Châu Á 'nín thở' chờ Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thề sẽ có một chính sách đối ngoại 'không thể đoán trước' khi vận động tranh cử. Sứ mệnh này xem ra đã hoàn thành, khi không ai có thể đoán được chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông vào tuần tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thề sẽ có một chính sách đối ngoại “không thể đoán trước” khi vận động tranh cử. Sứ mệnh này xem ra đã hoàn thành, khi không ai có thể đoán được chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông vào tuần tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 7-2017. Ảnh: AP

Các nước Châu Á đang “nín thở” chờ đợi những tín hiệu tích cực của Mỹ khi nhà lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới này có chuyến công du đầu tiên đến khu vực đang phát triển vượt bậc này.

12 ngày cho chuyến thăm đến 5 quốc gia Châu Á gồm Nhật, Hàn, Trung, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến công du dài nhất trong 25 năm qua của một tổng thống Mỹ, bắt đầu từ ngày 3 đến 14-11 (lần cuối cùng, một chuyến thăm tổng thống Mỹ tới khu vực dài như vậy là chuyến thăm của Tổng thống George H.W. Bush vào tháng 12-1991). Điều này rõ ràng cho thấy, chuyến công du lần này thật sự rất quan trọng đối với ông Trump, với sứ mệnh đầy tham vọng cho mối quan hệ phát triển hơn nữa với các nước Châu Á.

Và theo các chuyên gia, chuyến công du này được cho là thời điểm bước ngoặt tạo ra xu hướng diễn biến địa chính trị trong khu vực.

Vấn đề Triều Tiên

Tại Hàn Quốc, không như hầu hết những người tiền nhiệm gần đây, ông Trump sẽ không đến thăm khu vực phi quân sự liên Triều. Tuy nhiên, cuộc khẩu chiến của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un sẽ thống trị chuyến đi này.

Hàn Quốc hy vọng chuyến công du sẽ tạo ra xung lực để “hạ nhiệt” khu vực Đông Á đang nóng lên vì những vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ theo dõi chặt chẽ mỗi bước đi của Tổng thống Trump. Nó có thể sẽ tác động tới mức độ hoặc thời điểm Triều Tiên có thể đưa ra các hành động khiêu khích trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng, kịch bản tốt nhất sẽ là ông chủ Nhà Trắng tránh đưa ra những bình luận công kích cũng như Triều Tiên tiếp tục kiềm chế và sau đó tham dự Olympics mùa Đông 2018 PyeongChang tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng lại tiếp tục thử tên lửa trước hoặc trong chuyến công du của ông Trump.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng là tâm điểm trên bàn hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm cách sử dụng đòn bẩy Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên. “Có khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thông qua hợp tác với Mỹ, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng ngược lại đó là Bắc Kinh mở rộng sự can dự với Bình Nhưỡng bằng cách hàn gắn mối quan hệ”, một chuyên gia nhận định.

Định hình chính sách ở Đông Á

Tổng thống Trump đã giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử bằng cách tấn công vào vấn đề được cử tri quan tâm: cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ và không sử dụng ảnh hưởng để ngăn chặn các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump xem ra không quá khắt khe với Bắc Kinh. “Người ta nói chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa một Tổng thống Mỹ và một Chủ tịch Trung Quốc”, ông Trump gần đây đã nói trên tờ Fox Business Network, đề cập đến ông Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng, ông Trump có quan điểm mềm mỏng hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc là do cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Bởi lẽ, Mỹ cần Trung Quốc trong nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong chuyến thăm lần này đến Trung Quốc, ông Trump có thể ưu tiên trọng tâm các rào cản thương mại với người đồng cấp Tập Cận Bình đồng thời thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện tốt hơn lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo Châu Á có mối quan hệ thân thiết nhất với ông Trump. Nhưng có nguy cơ nảy sinh bất đồng trong các cuộc thảo luận của ông Trump tại Nhật. Sheila A. Smith, một chuyên gia Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho rằng: “Phóng viên Nhật có thể hỏi về căn cứ Okinawa và những khó khăn tại đây... Vẫn tồn tại nhiều vấn đề khiến người dân Nhật giận dữ và từ đó Tổng thống Mỹ có thể phản ứng trên Twitter”.

Còn trên mặt trận thương mại, Thủ tướng Abe có thể không hứng thú với mong muốn của ông Trump về tham gia các cuộc đối thoại về thỏa thuận thương mại tự do song phương, sau khi Washington rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_174523_.aspx