Châu Á chiếm 70% trong Top 100 nhật báo bán chạy nhất thế giới

Các biên tập viên, GĐ điều hành cơ quan báo chí, nhà phân tích nói rằng thu nhập tăng, trình độ dân trí được nâng cao đang kích thích sự phát triển của báo chí trong khu vực châu Á.

ca251 Khi nền công nghiệp báo chí Mỹ bị suy yếu, các đối thủ ở châu Á lại đang vươn dậy mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN) có trụ sở ở Pháp, châu Á chiếm tới 70% trong 100 nhật báo bán chạy nhất thế giới và 3 thị trường báo chí lớn nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng nằm trong khu vực này. Năm 2006, lượng phát hành báo chí ở châu Á tăng 3,6%, so với 2% sụt giảm ở Bắc Mỹ. Cục Phát hành báo chí Mỹ cho biết, từ năm 1985 đến nay, lượng phát hành báo in ở Mỹ đã giảm hơn 30%. “Báo chí chưa bao giờ có nhiều quyền lực và được phổ biến rộng rãi như hiện nay tại châu Á”, Shelia Coronel, Giám đốc Trung tâm Báo chí điều tra tại Đại học Columbia, phát biểu trong hội nghị báo chí do Trung tâm Đông Tây (Mỹ) tổ chức gần đây. Nền công nghiệp báo chí cũng mang lại nguồn thu từ quảng cáo với sự bùng nổ của tầng lớp độc giả thành thị có thu nhập và trình độ học vấn cao. Tại Ấn Độ, doanh thu quảng cáo báo chí tăng 85% trong khoảng thời gian từ 2001 tới 2006 trong khi lượng phát hành tăng 54%. Các biên tập viên cho biết sự phát triển của báo điện tử bắt đầu ảnh hưởng đến doanh thu của báo in tại những thị trường đã “chín” như Hàn Quốc, Đài Loan, nơi tầng lớp độc giả trẻ đang có xu hướng chuyển sang đọc báo trên mạng internet và đòi hỏi nội dung sống động hơn. Báo chí chính thống cũng đối mặt với thách thức từ giới blogger và báo chí công dân tại những thị trường như Myanmar, nơi các tờ báo do nhà nước kiểm soát chưa đáp ứng tốt nhu cầu độc giả và Malaysia, nơi các tập đoàn báo chí tư nhân thường gắn với đảng phái chính trị. Trên toàn khu vực châu Á, nhu cầu của công chúng đối với tin tức ngày càng cao cùng sự lan rộng của internet, email (thư điện tử), truyền hình cáp. Đây chính là điều kiện cho các tờ báo mới xuất hiện và làm sống lại những ấn phẩm phải đình bản trước đây. Kamal Siddiqi, biên tập viên nhật báo tiếng Anh The News (Pakistan), cho biết: “Trong 5 năm qua với việc báo chí phát thanh bùng nổ và thường thực hiện chương trình trực tiếp, nhu cầu về tin tức cũng gia tăng mạnh mẽ”. Kamal ước tính có hơn 100 tờ báo buổi chiều được xuất bản chỉ riêng ở Karachi (Pakistan), trong số này có nhiều ấn phẩm mới xuất hiện. Cùng sự gia tăng về số lượng, báo chí châu Á ngày càng theo sát đòi hỏi của thị trường. Với lĩnh vực thu hút nhiều người quan tâm, các kênh truyền hình tin tức, báo điện tử luôn đưa tin nhanh hơn. Trong khi đó nhiều tờ báo in cũng ưu tiên cho những câu chuyện về người nổi tiếng… Sự bùng nổ của báo chí Ấn Độ từ năm 2001 gắn liền với bước đột phá của một số tờ báo trong việc đưa tin tức sát với nhu cầu độc giả. Tại Trung Quốc, thị trường báo chí lớn nhất thế giới, khi nhà nước cắt trợ cấp, các tờ báo buộc phải cạnh tranh với nhau để thu hút độc giả. Điều này giúp nâng cao chất lượng cho các tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại. Báo chí công dân đang phát triển mạnh ở Hàn Quốc với tờ báo điện tử Ohmynews nổi tiếng nhất hiện nay, thu hút khoảng 40.000 nhà báo và mang lại doanh thu quảng cáo lớn. Tuy nhiên, lượng phát hành báo in ở Hàn Quốc vẫn tăng 19% trong giai đoạn 2001 – 2006. Ngạc nhiên lớn nhất trong làng báo châu Á là ở Nhật Bản. Lượng phát hành báo in ở Nhật Bản giảm trong những năm gần đây, nhưng nước này vẫn đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người dân đọc báo. Theo truyền thống, người sở hữu báo chí ở Nhật Bản thường bị sức ép của các cổ đông trong việc đầu tư cho báo chí. Trái lại, các tập đoàn báo chí Mỹ sẽ bị co lại nếu không đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29503-chau-a-chiem-70-trong-top-100-nhat-bao-ban-chay-nhat-the-gioi