Chất thải độc hại hay nguyên liệu sản xuất?

Với lượng tro, xỉ rất lớn phát sinh hằng năm từ các nhà máy nhiệt điện than (NĐT), nếu được xử lý tốt để sử dụng sản xuất vật liệu xây dựng, phụ gia phối trộn... thì mỗi năm, Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm héc-ta diện tích làm bãi chứa giúp giảm ô nhiễm môi trường...

Vẫn khó tìm đầu ra

Theo Bộ Công Thương, hằng năm, lượng tro, xỉ phát sinh từ 23 nhà máy NĐT đang vận hành khoảng 12,2 triệu tấn. Trong năm 2017, tiêu thụ tro, xỉ từ các nhà máy NĐT trong cả nước chỉ đạt gần 4 triệu tấn, lượng tồn kho hiện lên đến 25,2 triệu tấn.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa: Tổng nhu cầu than cho sản xuất điện của cả nước đến năm 2020 khoảng 63 triệu tấn, năm 2025 là 95,4 triệu tấn và năm 2030 là 128,4 triệu tấn, tương đương tổng lượng tro, xỉ thải ra là 15,09 triệu tấn (năm 2020), 17 triệu tấn (năm 2025) và 20,58 triệu tấn (năm 2030). Vì vậy, để bảo đảm cho các nhà máy NĐT hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro, xỉ đang tiếp tục phát sinh và còn tồn đọng hiện nay. “Trên thế giới, tro, xỉ từ nhà máy NĐT hầu như được tận dụng hết để sản xuất vật liệu xây dựng. Nhật Bản sử dụng 100% tro, xỉ; Hàn Quốc sử dụng hơn 95%. Nhiều nước còn phải nhập khẩu tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Tại Việt Nam, trong vài năm tới, nếu không có giải pháp giải quyết đồng bộ, nguy cơ lượng tro, xỉ gia tăng tới mức không còn chỗ để chứa”, ông Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.

 Xưởng sản xuất gạch, ngói không nung từ vật liệu tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than tại Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền, Quảng Ninh.

Xưởng sản xuất gạch, ngói không nung từ vật liệu tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than tại Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền, Quảng Ninh.

Sở hữu 12 nhà máy NĐT đang vận hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tổng khối lượng than sử dụng cho 12 nhà máy này trung bình mỗi năm khoảng 34 triệu tấn; lượng tro, xỉ phát sinh là 8,1 triệu tấn/năm. Hiện nay, khối lượng tro, xỉ đang lưu giữ tại các nhà máy NĐT là gần 15 triệu tấn. Trong đó, việc tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy khu vực phía Bắc đã được thực hiện từ lâu, tương đối ổn định, điển hình như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã tiêu thụ hết hoàn toàn. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực như Quảng Ninh và phía Nam, các nhà máy NĐT vẫn gặp khó khăn, khối lượng tro, xỉ được tiêu thụ vẫn chưa đáng kể.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Đề cập tới nguyên nhân lượng tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy NĐT còn thấp, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nguyên nhân nổi cộm nhất là do thiếu cơ sở pháp lý và chính sách cụ thể hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ xử lý nguồn tro, xỉ. Trong đó đáng chú ý, hiện nay chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ, về các sản phẩm được sản xuất từ tro, xỉ và nếu vẫn quy định tro, xỉ là chất thải nguy hại thì rất khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sản xuất từ loại vật liệu này.

Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, nêu rõ: “Về chất lượng tro, xỉ, doanh nghiệp đang gặp khó vì không có chỉ dẫn, hiện vẫn quy định đây là chất thải nguy hại. Khi xuất hàng, doanh nghiệp phải kiểm tra mỗi container, điều này mất rất nhiều chi phí và thời gian để kiểm tra mẫu". Theo ông Kiều Văn Mát, tro, xỉ thải của các nhà máy NĐT cần được xử lý bảo đảm các yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Để làm được điều đó, các bộ, ngành liên quan cần có quy định, quy chuẩn rõ ràng đây là loại chất thải tái sản xuất, đưa vào sử dụng vật liệu không nung hoặc phụ gia bê tông, xi măng. Khi có quy định, quy chuẩn rõ ràng thì mới có thể gỡ vướng cho doanh nghiệp. Cùng với đó, nên có chính sách ưu đãi vốn vay, thuế, như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hay miễn thuế VAT trong những năm đầu dự án… Đồng thời, nên quy định các đơn vị xử lý tro, xỉ thải của các nhà máy điện được hưởng một phần chi phí chôn lấp. Còn ông Vũ Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền-đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ tro, xỉ-cho hay: "Để nhân rộng sản phẩm gạch không nung ra thị trường, chúng tôi rất cần vay vốn ưu đãi; đặc biệt, cần quy định tro, xỉ thuộc diện hàng hóa chứ không thể là chất thải cần xử lý".

Có cùng quan điểm, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh nêu rõ, tro, xỉ không phải là nguồn chất thải nguy hại, chủ yếu được tái sử dụng làm phụ gia sản xuất bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể, như cơ quan quản lý Nhà nước, chủ các nhà máy nhiệt điện, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ... Các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, ban hành các quy định khuyến khích thị trường vật liệu xây dựng sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ. Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chat-thai-doc-hai-hay-nguyen-lieu-san-xuat-547135