Châu Âu đề xuất thu thuế robot để hạn chế thất nghiệp

Tổ chức Lao động thế giới lên tiếng cảnh báo về việc 56% số người lao động có thể bị mất việc về robot, tương tự Nghị viện châu Âu đưa ra cảnh báo và đề xuất thu thuế các công ty sử dụng công nhân robot để hạn chế thất nghiệp.

Robot Asimo - một thành tựu khoa học của Nhật Bản

Xu thế tự động hóa đang ngày càng được phổ biến trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là may mặc và sản xuất ô tô. Khi đó, các quốc gia đang phát triển sẽ mất đi lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ.

Được biết, có khoảng 137 triệu người lao động tương đương 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ mất việc cao, theo dữ liệu nghiên cứu từ Tổ chức Lao động thế giới.

Khi robot thay thế người lao động

“Các nước đang cạnh tranh nhờ lực lượng lao động giá rẻ cần phải xem lại. Lợi thế giá rẻ là không đủ trong thế giới ngày nay”, bà Deborah France-Massin, Giám đốc văn phòng của ILO về các hoạt động sử dụng lao động cho biết.

Trong số 9 triệu người đang làm trong lĩnh vực may mặc, quần áo và giầy dép, 64% nhân công Indonesia có nguy cơ mất việc cao vì tự động hóa, Việt Nam là 86% và Cambodia là 88%.

Các nhà máy dệt may tại Cambodia đang thực hiện đơn hàng cho các thương hiệu như Adidas, Marks & Spencer, Wal-Mart. Họ đang sử dụng khoảng 600.000 lao động.

Trong khi đó, Việt Nam ghi nhận mức đầu tư kỷ lục trong lĩnh vực giầy dép và dệt may nhờ các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn, bao gồm Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là nhà cung cấp may mặc cho Mỹ lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Quá trình tự động hóa sẽ dẫn đến nguy cơ mất việc của nhiều lao động (Ảnh: Reuters)

Thu thuế các doanh nghiệp sử dụng "công nhân robot"

Theo đề xuất của Nghị viện châu Âu, các doanh nghiệp nên thu thuế các doanh nghiệp sử dụng robot trong việc sản xuất để tránh phá vỡ cấu trúc của nền kinh tế và hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn.

Đồng thời, tổ chức này cũng cảnh báo rằng trí thông minh nhân tạo và xu hướng tăng cường tự động hóa sản xuất mà không dựa trên các cơ sở pháp lý và đạo đức sẽ mang lại hậu quả khôn lường.

"Trong một vài thập kỷ tới, về mặt nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể sẽ vượt qua khả năng tư duy của con người, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, điều này có thể đặt ra thách thức lớn về khả năng kiểm soát sáng tạo cũng như sự tồn vong của chính con người", bản báo cáo của dự thảo nhận định.

Đề xuất này chỉ ra rằng, các doanh nghiệp sử dụng robot trong sản xuất cần phải đăng ký với chính quyền, và pháp luật cần đưa ra các quy định khung về trách nhiệm của các cỗ máy đối với những thiệt hại mà chúng gây ra, chẳng hạn như khiến con người mất việc làm.

Mối liên hệ giữa con người và robot cũng cần phải được quy định rõ, với sự nhấn mạnh đặc biệt nhằm "đảm bảo an toàn, bảo mật, vẹn toàn và tự chủ cho con người".

Đặc biệt, nếu robot tiên tiến bắt đầu thay thế người lao động với số lượng và quy mô lớn thì cần yêu cầu các chủ sở hữu của chúng nộp thuế hoặc đóng góp cho an sinh xã hội.

Việc thiết lập một mức thu nhập cơ bản hay đảm bảo chương trình phúc lợi xã hội được đưa ra ở đây nhằm bảo vệ người lao động trước nguy cơ thất nghiệp.

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/noi-dung-so/chau-au-de-xuat-thu-thue-robot-de-han-che-that-nghiep-1760121.html