Chật vật với chuẩn đầu ra tiếng Anh

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) đều quy định sinh viên tốt nghiệp bắt buộc phải đạt các chuẩn đầu ra ngoại ngữ (tiếng Anh) như TOEIC, TOEFL, TOEFL iBT, IELTS… Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên lại lơ là với chuẩn này và khi 'nước đến chân' mới chịu học.

Mỗi trường mỗi chuẩn

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho hay: “Trước năm 2015 trường áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC 450, sinh viên ra trường thì thường bị doanh nghiệp… chê. Từ khóa 2016, khi trường áp dụng TOEIC 500 và TOEIC 550 ở khóa 2017 đã nhận được phản hồi tích cực hơn. Cùng với đó, lương của sinh viên khi ra trường cũng được tăng lên nhờ làm việc cho các công ty nước ngoài. Hiện nay, sinh viên vướng chuẩn đầu ra tiếng Anh chỉ ở mức 10%”.

Có được kết quả đó, theo ông Dũng, là nhờ trường thuê hẳn công ty quốc tế đánh giá đầu vào và đầu ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, một lượng lớn sinh viên các trường ĐH hiện nay đang phải chật vật với chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, trường đang áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh là TOEIC 450 - 600.

Thời gian đầu, khi đưa vào áp dụng gây nhiều khó khăn cho sinh viên. Trường còn phát hiện nhiều sinh viên đối phó bằng cách nộp chứng chỉ TOEIC giả.

Sinh viên chương trình chất lượng cao của ĐH Quốc gia TPHCM trong giờ học với giảng viên nước ngoài

Tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), đại diện trường cho biết, kết quả khảo sát trình độ tiếng Anh sinh viên năm nhất cho thấy 10% đạt trình độ A2, 30% đạt A1 và 60 xếp loại A0.

Trong khi thời lượng dành cho giảng dạy ngoại ngữ quá ít, từ A2 lên B1 có 7 tín chỉ, nhưng chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên phải đạt trình độ B1.

Trường ĐH Nông lâm TPHCM áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD-ĐT, tương đương cấp độ B1 và đạt các chứng chỉ như TOEFL 450, TOEFL iBT 57, IELTS 4.5, PET 70, BULATS 40, do Trung tâm Ngoại ngữ của trường xác nhận.

Thống kê cho thấy, năm 2017 có 41 sinh viên bị buộc thôi học vì nợ chuẩn tiếng Anh quá thời hạn quy định; năm 2018 có 392 sinh viên vẫn đang trả nợ môn tiếng Anh, dự kiến 182 sinh viên có thể bị buộc thôi học.

Với ĐH Quốc gia TPHCM, thống kê từ tháng 9-2013 đến 30-6-2017, qua 105 kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp chứng chỉ VNU-ETP cho hơn 20.000 sinh viên, chỉ có 10% - 15% sinh viên đạt chuẩn.

Đối với hệ sau ĐH, tỷ lệ học viên cao học chưa đáp ứng chuẩn trình độ tiếng Anh để tốt nghiệp có xu hướng tăng dần theo các khóa, năm 2013 là 41% và năm 2015 là 50,8%.

Phải theo chuẩn quốc tế

Tại cuộc họp mổ xẻ những bất cập về chuẩn ngoại ngữ của ĐH Quốc gia TPHCM, có một thực tế được các đại biểu nêu lên là: Chứng chỉ VNU-ETP dù lệ phí thi rất thấp so với các chứng chỉ quốc tế khác nhưng doanh nghiệp không chấp nhận.

Một bất cập khác, đó là ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng khung đánh giá năng lực B1 và phiên ra các chứng chỉ tương đương TOEIC 450, IELTS 4.0 nhưng lại quy định cứng nhắc là 2 kỹ năng (nghe, đọc) hay 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết).

Trong khi đó, các nghiên cứu của Mỹ đã chứng minh, đối với mức năng lực 550 (quy theo mức điểm TOEIC) mới khuyến khích áp dụng 4 kỹ năng.

Về vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, phân tích: “Chúng ta đề ra định hướng dẫn đầu trong việc hội nhập quốc tế mà sinh viên nói không ra tiếng Anh thì không thể chấp nhận được. Do đó, từ năm 2018, chuẩn đầu ra tiếng Anh cần đảm bảo 4 kỹ năng theo chứng chỉ TOEIC. Trong đó, sinh viên tốt nghiệp ĐH cần đạt tối thiểu 450 điểm TOEIC, riêng mức điểm cho phần nói - viết phải đạt 181 điểm”.

Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trao đổi học tiếng Anh tại Trung tâm Thư viện ĐH Quốc gia TPHCM

PGS-TS Đỗ Văn Dũng thẳng thắn đánh giá: “Sinh viên tốt nghiệp mà không rành ngoại ngữ là còn mù chữ. Tiếng Anh tốt sẽ giúp cho việc tự học. Đồng thời, nếu trình độ ngoại ngữ tốt, giúp lao động tham gia và cạnh tranh với thị trường lao động của khu vực và thế giới. Nhưng, để trang bị tốt ngoại ngữ cho sinh viên thì phải có quyết tâm của các cơ sở đào tạo, phải làm theo chuẩn của quốc tế”.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết: “Chính sách và quyết tâm của nhà trường là yếu tố quan trọng. Trường đã tăng tín chỉ ngoại ngữ từ 4 lên 12 tín chỉ. Tất cả chương trình tiếng Anh đều dành 1/3 thời lượng cho giảng viên bản xứ giảng dạy. Nhà trường xem tiếng Anh là kỹ năng chứ không phải là môn học tích lũy như trước đây”.

Đại diện nhiều trường cho hay, với các trường hợp là sinh viên sử dụng chứng chỉ giả, hậu quả sẽ là bị kỷ luật tới mức đuổi học. Thậm chí, nhiều trường ĐH hiện nay còn sử dụng biện pháp rất khắt khe như bị cấm thi từ 1 - 2 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sinh viên có nguy cơ bị hủy kết quả học tập.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chat-vat-voi-chuan-dau-ra-tieng-anh-553036.html