Châu Âu lại nhận quả đắng từ lệnh trừng phạt của Mỹ

Cùng với thiệt hại do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, châu Âu tiếp tục nhận đòn đau từ cấm vận của Mỹ đối với Syria.

SyriaAir bỏ Airbus đàm phán mua MS-21 Nga

Theo tin đưa của tạp chí Mỹ Forbes, châu Âu lại đón nhận một “quả đắng” từ Mỹ, khi hãng vận tải hàng không quốc gia số 1 của Syria là SyrianAir sẽ bỏ Airbus để quay sang đàm phán với các đối tác Nga nhằm mua máy bay vận tải hành khách MS-21 (MС-21) do Nga sản xuất.

SyrianAir bị rơi vào danh sách đen trừng phạt của phương Tây, vì vậy công ty của Syria không thể mua hoặc thuê máy bay từ hầu hết các nhà sản xuất trên khắp thế giới.

Như nhận định của tác giả của bài báo trên Forbes, ban đầu hãng này không muốn mua máy bay của Nga vì giá cao và chỉ số an toàn thấp nên đã định mua máy bay của hãng Airbus, nhưng Washington đã chặn đứng ý tưởng giao thương giữa châu Âu với Syria.

Tuy nhiên, người đứng đầu của SyrianAir lại có cách giải thích khác về nguyên nhân tại sao ban đầu họ lại muốn mua máy bay của Airbus. Theo đó, lãnh đạo SyrianAir giải thích rằng, sở dĩ họ muốn mua Airbus của châu Âu là để tránh chi phí đào tạo lại phi đội phi công và nhân viên kỹ thuật, cùng với việc phải thay đổi hạ tầng bảo đảm kỹ thuật.

Ông lưu ý rằng, trong trường hợp nếu phương Tây vẫn tiếp tục đưa ra những lệnh trừng phạt bất công, SyrianAir đã có các giải pháp thay thế để mở rộng đội máy bay của hãng bằng những chiếc máy bay “do các bạn của chúng tôi ở Nga sản xuất” [chỉ tập đoàn Irkut của Nga, nhà chế tạo MS-21].

Theo người đứng đầu hãng hàng không hàng đầu của Syria, sản phẩm mới của Nga là MС-21 có thể sánh ngang hoặc vượt trội so với các mẫu Airbus của châu Âu hay Boeing của Mỹ. Nếu hợp đồng được ký kết, việc bàn giao máy bay có thể bắt đầu vào năm 2022.

Mỹ không đưa ra bình luận về khả năng ký kết hợp đồng cung cấp MС-21 giữa Nga và Syria, nhưng nhắc nhớ rằng: Bất kỳ ai làm ăn với SyrianAir đều sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, từ các lệnh trừng phạt xuất phát từ Đạo luật Chống Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) của Mỹ.

MC-21 Nga có những ưu thế gì?

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã từng phân tích rằng, các quốc gia khác sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi mua máy bay chở khách MS-21 của Nga.

Máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 của Irkut hộ tống MS-21

Theo vị phó Thủ tướng phụ trách khối Công nghiệp Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Nga, lợi ích đầu tiên khi mua máy bay MS-21 là việc các nước sẽ sở hữu máy bay như “một phương tiện bay có chủ quyền”, thoát khỏi sự đe dọa bị các nhà sản xuất điện tử hàng không phương Tây can thiệp vào thiết bị điện tử thông qua vệ tinh.

"Nếu các nước thế giới thứ ba muốn mua loại máy bay sẽ trở thành tài sản có chủ quyền của quốc gia và sẽ không bị các nhà sản xuất điện tử phương Tây ngắt hoạt động của thiết bị thông qua vệ tinh theo sự ra lệnh của chiếc đũa chính trị” - ông Rogozin nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nga cho biết lợi ích thứ hai gắn liền với việc Nga là quốc gia sản xuất sở hữu đầy đủ chủ quyền của chiếc máy bay, không phụ thuộc vào bất cứ ai, thuận lợi cho vấn đề bán hàng cũng như chuyển giao công nghệ cho các đối tác.

Vị phó Thủ tướng Nga cũng nhấn mạnh rằng, ngoài lợi thế trên, các nước nên mua MS-21 bởi nhiên chiếc máy bay này có lợi thế về kỹ thuật hàng không so với sản phẩm của các nước khác và mang lại những thú vị cho các công ty hàng không và hành khách của họ.

Do đó, MS-21 sẽ là tương lai của những nước muốn giữ gìn sự độc lập về chính trị đối với phương Tây.

Được biết, MS-21 là máy bay vận tải hành khách, tập trung vào phân khúc vận tải tầm trung trên thị trường hàng không toàn cầu. Hai nhà phát triển của Nga là công ty Irkut và phòng thiết kế Yakovlev (Yakovlev Design Bureau) hy vọng sẽ cạnh tranh sòng phẳng và đánh bại các máy bay Boeing-737 của Mỹ và Airbus A320 của châu Âu.

MS-21 được phát triển trên cơ sở máy bay Yak-242, phiên bản nâng cấp của Yak-42 được sản xuất từ năm 1993. Lịch sử của máy bay MS-21 đã được mở đầu vào năm 2002, khi Nga quyết định phát triển một số phiên bản của máy bay chở khách tầm ngắn và tầm trung.

Phiên bản chủ yếu là MS-21-300 có khả năng vận chuyển đến 180 hành khách, phiên bản MS-21-200 là 150 hành khách, còn MS-21-400 có sức chứa 212 hành khách. Để so sánh, Sukhoi Superjet 100, loại máy bay duy nhất do nước Nga hiện đại độc lập thiết kế, là máy bay dân dụng phục vụ các tuyến bay khu vực chỉ có sức chứa tối đa 108 hành khách.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chau-au-lai-nhan-qua-dang-tu-lenh-trung-phat-cua-my-3369421/