Châu Á ngày càng "hút" các lưu học sinh

Ngày càng nhiều các lưu học sinh lựa chọn châu Á là điểm đến nên các nước như Singapore, Malaysia và Hong Kong nỗ lực "tăng chất"

Ra nước ngoài học tập là khát vọng của rất nhiều người Trung Quốc. “Cha tôi nói: ‘Tại sao lại ở Trung Quốc? Hãy mở rộng tầm mắt, nhìn ra thế giới”, Bảo Kiên Kiên, cô gái 25 tuổi đến từ Ninh Ba, thành phố phía Đông Trung Quốc cho biết. Thay đổi lựa chọn Bảo Kiên Kiên có 2 sự lựa chọn, hoặc là Australia hoặc Anh – nơi 2 chị gái của cô và hàng nghìn những sinh viên Trung Quốc khác đã và đang theo học. Nhưng Bảo - hiện là sinh viên năm 3, đã không lựa chọn cả 2 điểm đến trên. Thay vào đó, cô chọn Malaysia, một nơi khá gần gũi về văn hóa và giá cả rẻ hơn, trong khi vẫn mang lại cho cô cơ hội nâng cao trình độ tiếng Anh và giao tiếp với những người Trung Quốc. Do khát vọng được hưởng nền giáo dục chất lượng cao hơn không hề giảm đi trong tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển tại châu Á, mà một số nước trong châu lục đang nỗ lực thu hút thêm nhiều sinh viên như Bảo. Trong năm 2007, hơn 2.8 triệu sinh viên đã ghi danh vào các học viện có chất lượng giáo dục cao ở ngoài nước, tăng 53% so với năm 1999, theo báo cáo của Unesco đưa ra tháng 7. Mỹ, Anh và các quốc gia phương Tây khác tiếp tục thu hút phần sinh viên châu Á. Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra rằng, người châu Á tham gia các trường đại học trong châu lục ngày một nhiều. Tại Đông Á và Thái Bình Dương, năm 2007, 42% sinh viên đã đi du học ở các nước lân cận, theo báo cáo Thống kê Giáo dục Toàn cầu sửa đổi năm 2009 của Unesco. Nhiều nước và khu vực như Singapore, Malaysia và Hong Kong đều muốn thu hút nhiều hơn nữa sinh viên quốc tế. Malaysia muốn có 100.000 sinh viên nước ngoài theo học trong năm tới, với con số hiện tại là 71.000 người. Singapore hi vọng sẽ có 150.000 người vào năm 2015, tăng lên so với 97.000 năm 2008. Hong Kong hiện chưa đưa ra một con số cụ thể, nhưng gần đây đã tăng gấp đôi “hạn ngạch” cho các sinh viên quốc tế có thể đang ký học trong các trường đại học công lập của họ. Đua nhau tăng "chất" Cả ba nước này đều cố gắng đầu tư tạo ra môi trường giáo dục đại học tương tự như phương Tây, nhưng lại ít chi phí hơn. Nhưng mỗi nước đưa ra cách thức riêng. Tại Singapore, hiện có 3 trường đại học công, đã lập một chương trình thu hút lưu học sinh bằng cách lôi kéo các trung tâm học viên nước ngoài tham dự cái gọi là Chính sách “Ngôi trường Toàn cầu”. Một số học viện, như Đại học Nevada và Trường Kinh doanh Đại học Chicago, đã thành lập các chi nhánh tại Singapore. Nhiều trường khác nữa, bao gồm cả Học viện công nghệ Masachusetts và Stanford, đều có đề xuất tham gia vào chương trình cấp bằng thông qua các trường đại học địa phương. Toh Wee Khiang, Giám đốc điều hành đầu tư con người tại Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore cho hay, mục tiêu của chính phủ không chỉ là thu hút và phát triển mà còn tìm cách lưu giữ nhân tài. “Cuộc chiến nhân tài là trái tim của tăng trưởng kinh tế, vì vậy, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng đỡ, tạo ra tài năng ở Singapore”, ông nhấn mạnh. Nhiều cơ quan khác của chính phủ nỗ lực liên kết giữa sinh viên tốt nghiệp với nhà tuyển dụng lao động Singapore ở các ngành công nghiệp chủ lực. Mặc dù các trường đại học của Malaysia không nổi tiếng ở phạm vi quốc tế, nhưng chính phủ nước này đã nỗ lực tự do hóa trong giáo dục từ thập niên 90, cho phép thiết lập thêm nhiều học viện giáo dục tư nhân, số lượng các trường học từ đó mở rộng thành 20 đại học công, 36 đại học tư thục và 5 trường quốc tế. Theo Morshidi Sirat, Giám đốc của Học viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Quốc gia tại Đại học Sains Malaysia, ngày nay đã có nhiều hơn sinh viên Malaysia gốc Trung Quốc và Ấn Độ có thể ghi danh vào các trường đại học công. Đây là kết quả của việc xóa bỏ hệ thống hạn ngạch từng thiên về những người dân tộc Malay và các nhóm người bản địa khác. Những trường đại học tại Malaysia đang có gắng thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài đến học. Hong Kong có thể có lợi thế tốt hơn để thu hút các sinh viên quốc tế, với 3 trong số các học viện của họ đã lọt vào danh sách 50 trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới (theo bình chọn của Times năm 2008). Tuy nhiên, một phần do quy định hạn chế số sinh viên quốc tế tham gia các trường công, nên hiện tại, Hong Kong chỉ có 8.400 lưu học sinh trong niên học 2008-2009, hơn 90% đến từ Trung Quốc đại lục. Hiện tại, Malaysia đang có lợi thế về học phí nhưng ông Sirat nhận xét, Thái Lan và Việt Nam trong tương lai sẽ là đối thủ cạnh tranh về phương diện này. Nhật Bản cũng thu hút một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc, khi tỉ lệ sinh viên nội địa sụt giảm. “Có nhiều nguồn cung trong ngành kinh doanh này”, Chris Nyland, Giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia nói. “Nhưng ngày lại càng có thêm nhiều người Trung Quốc và Ấn Độ đủ khả năng theo học đại học”. Ngoài nỗ lực “nâng tầm” của các trường đại học trong khu vực, thành công thu hút lưu học sinh còn ảnh hưởng bởi những nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của họ. Các nhà nghiên cứu giáo dục cho hay, sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ đã quyết định thắt chặt quy định cấp visa, khiến nhiều học sinh phải tìm kiếm các chọn lựa khác. Malaysia, một quốc gia đông dân Hồi giáo là một trong số những nước được hưởng lợi. Kỳ Thư (Theo Nytimes)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/200910/Chau-A-tro-thanh-diem-den-cua-nhieu-luu-hoc-sinh-873014/