Châu Âu dồn sức ép lên Nord Stream-2, Nga lạnh giọng

Các áp đặt sức ép lên dự án dầu khí Nord Stream-2 của châu Âu sẽ càng khiến châu Âu mất đi cơ hội.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev mới đây đã cảnh báo châu Âu đặc biệt là đối tác trực tiếp Đức rằng, hãy cẩn trọng với các sức ép mà họ đang gây ra đối với dự án dầu khí trọng điểm nối từ Nga, theo RT.

Ông Medvedev cho rằng, các nỗ lực từ phía châu Âu có thể trở thành một nỗ lực buộc Nga phải loại bỏ dự án này.

"Cách tiếp cận của chúng tôi đối với việc thực hiện dự án này đã không thay đổi từ trước đến nay: đây (dự án -PV) không phải là một công cụ chính trị, đây là một dự án thương mại thông thường, nhằm bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu" - Thủ tướng Nga nhấn mạnh.

Thủ tướng Nga cảnh báo châu Âu cấm cản Nord Stream-2.

Thủ tướng Medvedev đưa ra tuyên bố trên hôm 14/11 sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất mở rộng các quy tắc thị trường cho tất cả các đường ống dẫn khí vào châu Âu.

Đương nhiên, dự án Dòng chảy dầu khí Nord Stream-2 chảy từ Nga tới Đức cũng phải thực hiện theo các quy tắc tăng thêm này.

Theo đề xuất, tất cả các đường ống dẫn khí đốt vào châu Âu sẽ phải tuân thủ theo các quy tắc của 28 quốc gia về tính minh bạch, khả năng tiếp cận và hiệu quả dự án.

Khi đưa ra các đề xuất, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic cho rằng, dự án đường ống dầu khí Nord Stream-2 đi qua một số quốc gia là thành viên châu Âu và bị cho là vi phạm luật pháp của các quốc gia này.

Do đó, một "dự án gây tranh cãi" như Nord Stream-2 thì không nên được xây dựng với một khoảng trống về luật pháp.

Nhắc tới các yêu cầu của châu Âu với dự án chiến lược của mình, Thủ tướng Nga đang muốn cảnh báo châu Âu "giới hạn đỏ" vì dự án không chỉ là chiến lược của riêng Nga mà còn là cả của châu Âu.

Nord Stream 2 đã bị trì hoãn vào năm 2015 sau khi một số nước chỉ trích dự án vì sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga. Dự án dẫn dầu khí này chạy dưới đáy biển Baltic và song song với đường ống hiện có vốn cung cấp 55 tỷ mét khối mỗi năm.

Nga đã chống chọi với châu Âu thế nào?

Công ty Nord Stream-2 AG (công ty con của Tập đoàn Gazprom) và các công ty châu Âu khác như Engie, OMV, Royal Dutch Shell, Uniper và Wintershall hồi cuối tháng 4/2017 vừa ký kết hiệp định về cung cấp tài chính cho dự án khí đốt Nord Stream-2, qua đó chấm dứt các nỗ lực của Ba Lan trong việc phản đối dự án này.

Theo thông báo của Gazprom, mỗi công ty sẽ đóng góp phần của mình vào dự án có trị giá khoảng 950 triệu USD này.

Trong khi đó, hãng Shell bổ sung thêm rằng mỗi một công ty “sẽ đưa ra phương án cung cấp tín dụng dài hạn với trị giá 285 triệu USD và sau đó các bên sẽ lựa chọn phương án thực hiện”.

Việc lựa chọn khoản tín dụng trị giá 665 triệu USD sẽ phụ thuộc vào các quyết định sau này của Nord Stream-2 AG trong việc cung cấp tài chính cho dự án.

Dự án dòng chảy dầu khí Nord Stream-2 sẽ tồn tại?

Trước đó, việc cung cấp tài chính cho dự án này dự định được thực hiện thông qua Nord Stream-2 AG cũ (công ty liên doanh gồm đại diện của Gazprom với đối tác châu Âu).

Tuy nhiên, trong năm 2016, cơ quan chống độc quyền của Ba Lan đã từ chối ủng hộ việc thành lập công ty liên doanh này vì cho rằng đây sẽ là mối đe dọa đối với khả năng cạnh tranh của phía Ba Lan, đồng thời yêu cầu phía Gazprom phải đưa ra những chi tiết cụ thể của dự án và các đòi hỏi khác.

Đề án thành lập công ty liên doanh Nord Stream-2 AG sau đó đã được gửi cho cơ quan chống độc quyền của Ba Lan và cả phía Đức. Đức không tìm thấy bất cứ vi phạm nào trong đề án này và đã nhanh chóng đồng ý, trong khi phía Ba Lan vẫn trì hoãn đưa ra ý kiến của mình.

Đối với Ba Lan, cái chính là không đưa ra quyết định công bằng mà cố gắng kéo dài càng lâu càng tốt để phá vỡ các thời hạn bắt đầu xây dựng dự án khí đốt Nord Stream-2. Trên thực tế, việc bắt đầu cung cấp tài chính cho dự án này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Ba Lan.

Tuy nhiên, Gazprom và các đối tác phương Tây đã đi nước cờ cao tay hơn: họ từ chối hành động theo các luật lệ của Ba Lan khi quyết định rút khỏi công ty liên doanh Nord Stream-2 AG và biến công ty này hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Gazprom.

Sau đó, các công ty này đã xây dựng sơ đồ mới trong việc cung cấp tài chính cho dự án mà không cần thiết phải xin ý kiến từ phía Ba Lan.

Cách thức cung cấp tài chính cho dự án này được xác định như sau: thay vì công ty Nord Stream-2 AG đứng ra cung cấp tài chính, công ty Nord Stream-2 AG mới (thuộc toàn quyền sở hữu của Gazprom) sẽ đứng ra ký kết với 5 đối tác châu Âu hiệp định về cung cấp tài chính cho dự án.

Xét trên quan điểm của Gazprom thì lựa chọn phương án công ty liên doanh sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn so với ký kết hợp đồng với 5 đối tác châu Âu.

Ngoài ra, khi các đối tác phương Tây chỉ cung cấp tài chính cho dự án chứ không phải nắm cổ phần của dự án, họ hoàn toàn có thể dễ dàng từ bỏ dự án. Tuy nhiên, Gazprom vẫn lựa chọn phương án này để tránh được các rắc rối đến từ Ba Lan và việc nhận được tài chính để bắt đầu triển khai thực hiện dự án sẽ đúng theo kế hoạch đặt ra.

Điều thuận lợi nữa khi thực hiện phương án cung cấp tài chính mới là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có ít cơ sở để gây ảnh hưởng đến các giai đoạn thực tế trong khi triển khai thực hiện dự án Nord Stream-2.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-don-suc-ep-len-nord-stream-2-nga-lanh-giong-3347136/