Châu Âu giảm 1/4 nhu cầu khí đốt để tiến tới 'cai' khí đốt Nga

Châu Âu cắt giảm 1/4 tiêu thụ khí đốt trong tháng 11 cho dù nhiệt độ giảm xuống. Đây được xem là bằng chứng mới nhất cho thấy châu Âu đang đạt bước tiến trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Tờ Financial Times dẫn số liệu từ công ty phân tích thị trường hàng hóa cơ bản ICIS cho thấy nhu cầu khí đốt trong Liên minh châu Âu (EU) giảm 24% trong tháng 11 so với bình quân của tháng này trong 5 năm trở lại đây. Trước đó, nhu cầu khí đốt của khu vực này cũng giảm tương tự trong tháng 10.

Từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế, kết hợp với điều chỉnh để hạn chế nhu cầu. Những cố gắng này của châu Âu còn được hỗ trợ bởi thời tiết mùa thu năm nay ấm áp hơn mọi năm, nhưng trong hai tuần trở lại đây, nhiệt độ đã giảm xuống gần mức trung bình hàng năm.

Ở Đức và Italy, hai nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất trong EU, nhu cầu giảm tương ứng 23% và 21% trong tháng 11 - theo dữ liệu của ICIS. Ở Pháp và Tây Ban Nha, nhu cầu khí đốt giảm hơn 1/5, và ở Hà Lan, mức giảm được ghi nhận là hơn 1/3.

Mức giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU, Đức, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha và Pháp so với mức bình quân 5 năm. Đơn vị: %.

“Vốn là lĩnh vực sử dụng nhiều khí đốt nhất, sản xuất công nghiệp cũng là lĩnh vực cắt giảm tiêu thụ khí đốt nhiều nhất”, nhà phân tích Tom Marzec-Manser của ICIS phát biểu, nhấn mạnh rằng giá khí đốt tăng cao đã gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ.

Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga. Số khí đốt này chiếm khoảng 45% nhập khẩu khí đốt của EU và gần 40% tổng nhu cầu tiêu thụ khí đốt của khu vực.

Bên cạnh việc giảm nhu cầu khí đốt, châu Âu cũng đã áp các biện pháp trừng phạt mới đối với dầu thô Nga để cắt giảm tiêu thụ loại năng lượng này từ Nga. Lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển của EU đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12. Ngoài ra, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí mức trần giá 60 USD/thùng để áp lên dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Cơ chế trần giá này nhằm nhằm mục đích vừa hạn chế doanh thu xuất khầu dầu của Nga, vừa duy trì dòng chảy dầu Nga ra thị trường thế giới nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Dữ liệu của ICIS cho thấy châu Âu và Anh nhập 11,14 triệu tấn LNG trong tháng 11, mức nhập kỷ lục trong 1 tháng, và dự kiến nhập 12,2 triệu tấn LNG trong tháng 12.

Tuy nhiên, các nhà điều hành doanh nghiệp và nhà phân tích trong lĩnh vực dầu lửa đã cảnh báo rằng nếu nhu cầu tiêu thụ khí đốt ở châu Âu không giảm thêm và khu vực này không tăng cường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG), tình trạng thiếu khí đốt trong khu vực có thể kéo dài nhiều năm.

Nỗ lực cắt giảm nhu cầu khí đốt đã đưa dự trữ khí đốt của EU đạt 95% công suất vào giữa tháng 11, gần mức cao nhất mọi thời đại - theo dữ liệu từ Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE). Ngoài ra, việc EU nhập khẩu LNG nhiều chưa từng thấy cũng là một nhân tố quan trọng giúp củng cố dự trữ. Nhưng khi thời tiết chuyển lạnh hơn trong những tuần gần đây làm gia tăng nhu cầu khí đốt để sưởi ấm, mức dự trữ khí đốt của châu Âu đã giảm còn 93% công suất. Cùng với đó, giá khí đốt cũng tăng lên.

Giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, đang dao động gần mức 150 Euro/megawatt giờ, mức cao nhất trong hơn 1 tháng, dù chỉ bằng một nửa so với mức kỷ lục 300 Euro/megawatt giờ thiết lập hồi tháng 8.

Giá khí đốt tăng cao là gánh nặng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu, nhưng đồng thời cũng cho phép khu vực này hút được một lượng LNG kỷ lục nhờ chênh lệch giá lớn so với mức giá mà khách mua từ các khu vực khác sẵn sàng trả để mua.

Dữ liệu của ICIS cho thấy châu Âu và Anh nhập 11,14 triệu tấn LNG trong tháng 11, mức nhập kỷ lục trong 1 tháng, và dự kiến nhập 12,2 triệu tấn LNG trong tháng 12.

Ông Marzec-Manser cảnh báo về kế hoạch áp trần giá khí đốt của châu Âu. “Bất kỳ việc áp trần giá khí đốt bán buôn nào ở châu Âu cũng sẽ phá hỏng khả năng của khu vực trong việc thu hút nguồn cung LNG, không chỉ trong mùa đông năm nay mà cả năm tới và xa hơn nữa. Nếu châu Âu không trả mức giá cao hơn so với các khách mua khác, nhập khẩu khí đốt của châu Âu sẽ giảm sút vào đúng lúc châu Âu cần khí đốt nhất”, nhà phân tích này nói.

Bình Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chau-au-giam-1-4-nhu-cau-khi-dot-de-tien-toi-cai-khi-dot-nga.htm