Châu Á đang dẫn đầu thế giới trong việc ngăn chặn bảo hộ lan tràn như thế nào?

Cách tiếp cận của chính phủ các nước châu Á rất đáng chú ý bởi đã chọn con đường được đánh giá cao: dùng sự hợp tác để đáp lại xung đột.

Khi mà cuộc chiến thương mại đầy nguy hiểm do Tổng thống Mỹ Donald Trump “khai hỏa” ngày một căng thẳng hơn, các nước trên toàn cầu đối diện với áp lực phải phản ứng. Cho đến nay, chính sách tốt nhất đến từ các nền kinh tế châu Á.

Chính phủ các nền kinh tế châu Á đưa ra ba dự án chính sách thương mại quy mô lớn. Những quy định mới về thương mại đang tạo ra nhiều khối liên minh mới để đấu tranh giữ lại hệ thống thương mại được quản lý bởi luật lệ, theo khẳng định của Nikkei trong bài báo mới đây.

Cách tiếp cận của chính phủ các nước châu Á rất đáng chú ý bởi đã chọn con đường được đánh giá cao: dùng sự hợp tác để đáp lại xung đột. Trong động thái mới nhất, chính phủ Nhật và chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã ký hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện.

Vài tuần trước đó, Bộ trưởng Thương mại các nước thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đồng ý sẽ đưa ra một số kết quả tích cực trong năm nay để hướng đến một hiệp định thương mại ban đầu.

Các nhà đàm phán sẽ sớm bắt đầu làm việc để mở rộng hiệp định CPTPP cùng với Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và tất cả những nước có quan tâm.

Cho đến mãi gần đây, các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng các sáng kiến trên không quá bức thiết. Họ cho rằng những lời đe dọa của Tổng thống Trump chống lại hệ thống thương mại toàn cầu chỉ giống như chiến lược đàm phán. Họ tin rằng các quan điểm dân túy cuối cùng sẽ nhường chỗ cho những giải pháp trong thế giới thực.

Thế nhưng cuối cùng họ đã nhầm. Chính sách thương mại Mỹ đã đảo chiều. Tổng thống Trump quyết định đánh thuế cao mà không cần quan tâm đến luật lệ quốc tế, thuế của Mỹ áp với hàng nghìn loại mặt hàng đến từ nhiều nước được điều chỉnh tăng đáng kể.

Phía Mỹ đã khiến cho nhiều đối tác thương mại phải đưa ra các thay đổi chính sách tiêu cực. Tổng thống Trump đã chỉ trích thậm tệ EU về thuế giá trị gia tăng, phản đối Canada về chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp còn phản đối Trung Quốc khi nước này cố gắng phát triển công nghệ.

Chiến lược của nước Mỹ dường như chỉ tạo ra thêm sự đối đầu chứ không phải sự hợp tác. Trump và những nhà tư vấn cho ông dường như thực sự tin rằng nước Mỹ sẽ có thể chiến thắng bằng chính sách bảo hộ sâu rộng.

Trên thực tế, việc bỏ đi các chính sách thương mại sẽ khiến cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ phải trả giá đắt; General Motors, những người nông dân trồng đậu tương Mỹ, Apple và nhiều doanh nghiệp khác đang cố gắng lên tiếng. Một hệ thống toàn cầu bị mất chức năng của nó sẽ gây hại đến những nền kinh tế định hướng thương mại trên khắp thế giới, trong đó có cả các nền kinh tế đang phát triển quy mô trung bình và quy mô nhỏ.

Điều đó lý giải tại sao các phản ứng chính sách đầy tính xây dựng của châu Á rất quan trọng. Các nền kinh tế châu Á đang xây dựng các quan hệ đối tác trên khắp thế giới dựa trên quan hệ thương mại cải thiện dựa trên mối liên minh đầy tham vọng để kết nối những nền kinh tế định hướng thương mại trên khắp thế giới. Đây chính là những gì cần thiết để ngăn làn sóng bảo hộ.

Theo nghiên cứu của Nikkei, thu nhập thực của các nước thành viên CPTPP vào năm 2030 sẽ cao hơn thực tế đến 157 tỷ USD nhờ vào tính hiệu quả và cạnh tranh mà chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại theo các thỏa thuận. Nếu thỏa thuận trên có sự tham gia của Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan, mức tăng này sẽ lên đến 486 tỷ USD.

Thỏa thuận RCEP sẽ mang lại 201 tỷ USD cho các nước thành viên. Nhìn chung, các chuyên gia phân tích nhận định rằng RCEP nên có quy mô lớn hơn kiểu như CPTPP và chính CPTPP cũng nên có quy mô lớn hơn, chào đón thêm nhiều thành viên mới.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/chau-a-dang-dan-dau-the-gioi-trong-viec-ngan-chan-bao-ho-lan-tran-nhu-the-nao-3460863.html