'Chất Nam Bộ làm nên sự ngọt ngào khác biệt của nhạc Lam Phương'

Là người thực hiện album nhạc Lam Phương gần nhất trước khi nhạc sĩ qua đời, Đức Tuấn cho rằng chính chất miền Tây, Nam Bộ đã làm nên sự ngọt ngào của âm nhạc Lam Phương.

Hồi tháng 6 năm nay, Đức Tuấn ra mắt album Trọn một kiếp yêu với 12 ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương được làm mới theo phong cách thính phòng, giao hưởng. Đây cũng là album gần nhất về nhạc Lam Phương trước khi nhạc sĩ qua đời vào ngày 22/12 (theo giờ địa phương).

Đức Tuấn gửi đến Zing những chia sẻ của anh về nhạc sĩ Lam Phương và âm nhạc của ông.

 Đức Tuấn là ca sĩ gần nhất thực hiện album nhạc Lam Phương. Ảnh: NVCC.

Đức Tuấn là ca sĩ gần nhất thực hiện album nhạc Lam Phương. Ảnh: NVCC.

Lam Phương chạm đến từng ngóc ngách nhỏ

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi viết nhạc trữ tình hay nhất ở Việt Nam. Ông là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều và có số lượng bài đồ sộ, trong đó nhiều bài là bất hủ, được nhiều người yêu thích, được hát mỗi ngày ở nhiều nơi.

Nhạc sĩ Lam Phương là người miền Tây. Khi hát nhạc Lam Phương, tôi cảm nhận rất rõ chất miền Tây, chất Nam Bộ trong âm nhạc của ông. Chất dân dã của miền Tây khi kết hợp với chất liệu âm nhạc phương Tây đã làm nên thương hiệu riêng Lam Phương.

Nếu Phạm Duy vận dung tinh hoa Bắc Bộ vào những sáng tác của mình, Lam Phương đã khéo léo đưa vào những nét riêng Nam Bộ để làm nên những bản nhạc trữ tình ngọt ngào. Những tác phẩm của ông được số đông khán giả đại chúng yêu thích mà vẫn chiều lòng được giới chuyên môn, người nghe nhạc khó tính. Đó là điểm đặc biệt của Lam Phương.

Và cũng như nhiều nhạc sĩ lớn của Việt Nam, Lam Phương là một người có ngòi bút rất lãng mạn. Nhưng đằng sau sự lãng mạn luôn chất chứa những nỗi buồn của riêng mình.

Qua những ca khúc của Lam Phương, tôi cảm nhận ông là yêu rất nhiều nhưng cũng vẫn cô đơn và có cả một chút dằn vặt trong đó. Nhiều ca khúc của ông chạm đến trái tim khán giả vì dễ đồng cảm, chuyện của ông nhưng người hát, người nghe cảm thấy như câu chuyện của mình trong đó.

Nhạc sĩ Lam Phương nổi tiếng với những sáng tác trữ tình.

Tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương bên ngoài thấy ông vô cùng hiền lành, lạc quan, yêu đời, luôn nở nụ cười trên môi. Nhưng ẩn sau đó vẫn là những nỗi niềm chất chứa. Những nỗi niềm cá nhân, gần gũi bình dị nhưng có thể chạm đến những ngóc ngách nhỏ nhất trong cảm xúc của con người.

Đề tài nào cũng tìm thấy trong âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương. Ông sở hữu gia tài sáng tác đồ sộ. Do vậy, sự ra đi của nhạc sĩ thực sự là một mất mát lớn, gây hụt hẫng đối với những người yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật.

Lam Phương ủng hộ làm mới âm nhạc

Tôi có nhiều lần gặp nhạc sĩ Lam Phương, được nghe ông kể về những bài hát nổi tiếng. Khi đó, tôi chỉ biết ngồi say sưa. Tôi không cố ghi nhớ điều gì nhưng những chia sẻ của ông luôn khiến tôi rung động.

Tôi từng nghe nói nhạc sĩ Lam Phương là người khó tính nhưng gặp ông vào những năm sau này, tôi cảm nhận được rằng nhạc sĩ luôn ủng hộ tinh thần làm mới trong âm nhạc.

Nhạc sĩ Lam Phương rất tâm đắc với những gì mới mẻ. Khi album Trọn một kiếp yêu với 12 ca khúc của ông được tôi làm mới theo phong cách thính phòng, ông ưng thuận. Album này tôi có kết hợp với Ngọc Khuê, Hồng Nhung, nhạc sĩ thú thật rằng ông không biết hai nữ ca sĩ nhưng rất ấn tượng, ông bảo: “Cô ca sĩ nào mà hát hay vậy”.

Gặp nhạc sĩ từ những 2009-2010, tôi nhớ mãi lời khuyến khích của ông. Chính nhạc sĩ Lam Phương là người gợi ý cho tôi làm một album những sáng tác của ông theo phong cách thính phòng, là lý do Trọn một kiếp yêu ra đời vào năm nay.

Đức Tuấn thăm nhạc sĩ Lam Phương trong một chuyến lưu diễn ở Mỹ. Ảnh: NVCC.

Tôi tiếc nuối vì dịch nên chưa thể gửi tận tay CD cho nhạc sĩ dù ông đã được nghe 12 ca khúc từ trước đó.

Tôi biết ông luôn muốn được trở lại Việt Nam nhưng bây giờ ước nguyện chưa được trọn vẹn.

Nhớ về Lam Phương là nhớ về những ca khúc được biết bao thế hệ khán giả yêu mến. Có người hỏi tôi: “Tại sao Thành phố buồn lại có sức sống lâu bền và được yêu thích như vậy?”, tôi trả lời rằng: “Vì hay. Âm nhạc đơn giản lắm, chỉ cần hay là sống mãi. Hay là chạm đến trái tim người nghe, hay thì mới có thể trường tồn”.

Lam Phương với những ca khúc có giai điệu cuốn hút, ca từ gần gũi, tế nhị như Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Biển tình… sẽ còn “đốn ngã” trái tim nhiều người nghe.

Nhạc sĩ Lam Phương (sinh ngày 20/3/1937) tại Kiên Giang, tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ra trong một gia đình có 5 người con. Năm 10 tuổi, ông lên TP.HCM để theo con đường âm nhạc.

Gia tài đồ sộ của Lam Phương gồm hơn 200 tác phẩm với những ca khúc quen thuộc như Thành phố buồn, Cỏ úa, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc, Mưa lệ, Chờ người, Thu sầu, Xin thời gian qua mau, Như giấc chiêm bao...

Năm 1975, ông theo gia đình sang Mỹ định cư. Những năm cuối đời, sức khỏe của nhạc sĩ Lam Phương yếu, phải ngồi xe lăn.

Ông qua đời tại Mỹ vào ngày 22/12 (theo giờ địa phương), hưởng thọ 83 tuổi.

Ca sĩ Đức Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chat-nam-bo-lam-nen-su-ngot-ngao-khac-biet-cua-nhac-lam-phuong-post1166521.html