ChatGPT có thể thay thế con người?

ChatGPT mới ra mắt đã gây 'bão' trên toàn cầu về khả năng 'trả lời mọi thứ như người thật' khiến nhiều ý kiến cho rằng nó có thể thay thế con người trong tương lai.

Trong một thảo luận trực tuyến với các nhà lãnh đạo và nhà đổi mới toàn cầu (Collective[i] Forecast), ông Yann LeCun - nhà khoa học trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đứng đầu nhóm nghiên cứu AI của Meta cho biết, ChatGPT của OpenAI không phải là bước đột phá, hay công nghệ mới. Google, Meta và hàng chục công ty khởi nghiệp công nghệ cũng sở hữu các sản phẩm tương tự với nhiều cấp độ khác nhau.

"Xét về các yếu tố kỹ thuật cơ bản, ChatGPT chẳng mang tới đổi mới đặc biệt nào", ông Yann LeCun nói. Ông Yann LeCun được xem là chuyên gia đầu ngành trong phát triển công nghệ AI. Ông nổi tiếng với công trình nghiên cứu về mạng thần kinh tích chập (CNN) – nền tảng tiên tiến nhất cho phép AI có thể học hỏi như con người trong quá trình xử lý và đưa ra dữ liệu.

Giáo sư Yann LeCun - nhà khoa học trí tuệ nhân tạo (AI) đang đứng đầu nhóm nghiên cứu AI của Meta.

Giáo sư Yann LeCun - nhà khoa học trí tuệ nhân tạo (AI) đang đứng đầu nhóm nghiên cứu AI của Meta.

Có thể thay thế con người không?

Theo tờ Guardian, sự xuất hiện của ChatGPT khiến nhiều người có suy nghĩ các ngành nghề phụ thuộc vào sản xuất nội dung có thể trở nên lỗi thời, từ giáo sư, biên kịch, lập trình viên cho đến các nhà báo… và một số nghề nghiệp khác.

Suy nghĩ này đến từ việc ChatGPT có khả năng viết truyện ngắn, trả lời các bài toán, viết mã, đưa ra lời khuyên và thậm chí hỗ trợ làm bài tập vượt qua kỳ thi MBA. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, chatbot AI này vẫn thiếu kỹ năng tư duy phản biện hoặc khả năng nhận định đúng sau cần thiết.

Trong khi đó kho dữ liệu của ChatGPT chỉ mới được cập nhật đến năm 2021. Do đó nó không thể trả lời hết tất cả các câu hỏi.

Những giới hạn về nhận thức đúng, sai của ChatGPT dựa trên dữ liệu nó sử dụng có thể khiến chatbot AI này đưa ra những câu trả lời sai hoặc thông tin sai lệch.

Bản thân OpenAI cũng từng lên tiếng thừa nhận rằng, một số câu trả lời của ChatGPT nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa.

OpenAI nói rằng việc khắc phục vấn đề này rất khó vì không có nguồn dữ liệu đủ tin cậy để ChatGPT có thể máy học và trong khi việc kiểm duyệt nội dung từ chatbot này có thể gây hiểu lầm “vì câu trả lời lý tưởng phụ thuộc vào những gì hệ thống biết, hơn là những gì người dùng biết”.

Tuy nhiên, những gì mà ChatGPT làm được vẫn thực sự ấn tượng, nếu không muốn nói là đáng kinh ngạc. Điều quan trọng là không bị cuốn theo sự cường điệu về nó như một số người đã làm. Hiện tại, không có lý do gì để nghĩ rằng ChatGPT sẽ khiến những người như nhà phát triển và nhà văn mất việc, ít nhất trong tương lai gần.

Công nghệ tạo ChatGPT không phải cách mạng

Theo chuyên gia Yann LeCun, những điều ChatGPT làm được không có gì mang tính cách mạng, dù đó là cách mà công chúng nhìn nhận nó. Đơn giản Chatbot AI này là sự kết hợp giữa nhiều nền tảng và nó hoạt động tốt.

Các hệ thống AI dựa trên dữ liệu như vậy được phát triển trước đây bởi nhiều công ty và phòng nghiên cứu. Theo đó, các ý kiến cho rằng OpenAI đang 'đơn thương độc mã' trong mảng phát triển chatbot AI nói riêng là không chính xác.

"Không chỉ Google và Meta, mà còn nửa tá công ty khởi nghiệp về cơ bản có công nghệ rất giống với OpenAI. Tôi không muốn nói công nghệ này không khó để phát triển, nhưng nó thực sự được chia sẻ rộng rãi, không có bí mật nào đằng sau nó, bạn hoàn toàn có thể tiếp cận chúng nếu muốn", chuyên gia này cho biết.

Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI tại Meta, ChatGPT và Open GPT 3 - mô hình ngôn ngữ chatbot này được phát triển dựa trên nhiều thành phần công nghệ được các bên phát triển suốt nhiều năm.

"Bạn phải nhận ra rằng ChatGPT sử dụng kiến trúc Transformer đã được đào tạo trước theo cách tự giám sát này".

"Việc AI tự học có giám sát là điều mà tôi ủng hộ từ lâu, ngay cả trước khi OpenAI tồn tại", ông nói.

Công nghệ của ChatGPT dường như đang bị thổi phồng và nó chưa thế thay thế con người.

Kiến trúc học sâu Transformer là phát minh của Google. Đây là mạng thần kinh ngôn ngữ được Google trình làng vào năm 2017, vốn nhanh chóng trở thành cơ sở cho một loạt các mô hình ngôn ngữ, gồm cả ChatGPT.

Bản thân việc nghiên cứu và phát triển các mô hình ngôn ngữ như vậy đã có từ nhiều thập kỷ trước. Theo đó, Mô hình ngôn ngữ Lớn – tên gọi của mô hình ngôn ngữ mạng lưới thần kinh đầu tiên là của Yoshua Bengio, ra mắt khoảng 20 năm trước. Yoshua Bengio cũng chính là người đứng đầu Mila - Viện AI Quebec là viện nghiên cứu ở Montreal, Quebec, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu trong lĩnh vực máy học.

Mô hình ngôn ngữ do Yoshua Bengio tạo ra đã thu hút được sự chú ý của giới công nghệ thời điểm bấy giờ. Sau đó, mô hình này cũng được Google chọn làm nền tảng để tạo nên kiến trúc Transformer, và trở thành một yếu tố then chốt trong tất cả các mô hình ngôn ngữ.

Với riêng ChatGPT, chatbot AI của OpenAI đã sử dụng rộng rãi một kỹ thuật gọi là học tăng cường thông qua phản hồi của con người. Điều này có nghĩa, người dùng đưa ra các đánh giá về kết quả đầu ra, sau đó AI sẽ tự kiểm điểm và cải thiện, tương tự như tính năng Page Rank (Xếp hạng trang) của Google cho web. Theo ông LeCun, công ty đầu tiên tiên phong trong cách làm này chính là DeepMind của Google, thay vì OpenAI.

"Vì vậy, có cả một lịch sử đằng sau sự phát triển của AI, và ChatGPT không tự nhiên xuất hiện từ hư không", ông LeCun nói.

Trà Khánh(Nguồn: Forbes/ Guardian)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chatgpt-co-the-thay-the-con-nguoi-ar739195.html