Chật vật vì công trình cấp nước quá tải

Nhiều tháng qua, công trình cấp nước sinh hoạt xã Điện Hồng (Điện Bàn) thường xuyên quá tải, hỏng hóc khiến việc cấp nước sinh hoạt cho gần 500 hộ dân bị đảo lộn. Hệ thống cấp nước hay bị gián đoạn, tắc nguồn, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân trong vùng.

Công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã Điện Hồng không đủ công suất cấp nước vào dịp cao điểm, ngày lễ tết khiến người dân chật vật. Ảnh: P.P

Giữa những ngày nắng nóng, hàng trăm nhà dân của hai thôn Lạc Thành Nam, Lạc Thành Tây (xã Điện Hồng) thỉnh thoảng lại không có nước sử dụng. Bà Ngô Thị Bé (thôn Lạc Thành Nam) cho biết: “Khu vực này nguồn nước ngầm bị suy kiệt, nhiễm phèn nặng, đóng giếng cũng không dùng được nên nhiều hộ phải bắt nước sạch sử dụng nhiều năm nay. Cứ một tuần lại xảy ra cảnh cúp nước một lần, có bữa cúp nước nguyên một ngày khiến cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn. Những bữa có nước nhưng rất yếu, dù có dự trữ cũng chẳng ăn thua so với nhu cầu của một gia đình”. Cũng theo bà Bé, để có nước sử dụng ở những ngày nắng nóng, bà phải canh tầm 12 giờ khuya và gần sáng bơm mới có nhiều nước, rất bất tiện.

Ông Nguyễn Thực, người phụ trách vận hành công trình cấp nước ở thôn Lạc Thành Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt thường xuyên nguồn nước sinh hoạt ở cao điểm nắng nóng thời gian qua là do nguồn nước ngầm suy kiệt, nhu cầu sử dụng của người dân lớn mà công suất của công trình cấp nước lại có hạn (6m3 nước/giờ). Nhiều hộ dân sử dụng máy hút nước về nhà cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn cục bộ nguồn nước ở một số nơi.

“Do công suất quá nhỏ, máy móc hoạt động quá tải thường xuyên nên nhanh hư hỏng, xuống cấp. Khi muốn sửa hay thay cũng khó vì tốn kém, ảnh hưởng tới việc cấp nước của 2 thôn. Doanh thu tiền nước mỗi tháng chỉ tầm 16 triệu đồng hiện nay là quá thấp, chỉ đủ đơn vị hoạt động cầm chừng. Nếu đầu tư xây bể nước, nâng cấp công trình phải tốn khoảng 400 triệu đồng. Chúng tôi có kiến nghị lên trên nhưng không có nguồn” - ông Thực nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đổng, người trực tiếp quản lý công trình nước sinh hoạt ở thôn Lạc Thành Nam, ban đầu khi xây dựng công trình đã tính toán đến số lượng người dùng. Với khoảng 500 hộ dân, công suất cấp nước từ công trình vừa đủ. Bây giờ, có người dùng 30m3 nước/tháng nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước liên tục. Cũng theo ông Đổng, đây là công trình cấp nước có công suất và đường ống nhỏ, cùng với đó, nhiều hộ dùng máy hút nước về thì không thể nào cung ứng đủ. Thôn đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng thêm máy hút để tránh ảnh hưởng đến các hộ khác nhưng người dân vẫn không tuân thủ.

“Đây là công trình được xây dựng từ nguồn phi chính phủ nên khi thực hiện, kinh phí có hạn, không đủ để làm đường ống lớn phục vụ người dân. Hệ thống công nghệ xử lý, lọc nước còn lạc hậu, thủ công, phải qua 3 bể lọc mới có nước để dùng, nước xuống chậm nên không đủ đáp ứng cho người dân. Nhiều ngày nay, tôi liên tục nhận điện thoại từ người dân vì thiếu nước nhưng tôi cũng bất lực trước tình hình này” - ông Đổng nói.

Ông Lê Đắc Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, hiện xã có một công trình cấp nước sinh hoạt duy nhất phục vụ cho 500 hộ dân thuộc 2 thôn Lạc Thành Nam, Lạc Thành Tây, 11 thôn còn lại vẫn chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước từ giếng đóng, giếng đào không đảm bảo chất lượng. Thôn Lạc Thành Nam được xác định có nguồn nước nhiễm phèn nặng nên được xã ưu tiên xây dựng công trình cấp nước phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, công trình đã nhiều năm hoạt động nên thường xuyên hư hỏng, trục trặc ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Do nhu cầu sử dụng quá lớn nên thường quá tải, thiếu hụt nước vào các dịp lễ lớn, giờ cao điểm. Để khắc phục, xã đã nỗ lực tìm và hợp tác với các đơn vị chủ đầu tư cấp nước ở nhiều địa phương nhưng chưa có kết quả.

TR.NHAN - P.PHƯƠNG

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/201907/chat-vat-vi-cong-trinh-cap-nuoc-qua-tai-864675/