Châu Á - 'miền đất hứa' mới

Nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khu vực châu Á đang trở thành 'miền đất hứa' mới cho người nhập cư trên toàn thế giới, thay cho Mỹ và châu Âu.

Công nhân Trung Quốc làm việc tại UAE.

Hướng đông

Shin Okubo - khu phố Hàn nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản gần đây đang chứng kiến nhiều xáo trộn. Xen kẽ giữa các nhà hàng thịt nướng, các cửa hàng chăm sóc sắc đẹp phong cách Hàn bỗng mọc lên các quán ăn của người Nepal. Họ chăng đèn sáng trưng và mở nhạc ầm ĩ.

Được sự “hậu thuẫn” của khoảng 3.000 người Nepal sống ở quận Shinjuku của thủ đô, sự thống trị của người Hàn ở Shin Okubo đang bị lu mờ và khu vực này dần biến thành “khu phố Nepal”.

Công cuộc “soán ngôi” này do Thapa Puskar, 36 tuổi, chủ quán rượu Nepal Solmari dẫn dắt. Nhà hàng của ông đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ Nepal xa xứ, nhớ các món ăn quê hương và muốn tìm kiếm lời khuyên cho cuộc sống đô thị ở xứ người.

Puskar đại diện cho một thế hệ người nhập cư mới, lựa chọn đi hướng Đông sang châu Á, thay vì phương Tây, khi tìm kiếm cuộc sống mới ở nước ngoài. Mặc dù Mỹ vẫn thu hút số lượng người di cư lớn nhất thế giới, song châu Á đang dần trở thành một điểm đến nổi bật.

Puskar tới Nhật năm 2004. Sau khi theo học tại một trường ngôn ngữ, ông đã lấy bằng cử nhân về quản lý quốc tế và hy vọng sẽ mở công ty. Trong quá trình làm việc bán thời gian tại một quán ăn bán thịt bò, Puskar nuôi mộng bước vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.

Ước mơ đó đã trở thành hiện thực với nhà hàng Solmari thu hút hàng trăm khách mỗi ngày. Trong quán có lắp đặt máy chiếu, thiết bị âm thanh và một sân khấu trình diễn trực tiếp. Nhà hàng thường được thuê để tổ chức những bữa tiệc sôi động.

Theo ước tính của Liên hiệp quốc, tính đến năm 2017 có khoảng 258 triệu người đang sống ở nước ngoài (đất nước không phải nơi họ sinh ra). Con số này tăng 50% so với năm 2000.

Mỹ đứng đầu danh sách điểm đến với 50 triệu người nhập cư châu Á, Trung Đông, có 80 triệu người nhập cư, chiếm 30% tổng số người nhập cư trên toàn cầu.

Mỹ những năm gần đây tiếp nhận ít người nhập cư hơn. Vào những năm 1990, nước này chấp nhận 11,6 triệu người nhập cư mới, chiếm tới 60% so với các khu vực còn lại trên thế giới. Nhưng con số này đã giảm xuống còn 9,4 triệu người vào những năm 2000 và 10 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 5,6 triệu người.

Ngược lại, các quốc gia châu Á đã thu hút 16,7 triệu người nhập cư vào những năm 2000 và 13,7 triệu người trong thập niên này, so với chỉ hơn 1 triệu người vào những năm 1990.

Trong khi 36% người di cư quốc tế mới di chuyển sang các nước châu Á, thì tỷ lệ này ở Mỹ và châu Âu đã giảm xuống dưới 20%. Châu Á đang dẫn số lượng người nhập cư lớn do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì, trong khi ở Mỹ và châu Âu tâm lý chống người nhập cư đang ngày càng gia tăng.

Thái Lan đã chấp nhận hầu hết người nhập cư từ Đông Á vào những năm 2000 với 2,3 triệu người, tiếp theo là Malaysia và Hàn Quốc. Sự chủ động tiếp nhận người nhập cư của Thái Lan và Hàn Quốc cho thấy, các quốc gia này đang có chính sách để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước, do dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64) sẽ bắt đầu giảm ở cả hai nước vào năm 2020. Nhật Bản đã tiếp nhận 2,56 triệu người nước ngoài vào cuối năm 2017, tăng gần 500.000 người so với thập kỷ trước đó.

Kỷ nguyên châu Á

Các nước châu Á cũng là nơi có nhiều người di cư, dẫn đầu là Ấn Độ. Số người Ấn Độ sinh sống ở nước ngoài tính đến năm 2017 lên tới 16,6 triệu. Khoảng 20% người di cư Ấn Độ sinh sống tại các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Người lao động Ấn Độ hiện chiếm 30% dân số của UAE.

Trung Quốc, Bangladesh và Syria cũng là những nước có số người di cư lớn, cùng với Pakistan và Philippines. châu Á chiếm 6 trong số 10 quốc gia có số di cư lớn nhất trên thế giới.

Người di cư từ Trung Quốc đại lục đã đạt 10 triệu vào năm 2017, trong đó Mỹ thu hút 2,4 triệu người, tiếp theo là Hồng Kông 2,3 triệu người và Nhật Bản với 740.000 người. Cứ ba người Trung Quốc sống ở Nhật Bản thì một người có thẻ định cư dài hạn.

Làn sóng di cư ở bên trong châu Á giờ đây đã trở thành xu hướng, với 63 triệu người di chuyển qua lại trong khu vực này vào năm 2017. Cứ 4 người di cư trên thế giới thì có 1 người tới châu Á. Trong khi đó, tỷ lệ người sinh ra ở châu Á nhưng sống ở châu Âu đã giảm từ 24% xuống còn 19%.

Zhao Yuanyuan, một phụ nữ 30 tuổi người Quảng Đông, Trung Quốc, đã yêu Thái Lan khi cô đến Bangkok để học thạc sĩ cách đây bảy năm. “Bangkok có ít áp lực hơn Trung Quốc trong khi thời tiết thì tương đồng”, Zhao cho biết và nhấn mạnh, có rất nhiều việc làm cho người Trung Quốc ở Thái Lan.

Ryutaro Kono, chuyên gia kinh tế trưởng của BNP Paribas Securities, cho biết nhiều người từng di cư sang các nước nói tiếng Anh ở châu Âu vì ở đó có mức thu nhập cao, nhưng giờ đây tìm kiếm việc làm ở châu Á đang trở thành xu thế mới nhờ sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi.

Các dữ liệu nhân khẩu học đã xác nhận sức sống của châu Á. Tuổi trung bình người của nhập cư ở châu Á năm 2017 giảm xuống còn 35 so với con số 37 vào năm 2000. Nguyên nhân là do số lượng người trẻ tuổi di cư ở bên trong châu Á ngày một gia tăng. Trong khi tuổi trung bình của người di cư đến Bắc Mỹ đã tăng lên 45 so với độ tuổi 38 trong cùng thời gian nói trên.

Độ tuổi trung bình của người di cư đến châu Âu cũng tăng, từ 41 lên 43 tuổi. Cũng như ở Mỹ, các ý kiến công chúng và các chính sách chính trị đang ngày càng ủng hộ việc cắt giảm tiếp nhận nguồn nhân lực từ nước ngoài, bởi châu Âu gặp phải vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ.

Liên hiệp quốc ước tính dân số châu Âu sẽ bắt đầu giảm vào cuối thập niên này nếu dòng chảy của người nhập cư và di cư được cân bằng như thời điểm năm 2015. Dân số Bắc Mỹ sẽ tăng cho đến năm 2050 nếu số người nhập cư tăng theo tốc độ hiện nay, nhưng nếu làn sóng nhập cư giảm sẽ khiến dân số giảm vào năm 2040.

Nền kinh tế châu Á tiếp tục mở rộng nhờ nguồn cung lao động dồi dào. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục ổn định, châu Á sẽ sản xuất 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới vào năm 2050, một mức độ chưa từng có kể từ những năm 1700 trước Cách mạng Công nghiệp.

Mỹ và châu Âu càng đóng cửa với người nhập cư thì kỷ nguyên châu Á sẽ càng đến sớm.

(Theo Nikkei Asian Review)

Minh Đăng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271226/chau-a---mien-dat-hua-moi.html