Châu Âu không thể từ bỏ lợi ích Trung Quốc vì Mỹ

Đức dẫn đầu phản ứng với Mỹ vụ tẩy chay sản phẩm Huawei.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier hôm 7/3 tuyên bố trên truyền hình ZDF rằng, Berlin không có ý định ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc - Tập đoàn Huawei - để phát triển mạng viễn thông 5G.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier

"Không, chúng tôi không muốn loại trừ bất kỳ công ty nào" - ông Altmaier giải thích thêm rằng Chính phủ Đức có khả năng thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ các mạng lưới viễn thông của Đức trong tương lai, chống lại bất cứ các mối nguy hại về an ninh nào có thể xảy ra.

Chính quyền Đức mới đây đã công bố một danh sách các yêu cầu an ninh viễn thông dành cho các nhà thầu muốn đầu tư hạ tầng viễn thông 5G tại quốc gia này.

Một trong số các quy tắc mới là yêu cầu các nhà thầu phải xác nhận với cơ quan của Đức về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bảo mật.

"Mạng 5G chỉ có thể có nguồn gốc từ các nhà cung cấp đáng tin cậy tuân thủ các quy định quốc gia về bảo mật viễn thông và bảo vệ dữ liệu" - tuyên bố của Cơ quan Internet liên bang và Bộ Kinh tế Đức khi giới thiệu danh sách yêu cầu nói trên.

Tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Kinh tế Đức cho thấy Berlin không chịu sức ép của Mỹ để tẩy chay sản phẩm công nghệ của Trung Quốc bị gắn mác là có lỗ hổng an ninh và nghi ngờ hoạt động gián điệp.

Không chỉ Đức, Anh cũng đang chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa đối với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc chứ không lựa chọn việc tẩy chay gã khổng lồ Trung Quốc khỏi thị trường này.

Giữa tháng 2/2019, Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh (NCSC) cho biết họ có thể giảm thiểu rủi ro về tiềm năng tình báo của các thiết bị công nghệ Trung Quốc.

Người phát ngôn của NCSC nói: “NCSC cam kết bảo vệ các hệ thống mạng của Vương quốc Anh. Chúng tôi có một sự giám sát đặc biệt cũng như thấu hiểu kỹ thuật của Huawei và vấn đề an ninh mạng. Như đã làm rõ vào tháng 7/2018, NCSC thể hiện mối quan ngại xung quanh khả năng bảo mật từ phía Huawei. Chúng tôi đã đề xuất những cải tiến và hy vọng công ty này sẽ thực hiện”.

Sự chần chừ của Anh trước đề nghị tẩy chay sản phẩm Huawei từ phía Mỹ đang gây chú ý.

Mỹ đã tăng cường áp lực lên châu Âu cũng như liên minh chia sẻ thông tin tình báo 5 nước bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand có tên Five Eyes để chống lại Huawei.

Australia và New Zealand đã chặn và cấm Huawei tham gia vào mạng 5G của họ. Mỹ hạn chế nguồn tài trợ liên bang cho việc mua thiết bị từ Huawei. Canada đang xem xét kỹ lưỡng các mối đe dọa tiềm ẩn đến từ tập đoàn này.

Anh cũng như châu Âu chưa thực sự thấy những mối nguy hại đến từ thiết bị Trung Quốc. Họ chỉ thấy một đối thủ cạnh tranh của Huawei là Mỹ đang tăng cường gây sức ép nhằm chậm quá trình hoàn thiện hạ tầng viễn thông tiên tiến của châu Âu.

Trong khi đó, dù kêu gọi tẩy chay Huawei vì nghi ngờ gián điệp, tạo lỗ hổng an ninh, Mỹ không mang lại niềm tin về những vấn đề này cho các nhà chức trách phương Tây.

Đối với châu Âu, nhà đầu tư Mỹ cũng chưa thể đảm bảo các vấn đề về cửa hậu bảo mật, hoạt động gián điệp... trong khi các chi phí kinh tế lại cao hơn nhiều so với các nhà thầu Trung Quốc.

Do đó, EU sẽ không vì vai trò đồng minh để chấp nhận các yêu sách của Mỹ mà từ bỏ lợi ích kinh tế của mình.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-khong-the-tu-bo-loi-ich-trung-quoc-vi-my-3375922/