Châu Âu dồn sức chống Covid-19

Hơn hai tuần trước, tại châu Âu, duy chỉ có Italy có số ca mắc Covid-19 ở mức cao, hầu hết các quốc gia còn lại ở châu lục này đều có số ca mắc dừng ở hai chữ số. Nhưng đến thời điểm này, châu Âu đang trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo trang thống kê toàn cầu Worldometer, tính đến 5 giờ, ngày 17-3, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng mạnh tại châu Âu. Ngoài Trung Quốc đại lục, trong số 14 quốc gia có số ca mắc hơn 1.000 thì có tới 11 quốc gia thuộc khu vực châu Âu. Đặc biệt, các nước gồm: Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp là những nước ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc mới. Trong đó, số ca mắc Covid-19 tại Italy đã lên tới 27.980 ca với 2.158 ca tử vong, tăng thêm 3.233 ca mắc và 349 ca tử vong so với số liệu thống kê lúc 7 giờ 30 phút ngày 16-3.

Vì đâu nên nỗi?

Ngày 31-12-2019, Trung Quốc chính thức thông báo tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên. Hơn hai tháng sau đó, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) là hơn 5.500 người, tính đến ngày 6-3. Đây cũng là thời điểm các Bộ trưởng Y tế EU tổ chức cuộc họp khẩn cấp đầu tiên để bàn cách ứng phó với Covid-19.

Trước cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Y tế EU ngày 6-3, các nhà quan sát cho rằng, EU chưa có những biện pháp mạnh mẽ cụ thể cần thiết để ngăn chặn dịch, chưa chuẩn bị thích đáng để ứng phó với dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và các chính sách biên giới của mỗi quốc gia. Đơn cử như việc, các biện pháp giám sát y tế được thực hiện khác nhau ở các quốc gia châu Âu. Các chuyên gia hàng không cho biết, chỉ rất ít nước trong khu vực yêu cầu khai báo y tế đối với các hành khách trở về từ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như Trung Quốc hay Italy.

Mãi đến vài ngày trở lại đây, khi dịch bệnh đã lan ra toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU, với số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 không ngừng tăng lên, các quốc gia châu Âu mới tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong một động thái mới nhất, ngày 16-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất tạm ngừng hoạt động đi lại không cần thiết từ các quốc gia thứ ba vào EU trong vòng 30 ngày. Các trường hợp không bị hạn chế này bao gồm: các cư dân cư trú lâu dài ở EU, các thành viên gia đình của người có quốc tịch EU, các nhà ngoại giao; các bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc ý tế, các nhà nghiên cứu, chuyên gia tham gia ứng phó với dịch bệnh hay những người vận chuyển hàng hóa,…

Bà Ursula von der Leyen khẳng định, EU cần thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc, thứ nhất là phải bảo vệ người dân khỏi sự lây lan của virus và đồng thời phải bảo đảm EU có thể duy trì được dòng hàng hóa luân chuyển. Điều này đóng vai trò quan trọng quyết định để bảo đảm duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Theo bà Ursula von der Leyen, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về y tế do sự bùng phát của dịch Covid-19. Hệ thống chăm sóc y tế của châu Âu đang hứng chịu áp lực khổng lồ. Mặc dù, các quốc gia thành viên đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để làm chậm tốc độ lây lan của virus nhưng bà Ursula von der Leyen cho rằng những biện pháp này chỉ hiệu quả khi chúng được phối hợp thực hiện.

Chạy đua ngăn dịch

Trước khi có đề xuất của bà Ursula von der Leyen, những ngày qua các hạn chế đi lại và thương mại đã được áp đặt trên toàn châu Âu khi các quốc gia chạy đua để kiềm chế mối đe dọa từ dịch bệnh.

Tính đến ngày 16-3, đã có hàng chục nước châu Âu tuyên bố đóng cửa toàn bộ hay một phần biên giới với người nước ngoài. Trong đó, CH Séc, Cyprus, Đan Mạch, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Slovakia tuyên bố đóng cửa biên giới với toàn bộ người nước ngoài. Các nước Áo, Hungary cùng với Đức và một số quốc gia khác tuyên bố đóng cửa một phần biên giới.

Các quốc gia châu Âu cũng đưa ra những quy định nhằm tránh tiếp xúc đông người như khuyến cáo công dân ở nhà, cấm các sự kiện đông người, những cửa hàng không bán các mặt hàng thiết yếu sẽ bị đóng cửa cùng với các nhà hàng, quán bar, sân chơi,... Một số quốc gia đóng cửa toàn phần hoặc một phần các trường học… Đáng chú ý, Áo là quốc gia cấm tụ tập quá năm người và lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16-3.

Sau khi tạo những ý kiến trái chiều, hoài nghi của công chúng cũng như giới chuyên gia về cách tiếp cận ứng phó dịch Covid-19, nước Anh cuối cùng cũng đã đưa ra các khuyến cáo hạn chế đi lại đối với người dân. Trong cuộc họp báo ngày 16-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Bây giờ là lúc mọi người ngừng các hoạt động giao thiệp xã hội không cần thiết với những người khác cũng như dừng các hoạt động đi lại không cần thiết”.

Thủ tướng Anh khuyến cáo người dân nên làm việc ở nhà nếu có thể, tránh những nơi đông người như các quán bar, câu lạc bộ, các địa điểm công cộng; các hộ gia đình được kêu gọi tự cách ly cả nhà nếu có bất cứ thành viên nào có triệu chứng nhiễm bệnh; những người hơn 70 tuổi được đề nghị tránh giao thiệp không cần thiết với người khác. Chính phủ không ủng hộ các cuộc tập trung đông người.

Các trường học tại Anh vẫn mở cửa ở thời điểm hiện tại nhưng trong tương lai việc đóng cửa trường học cũng như các biện pháp khác có thể được áp dụng nếu cần thiết.

“Nếu không hành động quyết liệt, cứ mỗi khoảng thời gian năm đến sáu ngày, số ca mắc có thể tăng gấp đôi”, ông Boris Johnson nói.

Song song với các biện pháp nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh, các chính phủ ở châu Âu cũng phối hợp nhằm ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Đánh giá dịch Covid-19 cũng là một cú sốc kinh tế lớn đối với EU, ngày 13-3, EC đã đưa ra các biện pháp ứng phó ngay lập tức để làm giảm nhẹ ảnh hưởng kinh tế - xã hội do bùng phát dịch. EC cho biết, sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể để giảm nhẹ các hệ quả do dịch bệnh, đặc biệt trong việc: bảo đảm các nguồn cung cần thiết cho hệ thống y tế bằng việc bảo toàn Thị trường đơn nhất, cũng như các chuỗi giá trị sản xuất và phân phối; hỗ trợ người dân để thu nhập và việc làm không bị ảnh hưởng quá mức và tránh hiệu ứng về lâu dài của cuộc khủng hoảng này; hỗ trợ các công ty và bảo đảm rằng tính thanh khoản của lĩnh vực tài chính có thể tiếp tục hỗ trợ kinh tế; cho phép các quốc gia thành viên hành động dứt khoát theo biện pháp phối hợp, thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính của khối.

Ngày 17-3 (theo giờ địa phương), cuộc họp cấp cao trực tuyến lần thứ hai của EU về dịch Covid-19 dự kiến sẽ được tổ chức. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nội dung chính dự kiến sẽ được thảo luận trong cuộc họp là ngăn chặn sự lây lan của virus, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị y tế, thúc đẩy nghiên cứu và hạn chế tác động tiêu cực về kinh tế.

Mặc dù được cho là có sự chuẩn bị chưa thích đáng để ứng phó với dịch bệnh nhưng ở thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Âu đã bước đầu cho thấy những bước đi tích cực nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, bà Maria van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các loại bệnh mới của WHO, cho biết, rất khó để khẳng định khi nào dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh trên toàn cầu. Do vậy, WHO vẫn tiếp tục kêu gọi các quốc gia tăng cường hành động hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh, tránh để dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát, như “một ngọn lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn”.

Trước mối lo ngại về dịch Covid -19 tại châu Âu, nhiều cha mẹ có con đang du học tại đây rất lo lắng và băn khoăn, trong thời điểm này có nên đưa con về Việt Nam? Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm cho rằng vào lúc này là không nên bởi các lý do:

Thứ nhất, đi lại các phương tiện công cộng vào thời điểm này, nhất là máy bay, rất dễ bị lây nhiễm.

Thứ hai, các nước áp dụng các chính sách hạn chế đi lại, các hãng hàng không hủy chuyến không có kế hoạch, các em có nguy cơ phải vật vạ các nơi quá cảnh, rất nguy hiểm.

Thứ ba, đại sứ quán nước ta tại các nước châu Âu có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ công dân khi gặp khó khăn, các em nên có liên lạc với Đại sứ quán ViệtNam ở sở tại.

Cuối cùng, các em đang trong độ tuổi thanh niên nên sức đề kháng sẽ tốt, cần tự biết chăm sóc mình bằng việc ăn đủ chất, ngủ đủ giờ, giữ vệ sinh như chuyên gia hướng dẫn, tránh tiếp xúc đông người để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm.

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43641302-chau-au-don-suc-chong-covid-19.html