 tỉnh thành cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có nguy cơ ô nhiễm.

Những năm qua, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai phải “oằn mình” hứng chịu hàng triệu mét khối nước thải chứa tải trọng lớn của các chất độc hại phát sinh từ các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh, nước thải sinh hoạt, y tế, chuồng trại chăn nuôi…Tổng cục môi trường và tổng công ty cấp nước hệ thống sông Sài Gòn (Sawaco) đã nhận định: Chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng xấu đi. Nước sông Sài Gòn ngày càng đục. Trên bản đồ, lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai ôm gọn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Tp.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Những địa phương nầy cũng là những nơi có hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều và phát triển mạnh. Riêng sông Sài Gòn hứng tất cả chất thải từ các khu công nghiệp của Bình Dương. Hiện nay, tại lưu vực sông Đồng Nai có gần 10 ngàn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và có gần 70 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động. Trung bình mỗi ngày, sông Đồng Nai hứng gần 600 ngàn mét khối nước thải công nghiệp. Ông Bùi Thanh Giang - Nguyên giám đốc nhà máy nước Tân Hiệp -là nơi cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân tại các quận huyện của Tp HCM cho biết: Các nhà chuyên môn đã đi khảo sát các điểm quan trắc dọc sông Sài Gòn - Đồng Nai đều nhận thấy: Ngay ngã ba sông Đồng Nai có một kho xăng di động, nếu bất ngờ xảy ra sự cố, sẽ gây nhiễm xăng dầu bề mặt trên sông là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, dọc bờ sông Sài Gòn còn có các xí nghiệp, đơn vị kinh doanh khoai mì, các đơn vị chăn nuôi gia súc gia cầm, các khu bến bãi trên sông ở Thị xã Thủ Dầu Một, thị trấn Lái Thêu đều nằm ở hạ nguồn, dù nằm ngoài vùng đảm bảo vệ sinh, nhưng do lưu lượng chảy của sông Sài Gòn rất yếu, và đồng thời triều cường quá lớn, nên đã bị ô nhiễm tấn công. Ông Giang cho biết: Từ các số liệu quan trắc, xét nghiệm nguồn nước sông Sái Gòn - Đồng Nai thường xuyên trong 5 năm qua, ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc tổng công ty cấp nước Sài gòn -Sawaco nhận định: Các chỉ tiêu như: vi sinh, amoniac, chất hữu cơ, đều tăng nhanh và vượt chỉ tiêu cho phép hàng chục lần. Điều này gây không ít khó khăn và tốn kém cho hoạt động sản xuất của nhà máy xử lý nước. Trong khi đó, Sawaco đã tiêu tốn 4,5 tỷ đồng/ năm để xử lý đẩy mặn. Đến thời điểm này, chất lượng nước sinh hoạt vẫn đảm bảo vì Sawaco đã sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên, về lâu dài sẽ khó cầm cự, bởi tình hình ô nhiễm có chiều hướng gia tăng. Ông Châu đề xuất các ngành chức năng sớm có biện pháp kiểm tra, xử lý các khu công nghiệp gây ô nhiễm nước. Thường xuyên kiểm soát, quy hoạch các điểm xả thải tại các khu dân cư, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, không cấp phép mới cho các đơn vị sản xuất kinh doanh có xả thải vượt quá mức quy định gây ô nhiễm. Và buộc các cơ sở kinh doanh phải có giải pháp xử lý nước thải. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… kiểm tra xử lý các đơn vị gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng quan điểm nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: điều đáng quan ngại hiện nay là nguồn nước khu vực hạ lưu sông Đồng Nai đang có nguy cơ ô nhiễm nặng, đặc biệt là hệ thống kênh rạch nội thành, nội thị. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ, dầu mỡ, vi khuẩn. Hiện nay chưa thống kê được danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên sông Đồng Nai. Nhiều doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa kết nối vào hạ tầng chung của khu chế xuất - khu công nghiệp. Riêng Tây Ninh, nhiều doanh nghiệp sản xuất bột mì tiếp tục đe dọa nguồn nước sông Đồng Nai. Mặc dù từ năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã buộc tạm ngưng hoạt động công đoạn phát sinh nước thải của 11 doanh nghiệp gây ô nhiễm, nhưng đây chỉ là động thái muối bỏ bể. Đáng lo ngại là ô nhiễm vi sinh nghiêm trọng ở khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai. Tại khu vực này, hàm lương vi sinh trung bình đã vượt chỉ tiêu cho phép. Nói về sự phối hợp cho một hàng rào quản lý chung giữa các huyện và Sở Tài Nguyên môi trường hiện nay đối với các cơ sở kinh doanh, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND Thành phố cho biết: Tại trạm bơm nước thô ở huyện Củ Chi trong buổi giám sát, ông Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội Tp.HCM cho biết: Theo ông Trần Du Lịch, hiện nay, các cụm công nghiệp khu chế xuất mọc nhiều, nhưng cơ chế quản lý lỏng lẻo, và thiếu sự kiểm soát hệ thống xử lý nước thải, trong khi đó, các cơ sở kinh doanh quy hoạch lộn xộn, cơ sở nhuộm lại đặt ngay đầu nguồn, nếu vậy thì hạ nguồn sẽ phải hứng trọn các nguồn nước thải ra. Ông Trần Du Lịch đề nghị Ủy Ban bảo vệ môi trường sông Đồng Nai phải chế tài bằng cách đưa ra thời điểm yêu cầu doanh nghiệp xả nước thải đạt chuẩn ra sông. Theo Ông Bùi Cách Tuyến - tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường,thì nguồn nước ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm nặng.Theo ông Tuyến, dù Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đã được thành lập từ cuối năm 2008 và đưa ra 16 đề án khung để 12 tỉnh, TP trong lưu vực triển khai thành những dự án cụ thể nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Có những đề án được Thủ tướng duyệt 3.000-4.000 tỉ đồng nhưng Bộ Tài chính cho rằng dự án của địa phương thì không được dùng kinh phí trung ương, mà địa phương lấy đâu ra chừng đó tiền để làm ! Trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội - Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tp.HCM Bà Phạm Phương Thảo đã đề nghị: Tổng cục Môi trường nên sớm đề xuất chính phủ dành kinh phí cho hoạt động của Ủy Ban bảo vệ môi trường sông Sài Gòn - Đồng Nai. Bởi đây là các con sông huyết mạch của cả nước, cung cấp nước chính cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là sông Đồng Nai, Bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh: cần xem đề án sông Đồng Nai quan trọng như đề án quốc gia thì mới hy vọng giảm thiểu mức ô nhiễm nguồn nước./. Lệ Loan

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=17507