Châu Âu đau đầu đối phó âm mưu khủng bố

Âm mưu khủng bố ở Hà Lan, Pháp liên tiếp đối mặt âm mưu tấn công, sát hại dân thường.

Cảnh sát Hà Lan hôm 3/1 xác nhận nhiều bom thư đã được gửi tới các thành phố ở nước này những ngày gần đây.

Điều tra vụ bom thư được chuyển đến các doanh nghiệp ở Hà Lan. Ảnh: brusselstimes.com

Bom thư đã xuất hiện hôm 3/1 tại khách sạn Okura, phía Nam thủ đô Amsterdam. Nhân viên văn thư của khách sạn phát hiện bức thư này và đã nhấn chuông báo động. Tuy nhiên, khách sạn đã không phải sơ tán nhân viên và khách lưu trú. Hiện các cơ quan an ninh của Hà Lan đang tiến hành điều tra vụ việc.

Trong vòng một tuần qua, nhiều bì thư khả nghi - sau đó được xác định là chứa chất nổ - đã được gửi tới nhiều công ty ở nhiều thành phố khác nhau của Hà Lan, trong đó có 2 thư gửi tới Amsterdam, 1 thư gửi tới Utrecht và 3 thư gửi tới Rotterdam.

Các bức thư đều dán tem của Cơ quan Bưu chính trung tâm Hà Lan (CIB) có trụ sở tại Rotterdam. Một trong các bức thư được tìm thấy tại trụ sở văn phòng ngày 2/1.

Hiện Hà Lan đang điều tra âm mưu đứng sau vụ việc cũng như động cơ của người gửi.

Dẫu những bom thư nói trên không gây nguy hại vì chưa phát nổ nhưng nó cũng mang tới mối lo ngại cho những người dân Hà Lan, đặc biệt là trong bối cảnh các âm mưu tấn công khủng bố chưa khi nào được loại bỏ hoàn toàn ở Lục địa già.

Tại Pháp vẫn ghi nhận những âm mưu tấn công khủng bố. Hôm 3/1, một vụ tấn công khủng bố bằng dao đã xảy ra tại thành phố Villejuif ở ngoại ô phía Nam thủ đô Paris. Một phần tử cực đoan đã dùng dao hạ sát 1 người đàn ông 56 tuổi và làm trọng thương vợ của người đàn ông này trong công viên Hautes-Bruyères của thành phố Villejuif, ngoại ô phía Nam thủ đô Paris.

Kẻ tấn công sau đó tiếp tục truy lùng và tìm cách sát hại những người khác trong công viên và trong một bãi đậu xe của siêu thị gần đó. Một người đã bị thương trước khi kẻ tấn công bị cảnh sát Pháp bắn hạ.

Cảnh sát Pháp tại hiện trường. Ảnh: The Sun

Thông tin điều tra ban đầu cho thấy, kẻ tấn công năm nay 22 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một khu ngoại ô phía Đông thủ đô Paris. Tên này tuy chưa có trong hồ sơ theo dõi an ninh của cảnh sát Pháp nhưng cũng từng phạm tội. Đáng chú ý, tên này vừa cải đạo cách đây không lâu.

Cách đây 3 tuần, Áo cũng đã phải đối mặt với âm mưu tiến hành hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại Chợ Giáng sinh trước Nhà thờ Thánh Stephen tại trung tâm thủ đô Vienna trong khoảng thời gian giữa Giáng sinh và năm mới 2020. Tham gia âm mưu này có ba đối tượng nam giới.

Đáng chú ý, kẻ cầm đầu (24 tuổi) đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đối tượng này từng bị bắt giam sau hai lần tìm cách sang Syria để gia nhập IS. Dù đang phải ngồi tù, hắn vẫn có thể giữ liên lạc với đồng bọn thông qua điện thoại di động. Một phần của âm mưu đã được lên kế hoạch là giúp kẻ cầm đầu này trốn ra ngoài.

Trung tâm Phân tích khủng bố mới đây cho biết, nhiều người trẻ ở châu Âu có quan điểm cực đoan, ủng hộ các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy hàng chục cựu binh Pháp đã gia nhập các nhóm phiến quân ở Trung Đông kể từ năm 2012.

Khoảng 30 cựu quân nhân Pháp, trong đó có vài người đến từ các đơn vị tinh nhuệ tham gia các nhóm khủng bố ở Iraq và Syria. Một số thậm chí còn tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố ở Pháp.

Trung tâm kể trên cho biết: "Trong thời gian phục vụ trong quân đội Pháp, họ đã học được cách điều khiển vũ khí và xử lý chất nổ. Đó là những kỹ năng cho phép một số người đảm nhận vai trò chiến lược trong các nhóm khủng bố. Trong khi, những người không đến được khu vực chiến trường, sẽ chống Pháp bằng cách lên kế hoạch tấn công vào nhiều địa điểm chiến lược".

Không chỉ tham chiến, lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố, một số cựu binh còn mang những kiến thức quân sự mà họ tích lũy được khi còn phục vụ trong quân đội Pháp để huấn luyện các chiến binh thánh chiến người Pháp, cũng như tại địa phương.

Những cựu quân nhân Pháp sẽ nguy hiểm hơn các chiến binh khác, vì họ được huấn luyện chính quy tại Pháp, là những người có các kỹ năng tác chiến. Họ cũng có thể nắm được phần nào các bí mật quân sự của Pháp.

Hồi hương khủng bố: Thổ Nhĩ Kỳ nắm đằng chuôi

Hồi tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng cảnh báo châu Âu sẽ sớm phải đối mặt với làn sóng người tị nạn mang theo âm mưu khủng bố từ Trung Đông.

Ankara đã đe dọa sẽ hồi hương những người nước ngoài là thành phần khủng bố mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Phần lớn trong số đó là những công dân châu Âu và ngya cả công dân các nước châu Âu đã bị đất nước họ xóa bỏ quốc tịch, chính quyền Ankara vẫn sẽ gửi trả họ về “nơi sản xuất”.

Theo Công ước New York 1961 (New York Convention of 1961), việc biến ai đó trở thành người không quốc tịch là bất hợp pháp, nhưng nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh và Pháp, đều chưa phê chuẩn công ước này. Vì vậy gần đây đã gây ra một cuộc tranh luận pháp lý liên quan đến vấn đề hồi hương về quê nhà những phần tử thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở nước ngoài.

Sinh viên người Anh Shamima Begum bỏ sang Syria lấy chồng là chiến binh IS rồi sinh con đã bị chính phủ Anh hủy bỏ quốc tịch.

Nhiều nước châu Âu sợ rằng những chiến binh IS này sau khi trở lại đất nước sẽ gây nên sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng và trở thành mối nguy hiểm cho an ninh xã hội.

Không giống như một số quốc gia châu Âu từ chối nhận trở về nước các chiến binh IS và thân nhân của họ, Nga đã nhận và đưa các phụ nữ và trẻ em của các chiến binh Hồi giáo người Nga đến các vùng khác nhau của đất nước, đặc biệt là vùng Kavkaz.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-dau-dau-doi-pho-am-muu-khung-bo-3394588/