Châu Á - Thái Bình Dương cần đẩy nhanh tiến độ bình đẳng giới

Châu Á - Thái Bình Dương phải đẩy nhanh tiến độ bình đẳng giới để đạt được các mục tiêu toàn cầu theo Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đó là thông điệp do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ ở Hà Nội ngày 25/10/2018.

Dựa trên việc đánh giá toàn diện các dữ liệu sẵn có về tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bản báo cáo cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đạt được bình đẳng giới với Chương trình Nghị sự toàn cầu 2030 về phát triển bền vững. Trong đó, bình đẳng giới vừa là một mục tiêu độc lập (Mục tiêu số 5), vừa là một mục tiêu ưu tiên trong 16 mục tiêu còn lại về phát triển xã hội, kinh tế và môi trường.

Xóa bỏ bất bình đẳng giới hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn

Ông Bambang Susantono - Phó Chủ tịch ADB về quản trị tri thức và phát triển bền vững cho biết: “Bình đẳng giới là một chất xúc tác cho sự tiến bộ xuyên suốt các Mục tiêu Phát triển bền vững. Những phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo tạo cơ hội để đối châu Á - Thái Bình Dương xóa bỏ bất bình đẳng giới, hỗ trợ tiến bộ hướng tới phát triển bền vững trong mọi khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường”. Bà Anna-Karin Jatfors - Giám đốc UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì chia sẻ: “Vượt qua bất bình đẳng giới không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái mà còn giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, trao quyền cho tất cả mọi người để họ nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình, có một cuộc sống hạnh phúc và được tôn trọng. Ấn phẩm này cung cấp bằng chứng vô giá để hỗ trợ nỗ lực biến bình đẳng giới và phát triển bền vững thành sự thật cho tất cả mọi người”.

Báo cáo do ADB và UN Women công bố phát hiện việc thiếu dữ liệu về bình đẳng giới để theo dõi tiến độ ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn như thiếu dữ liệu về chỉ số phát triển bền vững về giới. Báo cáo nhấn mạnh tính khẩn cấp của việc cải thiện xây dựng và sử dụng các số liệu thống kê về giới để thực hiện và giám sát các Mục tiêu Phát triển bền vững ở cấp quốc gia.

Để giải quyết những vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, báo cáo nêu bật bốn lĩnh vực chính sách cần tập trung bao gồm: Thúc đẩy quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục; giảm thiểu và phân bố lại các công việc chăm sóc không được trả lương và việc nhà; chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; trao quyền cho phụ nữ để đối phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Theo ADB và UN Women, đầu tư vào các lĩnh vực này, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống phụ nữ và trẻ em gái, mà còn đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo cho thấy, trong khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có sự bất bình đẳng giới đáng kể đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ví dụ, có đến 1 trong 2 phụ nữ phải trải qua bạo lực thể chất và/hoặc tình dục từ bạn tình thân mật trong 12 tháng qua. Phụ nữ và trẻ em gái cũng dành nhiều thời gian hơn gấp 11 lần so với nam giới và trẻ em trai để làm những công việc chăm sóc không lương và việc nhà. Một số quốc gia trong khu vực có tỷ lệ "phụ nữ mất tích" cao nhất trên thế giới do phân biệt đối xử, ưa thích con trai. Hay về các cơ hội kinh tế và nghề nghiệp, phụ nữ ít được tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính và công cụ sản xuất. So với các bé trai, các bé gái ít có cơ hội được học tập bài bản trước bậc tiểu học. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có sự chênh lệch giới ngày càng gia tăng trong lực lượng lao động, ít được hiện diện hơn trong các vị trí ra quyết định và lãnh đạo./.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chau-a-thai-binh-duong-can-day-nhanh-tien-do-binh-dang-gioi-110746.html